Vượt qua rào cản

Giáo dục - Ngày đăng : 20:14, 12/11/2016

Minh Châu dắt xe ra khỏi cổng trường, con đường trước mặt đầy nắng, cái nắng của buổi trưa thật gay gắt làm cho Minh Châu rất khó chịu.

Nhất là con đường này luôn tấp nập xe cộ, khói bụi mịt mù khiến Minh Châu rất ngại phải đạp xe lẫn trong dòng người và xe cộ ngược xuôi huyên náo ấy. Nhưng biết làm sao được, không lẽ đứng đây cầu mong một phép lạ để Minh Châu và cái xe đạp cà khổ này trong phút chốc… bay thẳng về phòng trọ. Xe đạp ơi là xe đạp, không biết lúc nào, trong trường hợp nào mày là hình ảnh thơ mộng đã đi vào thơ văn, thậm chí được một nhạc sĩ sáng tác hẳn một ca khúc ca ngợi nhan đề “Xe đạp ơi” rất lãng mạn, được sinh viên hát inh ỏi khắp khu phòng trọ, chứ bây giờ thì mày trở thành một gánh nặng ngàn cân mà đôi chân bé nhỏ này phải ì ạch đạp qua các nẻo đường với gương mặt nhễ nhại mồ hôi, ướt cả lưng áo dài giữa trời trưa nắng nóng thì chẳng còn chút thi vị nào nữa.

Thôi kệ, Minh Châu chép miệng, rướn người đạp chiếc xe đạp cà khổ xuống lòng đường, hòa nhập vào dòng người không biết có chuyện gì mà cứ phóng xe như ma đuổi, mặt mày lúc nào cũng căng thẳng. Khi Minh Châu vừa qua khỏi ngã tư thì bất ngờ anh chàng Thức bốn mắt không biết từ đâu phóng xe cặp ngang hông cười nói rất hồn nhiên: - Chào cô giáo, tôi biết thế nào cô giáo cũng đi đường này nên cố ý chờ. Đúng là trời không phụ lòng người có chí kiên nhẫn. - Eo ơi, anh Thức mà tưởng ai làm em hết hồn, suýt chút nữa té nhào ra đường rồi. - Giật mình thôi chứ đừng nên té, vì té xe giữa đường giờ này rất nguy hiểm, tôi không nhảy xuống đỡ kịp đâu. Minh Châu về nhà à? - Chứ anh nghĩ em còn đi đâu giữa trưa nắng nóng như thiêu như đốt này chứ? Thức cười hồn nhiên: - Đi uống cà phê nhé Minh Châu, ngồi nói chuyện một lúc rồi về cho… đỡ nắng. - Đỡ nắng nhưng rồi có thể mưa bất tử, Minh Châu ngại nắng, sợ mưa lắm. Trời Sài Gòn chợt mưa, chợt nắng mà anh! - Hì hì… hy vọng trời Sài Gòn sẽ dịu nắng mà không mưa.

Quán cà phê ở khu vực hồ Con Rùa, gần đây thôi, cô giáo cứ đạp xe thẳng, tới ngã tư trước mặt, quẹo trái. Thật không có ai mời con gái đi uống cà phê mà tự tin như anh chàng Thức bốn mắt, làm như nói là người ta phải chấp nhận chạy theo vậy? Nhưng Minh Châu không từ chối mà cứ đạp xe theo sự hướng dẫn của anh chàng bốn mắt mới lạ. Hay là tại anh chàng này là… anh của Thơm, đứa học trò mình đang dạy kèm? Minh Châu không kịp lý giải, chỉ cắm cúi đạp xe và rồi ở phía sau, hình như có lúc Thức kè chân qua xe đạp đẩy Minh Châu chạy cho nhanh khiến cô hết hồn, lảo đảo tay lái. Và rồi cái vòng xoay có hồ nước và tháp cao mất hình con rùa cũng hiện ra. Quán cà phê nằm bên tay phải, có cửa kính. Khi hai người dựng xe bên hông quán, góc đường trước mặt bỗng dưng dịu nắng và gió xao xác thổi những trái hoa sao bay như chong chóng xuống mặt đường rất đẹp mắt. Thức lịch sự đẩy cửa kính cho Minh Châu bước vào, không khí lạnh bên trong quán phút chốc xua tan những nỗi bực dọc và làm Minh Châu rất dễ chịu, nhất là khi được ngồi sát cửa kính nhìn ra mặt đường thoải mái ngắm cảnh. Thức uống cà phê sữa đá còn Minh Châu uống dừa lạnh.

Cô ngồi cắn cái ống hút nhâm nhi thứ nước ngọt dịu, mát tê đầu lưỡi. - Nhóc Thơm hôm qua đi bơi, bữa nay cảm nghỉ học rồi. Chiều nay chắc nó không học với cô giáo được đâu. - Sao lại đi bơi chi cho bị cảm, vừa mới khá khá lên đã kiếm cớ lười học rồi. Em của anh thật… Thấy Thức trố bốn con mắt nhìn mình, Minh Châu biết mình lỡ lời nên đành cười trừ. Thức nhịp nhịp ngón tay lên mặt bàn nói như để trần tình: - Có Minh Châu dạy kèm tôi yên tâm, nhưng nhóc Thơm vẫn còn ham chơi hơn ham học. - Chắc nó giống anh Thức lúc nhỏ? - Khác chứ giống nhau sao được.

Khác từ… hình thức đến nội dung nhé. Lúc nhỏ tôi gầy gò xương xẩu, nhưng học rất giỏi chứ ai như nhóc Thơm mập lùn, học dở lại lười… Nhưng chiều nay cô giáo vẫn cứ tới dạy, biết đâu nhóc Thơm uống thuốc đã khỏi bệnh rồi. - Anh Thức không dặn Minh Châu cũng tới vì nhiệm vụ của cô giáo mà, nếu Thơm không học được thì cô giáo tới thăm học trò cũng có sao đâu?

***

Minh Châu về tới phòng trọ bất ngờ thấy chiếc xe gắn máy cà tàng của bác Hai Đạt, biết ông Tư Minh mượn xe của bác Hai xuống thăm mình, Minh Châu vừa mừng vừa lo vì cô biết ba mình xuống Sài Gòn không chỉ có mục đích thăm con gái mà còn một nguyên nhân quan trọng khác. Phòng trọ chỉ có Kim Trâm, nó đang tiếp ông Tư Minh, thấy Minh Châu về Kim Trâm mừng rỡ nói: - Sao hôm nay nhỏ về trễ thế, bác xuống cả tiếng đồng hồ rồi. Ngồi chờ Minh Châu sốt cả ruột.

Mình bận việc ở trường. Minh Châu nói dối việc đi uống cà phê với anh chàng Thức bốn mắt. Trong lúc Minh Châu ngồi nói chuyện với ông Tư Minh, nhỏ bạn cùng phòng trọ lui cui nấu cơm. Ông Tư Minh nhìn con gái nói: - Ba xuống thăm con để biết chỗ trọ, tạm thời ba yên tâm, chỗ này cũng tốt. - Con định tháng tới mướn phòng trọ khác, đưa hai đứa em xuống này học luôn. Ở trên đó tụi nó đi chơi nhiều hơn học. - Chuyện đó tính sau, bây giờ con đi với ba tới nhà bác Phúc, nhà bác ấy ở quận 10.

Ba có hẹn với bác ấy rồi. - Nhưng để làm gì vậy ba? Ông Tư Minh trợn mắt: - Con nhỏ này, tới thăm gia đình bác Phúc và tính chuyện của con chứ làm gì? - Chuyện của con là… chuyện gì? - Minh Châu làm bộ ngạc nhiên. - Không lẽ con đã quên chuyện ba nói với con tuần rồi? Chuyện ba và bác Phúc hứa làm sui, chuyện hôn nhân tương lai của con và con trai bác ấy chứ còn chuyện gì nữa? Minh Châu hết hồn: - Nhưng ba ơi, con còn đi học, tương lai chưa có gì, em út con còn chưa lo được, chưa giúp đỡ cho ba má được gì thì làm sao lấy chồng? - Gặp gỡ cho hai đứa con biết mặt nhau, ra trường mới tính chuyện hôn nhân.

- Ra trường con còn muốn học thêm, lên cao nữa, con muốn đi… du học nước ngoài. - Đó là ý của con, còn ba chỉ muốn con ra trường sẽ lấy chồng, một nơi tử tế, bác Phúc là bạn của ba, gia đình này rất tốt, lấy chồng xong con cũng có thể đi du học được vậy? Gia đình chồng con cũng giàu có, có thể tạo điều kiện cho con du học. Minh Châu rơm rớm nước mắt: - Nhưng con chưa muốn lấy chồng, chuyện du học của con phải tự bản thân con lo liệu, con thích sống tự lập, không dựa dẫm vào ai, nhất là với gia đình chồng. Không biết nãy giờ Kim Trâm có nghe thấy cuộc nói chuyện khá căng thẳng giữa Minh Châu và ba cô không? Nhưng chắc chắn Minh Châu không muốn mấy nhỏ bạn cùng phòng trọ biết được chuyện hôm nay Minh Châu sẽ theo ba cô tới nhà bác Phúc để gặp chồng tương lai của mình dù mới đây Minh Châu đã hé lộ chuyện này cho mấy nhỏ bạn biết. Nhưng đó cũng chỉ là chuyện… mơ hồ trong lúc vui miệng thôi. Mấy nhỏ bạn mà biết được chuyện này đã thành cụ thể chắc Minh Châu chỉ còn nước độn thổ hoặc trở về rẫy ở Long Khánh trốn tụi nó chứ nếu không bị tụi nó chọc thì sống sao nổi?

Nhưng bây giờ Minh Châu biết cô không thể cãi lời ba mình được. Đành phải làm theo lời ông thôi, rồi tùy cơ ứng biến. Minh Châu gạt nước mắt, chùng giọng: - Đi bây giờ sao ba? - Đi bây giờ, ba mượn xe của bác Hai Đạt là cố ý xuống đây chở con đi tới nhà bác Phúc. Con cứ mặc áo dài và cha con mình đi. Chiếc xe gắn máy cà tàng dính đầy đất đỏ xứ Long Khánh đột nhiên nổi bật giữa dòng xe cộ và người thành phố vẫn ngược xuôi tấp nập đưa cha con ông Tư Minh hướng về quận 10. Minh Châu ngồi phía sau nhìn quang cảnh hai bên đường mà lòng trống rỗng chẳng có một cảm xúc nào trước việc phải đối diện với gia đình bác Phúc và anh con trai xa lạ nào đó sẽ là chồng tương lai của cô.

Trời ơi giữa thế kỷ 21 rồi mà Minh Châu tưởng cô đang sống lại thời phong kiến với tục lệ hứa hôn giữa hai gia đình do ba cô quyết định. Không, Minh Châu không cách nào chấp nhận được, cô phải vượt qua rào cản này và muốn vượt qua nó Minh Châu phải quyết tâm học thật giỏi để nhận được học bổng đi du học nước ngoài. Đó là cách duy nhất mà ba cô phải chấp nhận để Minh Châu hoãn hôn rồi chờ thời gian… mọi chuyện biết đâu sẽ thay đổi. Minh Châu gắng gượng cho qua thời điểm kinh khủng này và nhất định cuối tuần khi về Long Khánh cô sẽ tới chùa gặp thầy Thông Tuệ để tâm sự với thầy. Minh Châu biết thầy Thông Tuệ rất có ảnh hưởng tới ba cô, hy vọng thầy sẽ tác động với ông Tư Minh và mọi chuyện lo lắng của Minh Châu rồi cũng chỉ như mặt nước ao chùa gợn sóng để trở về với sự phẳng lặng của thời gian và mưa nắng nhạt phai!

Tuệ Mẫn/Duyên dáng Việt Nam