Đừng nhầm lẫn tung và tông
Giáo dục - Ngày đăng : 04:44, 29/11/2016
Trên hai tờ báo Công an nhân dân và Công an TP.HCM (và nhiều báo khác nữa) luôn có sự nhầm lẫn hai từ "tung tích" và "tông tích". Vì sao, vì những báo này thường viết về những vụ án, nói nhiều về bọn tội phạm, mà bọn này gây án xong thì hay bỏ trốn. Không ít phóng viên một số tờ báo khác, kể cả những tờ lớn có tiếng tăm cũng nhầm như vậy.
Tung tích là gì? "Tung" là cái chân, bàn chân; "tích" là dấu vết. Bàn chân đi đến đâu thì có thể để lại dấu vết nơi ấy, muốn tìm kẻ chạy trốn thì có thể dựa vào tung tích, vào dấu vết để lại của nó. "Hành tung" có nghĩa đen là coi cái bàn chân, cái chân ấy nó đi lối nào, ra làm sao (hành là chuyển động, đi), nghĩa bóng là hoạt động của ai đó.
Tông tích là gì? "Tông" chỉ nguồn gốc, dòng tộc, dòng họ, tổ tiên của con người. Tông đường có nghĩa là nhà thờ tổ tiên, tông chi là những nhánh trong một dòng họ; tông thất là để chỉ riêng họ nhà vua. "Tông tích" là gốc tích, dấu ấn xuất thân của ai đó, dòng họ nào, con cái nhà ai... Dân gian có câu “Con người có tổ có tông”. Có chút cần giải thích cho rõ, từ trước thời nhà Nguyễn, người ta dùng từ “tông”, nhưng đến thời Nguyễn do kiêng tên húy (kỵ húy) của vua Minh Mạng nên phải đọc và viết thành “tôn”, ví dụ vua nhà Trần là Trần Nhân Tông bị đổi là Trần Nhân Tôn, vua nhà Lê là Lê Thánh Tông cũng phải đổi là Lê Thánh Tôn…
Vì vậy phải viết là "truy tìm tung tích kẻ trộm, kẻ gây án, bọn buôn ma túy..." chứ không thể viết "truy tìm tông tích..." bởi điều mà cơ quan điều tra muốn biết là kẻ đó đang ở đâu, trốn chỗ nào, chứ không phải nó là con cái nhà ai.
Mà không chỉ đối với người, từ "tung tích" còn được mở rộng nghĩa ra với cả sự vật, ví dụ chiếc tàu biển hoặc cái máy bay bị mất tích thì việc điều tra tìm nó gọi là "truy tìm tung tích", mặc dù nó không có chân (tung).
Tiếc là những phóng viên nội chính, chuyên viết về pháp luật ít được nhắc nhở về những từ ngữ có tần suất cao trong mảng nội dung mình đảm nhận như vậy.
Nguyễn Thông