Sứ giả phương Bắc bị hù dọa không dám bước chân vào nước ta

Giáo dục - Ngày đăng : 21:25, 13/11/2016

Trong bài viết trước, chúng tôi có kể sơ qua câu chuyện vua Lê Đại Hành mang cọp ra hù sứ giả nhà Tống khiến hai viên Tả chính ngôn là Tống Cảo, Hữu chính ngôn là Vương Thế Tắc tim đập chân run. Nhưng đó không phải là lần duy nhất và cũng không phải là lần đầu tiên mà triều đình nước ta cách đây 1.000 năm dọa nạt sứ phương Bắc.
Rất khó khăn để bắt sống cọp mang về hù sứ nhà Tống (ảnh minh họa)

Kỳ 1: Cha ông ta từng chỉ huy liên quân Đông Nam Á chống lại phương Bắc

Kỳ 2: Đinh Tiên Hoàng tự coi là cửa trên khiến phương Bắc bực dọc

Nếu tính từ thời độc lập bắt đầu do Ngô Quyền tạo dựng thì lần đầu tiên triều đình ta hù dọa sứ phương Bắc phải là Ngô Xương Văn, con thứ của Ngô Quyền. Năm 951, sau khi dẹp loạn Dương Tam Kha, Ngô Xương Văn lên ngôi vua lấy hiệu là Nam Tấn Vương. Năm 954, Ngô Xương Văn cho sứ sang giao hảo với Nam Hán. Vua Nam Hán lúc ấy là Lưu Thịnh cho ngay cấp sự trung là Lý Dư làm sứ sang nước ta để dò xét tình hình nước Việt toan tính âm mưu kiếm cớ xâm lược tiến tới chiếm đóng nước ta.

Được tin ấy, Ngô Văn Xương cho ngay người đi sang chặn sứ Nam Hán lại trước khi tới biên giới, và dọa sứ Nam Hán rằng: giặc biển đương làm loạn, đường đi rất khó, đừng sang mà chết! (Khâm định Việt sử thông giám cương mục). Sứ Nam Hán hoảng sợ quay về. Mộng bành trướng của Nam Hán tới đây thật sự chấm dứt.

Phải nói rằng việc Ngô Xương Văn hù sứ giả nhà Nam Hán khi đó là rất cần thiết và kịp thời. Nếu để Lý Dư sang dò xét tình hình nước ta khi đó thì thật là hỏng hết đại sự. Cần nhớ là thời điểm đó, nước Việt đang loạn lạc trong khi Ngô Xương Văn tự xét mình không thể có tài cầm quân như cha là Ngô Quyền. Bản thân Ngô Xương Văn dẹp được Dương Tam Kha giành lại được ngôi vương cũng nhờ mưu chứ không phải nhờ dũng. Nếu để phương Bắc thấy rõ tình hình nước ta đang chia 5 xẻ 7 mà tiến quân thì e rằng cơ nghiệp của Ngô Quyền đã tan thành mây khói.

Sau nhà Ngô đến nhà Đinh, rồi đến thời Lê Hoàn hay Lê Đại Hành. Đến thời vua Lê Hoàn thì giang sơn đã thống nhất, có thể yên tâm tiếp sứ Trung Quốc. Nếu sứ thần là người biết điều như Lý Giác thì ta cũng rất lịch sự mà dùng cao tăng Đỗ Thuận để đối đáp. Nhưng nếu sứ thần hống hách ngạo mạn thì ta cũng trừng trị thẳng thừng.

Năm 990, vua Tống lại cho một đoàn sứ giả sang ta, mang chiếu thư của vua Tống phong thêm chữ trong chức cho Lê Hoàn. Việc chỉ có thế mà nhà Tống phái một đoàn sứ giả đi, đứng đầu là Tống Cảo chánh sứ và Vương Thế Tác phó sứ. Hai viên chánh, phó sứ này tỏ ra ngạo mạn, hống hách. Chúng báo sang là ta phải cho thuyền sang đón chúng tại Liêu Châu (thuộc Quảng Đông).

Ta đáp lại bằng cách cho thuyền sang đón nhưng đi từ Quảng Đông về đến Hoa Lư mà mất cả tháng trên thuyền. Trước hết là để hành xác cho mấy vị sứ giả ngạo mạn này bớt tác oai tác quái. Quan trọng hơn là để cho chúng cảm thấy muốn dùng thủy quân tiến đánh nước ta thì gian khó vô cùng.

Sứ giả đến nơi thì được tiếp đón hết sức sơ sài. Nơi sứ quán đồ cung cấp không được đầy đủ. Khi sứ bộ nhà Tống sắp vào thành thì mới có gian nhà lợp tranh đề chữ “Mao kính dịch” (trạm qua đường lợp tranh). Cho sứ ở đơn sơ nhưng vua Lê Hoàn lại kỳ công cho quân tinh nhuệ diễu võ giương oai làm cho sứ nhà Tống mất mật. Bởi vậy khi đưa chiếu vua Tống sang, vua Lê Hoàn không thèm lạy mà bảo đang đau chân. Sứ Tống cũng phải im.

Ấy vậy mà lúc sau, vua Lê Hoàn cho đặt yến tiệc tại bãi biển, để chủ và khách vừa ăn yến, vừa liên hoan múa hát, lấy trò bắt cá làm vui. Rồi Lê Hoàn tuy là vua, nhưng tự cởi mũ áo, bỏ giày, đi chân không lội xuống nước đâm cá không hề có dấu hiệu đau chân gì cả.

Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sau bữa tiệc ở bãi biển, vua Lê Hoàn lại cho người khiêng một con trăn lớn, dài vài trượng đến sứ quán, nói với sứ nhà Tống: "Nếu ăn được, sẽ cho làm cỗ để mời". Sứ khiếp sợ, không dám nhận. Một buổi khác, Lê Hoàn cho dắt hai con hổ tới sứ quán để cho sứ thần vui chơi. Sứ càng sợ, không dám nhận (Những chuyện ta tiếp sứ Tống Cảo đều có ghi trong tờ tâu của Tống Cảo với vua Tống và chép trong Tống sử).

Khi Tống Cảo, Vương Thế Tác xin phép về nước, Lê Hoàn bảo thẳng vào mặt sứ: "Sau này có quốc thư thì nên để giao nhận ngay ở đầu địa giới, không phiền sứ thần đến đây nữa" (Đại Việt sử ký toàn thư). Vua Tống biết chuyện cũng phải bằng lòng sau khi nghe 2 sứ kể về sức mạnh quân sự của Đại Việt lúc ấy.

Anh Tú