Lỗi phát âm là nguyên nhân dùng từ sai

Giáo dục - Ngày đăng : 05:01, 16/11/2016

Cũng có thể, do phát âm giọng Nam Bộ nên dẫn đến trường hợp nhầm lẫn giữa “quàn” và “quàng”, cũng như thường có sự nhầm lẫn về các vần “an” và “ang”, “ac” và “at”, “uôn” và “uông”, “uộc” và “uột”, “ăc” và “ăt”… Nhưng đã đưa lên mặt báo thì phải chuẩn theo ngôn ngữ đại chúng, phổ thông chứ không nên theo phát âm vùng miền.
Những chuyến đi tham quan thường bị nhiều phóng viên viết nhầm thành

Tờ báo TT xưa nay rất chỉn chu, thận trọng về từ ngữ, nhất là tiếng Việt. Nhưng thời gian gần đây, chả hiểu sao bị khá nhiều lỗi sử dụng từ ngữ. Ví dụ, trong tin về nghệ sĩ Út Bạch Lan trên báo điện tử sáng 5.11, báo viết rằng: "NSƯT Út Bạch Lan sẽ được liệm tại tư gia lúc 12g trưa nay, ngày 5-11, sau đó di quan đến chùa Ấn Quang, 243, Sư Vạn Hạnh, P.9, Q.10, TP.HCM và quàng tại đây. Lễ động quan lúc 7g ngày 8-11, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa".

Cũng có thể, do phát âm giọng Nam Bộ nên dẫn đến trường hợp nhầm lẫn giữa “quàn” và “quàng”, cũng như thường có sự nhầm lẫn về các vần “an” và “ang”, “ac” và “at”, “uôn” và “uông”, “uộc” và “uột”, “ăc” và “ăt”… Nhưng đã đưa lên mặt báo thì phải chuẩn theo ngôn ngữ đại chúng, phổ thông chứ không nên theo phát âm vùng miền.

Phải nói ngay, "quàn" chứ không phải "quàng". Quàn và quàng đều là từ thuần Việt, “quàn” là từ cổ, nay ít dùng. Nó có nghĩa giữ lại, lưu lại cái gì đó trong một thời gian nhất định. Từ này bây giờ thường chỉ dùng trong trường hợp tang lễ, tức là lưu quan tài, linh cữu lại một thời gian để cúng tế, làm lễ, phúng viếng.

Trong một trường hợp khác, “quàn” cũng có nghĩa là trói buộc, đè nén. Trong văn học dân gian có truyện tiếu lâm, anh lính lệ ghét viên quan huyện tàn ác liền bảo “Quan quán quạn chi quan, quàn dân; Dân dấn dận chi dân, dần quan” (Quan là quan, thì quan quàn dân. Dân là dân, thì dân dần quan). Dần có nghĩa là đánh cho nhừ đòn.

"Quàng" là động tác vòng tay ôm vai, ôm cổ người khác, nó cũng được mở rộng nghĩa là trói buộc. Người ta thường nói quàng vai bá cổ để chỉ sự thân mật, thông tục trong mối quan hệ. Ngoài ra, “quàng” còn có nghĩa xấu, để chỉ những việc không hay không tốt, sự vướng víu, ví dụ: "Thấy người sang bắt quàng làm họ", "Đi đâu mà vội mà vàng/Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây/Đủng đỉnh như chúng em đây/Chẳng đá nào vấp, chẳng dây nào quàng".

Nhân đây, bàn thêm từ “quan” và “quang”. Rất nhiều người, nhiều báo dùng sai, nhầm lẫn giữa 2 từ này, ví dụ viết (hoặc nói) đi thăm quan, thái độ bàng quang… Khi đi xem một cái gì đó tận nơi, chứng kiến những điều thực tế (để đối chiếu lại với những gì người ta đã nói) thì phải dùng từ “tham quan” chứ không phải “thăm quan”. “Quan” là từ Hán Việt, có nghĩa là xem, tuy đều là nhìn bằng mắt nhưng khác với “kiến” là thấy, khác với “thị” là nhìn, khác với “khán” là trông, coi. “Tham” là từ Hán Việt, có nghĩa là dự vào, tham gia vào hoạt động hoặc việc gì đó, cũng có nghĩa thăm. Khi đi với “quan” thì phải dùng từ “tham” thành tham quan, chứ không phải từ “thăm” bởi sẽ lộn xộn, dở ông dở thằng.

“Bàng quan” dùng để chỉ sự thờ ơ, dửng dưng, thiếu trách nhiệm của ai đó. “Bàng” có nghĩa thờ ơ, dửng dưng; “bàng quan” có nghĩa là xem, quan sát cái gì đó, vụ việc gì đó một cách thờ ơ. Không thể đề cập đến nghĩa này mà lại dùng từ “bàng quang” bởi bàng quang là từ dùng trong y học, chỉ cái bọng đái, chứa nước tiểu trong cơ thể.

Những từ như vậy nghĩa khá rõ, nên những cái sai ấy là sai sơ đẳng, lẽ ra không thể sai với người có kiến thức.

Nguyễn Thông