Nhà Nguyên tính dùng cả triệu người đánh Đại Việt, dân Hán lầm than

Giáo dục - Ngày đăng : 08:00, 25/11/2016

Dân chúng kêu than, tứ dân bỏ nghiệp. Người nghèo phải bỏ con để cầu sống, kẻ giàu phải bán sản nghiệp để ứng dịch. Nỗi khổ như bị treo ngược, mỗi ngày một tăng. Nay lại có việc đánh Giao Chỉ, điều động đến trăm vạn người (1), tiêu phí đến nghìn vàng, đó chẳng phải là việc để thương sĩ dân".

Kỳ 1: Lấy cớ quân Việt lấn biên, nhà Nguyên phát động chiến tranh lần 3

Nguyên Mông chuẩn bị xâm lược trong bối cảnh khó khăn hơn lần xâm lược trước. Ở các vùng phía nam nước Nguyên, việc lao dịch, bắt lính, vơ vét thuế má, lương thực đã khiến cho dân chúng nhiều nơi lâm vào cảnh khốn cùng, rủ nhau phất cờ khởi nghĩa. Quân đội nhà Nguyên hùng mạnh, tạm thời vẫn làm chủ tình hình nhưng việc này đã khiến cho quá trình chuẩn bị xâm lược Đại Việt gặp trở ngại lớn. Một số quan lại địa phương nước Nguyên còn có lòng thương dân, liên tiếp tâu trình xin Hốt Tất Liệt giãn tiến độ chuẩn bị. Khoảng tháng 7.1285, Tuyên úy ti Hồ Nam đã dâng sớ xin Hốt Tất Liệt hoãn binh:

“Luôn năm đánh Nhật Bản và dùng binh ở Chiêm Thành, trăm họ phục dịch vận chuyển rất vất vả cực nhọc, quân sĩ mắc phải chướng lệ chết rất nhiều. Dân chúng kêu than, tứ dân bỏ nghiệp. Người nghèo phải bỏ con để cầu sống, kẻ giàu phải bán sản nghiệp để ứng dịch. Nỗi khổ như bị treo ngược, mỗi ngày một tăng. Nay lại có việc đánh Giao Chỉ, điều động đến trăm vạn người (1), tiêu phí đến nghìn vàng, đó chẳng phải là việc để thương sĩ dân. Vả lại trong lúc cử động, lợi hại không phải chỉ là một. Lại thêm nữa, Giao Chỉ vẫn thường sai sứ dâng biểu xưng phiên thần. Nếu theo lời xin để phục hồi sức dân thì là kế hay nhất. Nếu không được thì nên nới phú thuế cho trăm họ, chứa lương thực, sắm giáp binh, đợi đến năm sau thiên thời địa lợi tất hơn chút nữa hãy cất quân cũng chưa muộn”.

Hành tỉnh Hồ Quảng là Tuyến Kha (Sanag) đem sớ vào triều còn nói thêm: “Tỉnh tôi trấn giữ hơn 70 sở, luôn năm chinh chiến, quân sĩ tinh nhuệ đều mệt nhọc ở ngoài, kẻ còn lại đều già yếu, mỗi thành ấp nhiều không quá hai trăm quân, trộm nghĩ rằng sợ kẻ gian dò xét được tình hình đó. Năm ngoái bình chương A Lý Hải Nha xuất chinh, thu 3 vạn thạch lương, dân còn kêu khổ. Nay lại thu gấp bội số đó, quan không có tích trữ, còn mua ở trong dân, trăm họ sẽ khốn khổ khôn xiết. Nên theo lời của tuyên úy ti, xin hoãn quân đánh phương Nam”.

Ngay trong triều đình trung ương nước Nguyên cũng có người không mong muốn việc khởi binh đánh Đại Việt. Lễ bộ thượng thư nước Nguyên là Lưu Tuyên tâu xin Hốt Tất Liệt nên đàm phán với Đại Việt, tránh nạn binh đao:

“Luôn năm đánh Nhật Bản, trăm họ sầu oán, quan phủ nhiễu nhương. Mùa xuân năm nay bãi binh, quân dân Giang Chiết reo mừng như sấm. An Nam là nước nhỏ, thần phục đã bao năm, tuế cống chưa từng sai hạn. Vì tướng ở biên sinh sự hưng binh, nên kẻ kia trốn tránh ra hải đảo, khiến cất đại quân đi mà không được công trạng gì, tướng sĩ lại bị thương tổn. Nay lại hạ lệnh đi đánh nữa, ai nghe thấy cũng lo sợ. Từ xưa dấy quân, tất phải theo thiên thời. Ở vùng trung nguyên đất bằng còn phải tránh giữa mùa hạ. Giao Quảng là đất viêm chướng, khí độc hại người còn hơn là binh đao. Nay định tháng 7 họp các đạo quân ở Tĩnh Giang đến An Nam tất nhiều người mắc bệnh chết, lúc cần cấp gặp giặc biết lấy gì ứng phó. Ở Giao Chỉ lại không có lương, đường thủy khó đi, không có xe ngựa, trâu bò chuyên chở thì không thể tránh được vận chuyển đường bộ. Một người phu gánh 5 đấu gạo, đi về ăn hết một nửa, còn quan quân được một nửa. Nếu có 10 vạn thạch lương, dùng 40 vạn người cũng chỉ có thể có lương cho quân 1, 2 tháng. Chuyên chở, đóng thuyền, phục dịch việc quân phải dùng đến 5, 60 vạn người. Quảng Tây, Hồ Nam điều động nhiều lần, dân ly tán nhiều, lệnh cho cung dịch cũng không thể làm được. Huống chi Hồ Quảng rất gần khe động, trộm cướp thường nhiều, vạn nhất kẻ gian dò được, chờ đại quân một khi đi khỏi, thừa lúc bỏ không mà gây biến. Tuy có quân mã lưu lại nhưng là người già yếu mệt nhọc, khó bề ứng biến. Sao không cùng người hiểu biết sự thể trong quan quân bên kia mà bàn bạc phương lược vạn toàn. Nếu không thì sẽ giẫm vào vết xe cũ”.

10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất

22 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai​

Những lời can gián của Lưu Tuyên rất thấu tình đạt lý. Không chỉ viên quan này nghĩ cho nhân dân hai nước, mà thực sự lợi ích của Nguyên triều cũng được y phân tích rất chính xác. Bấy giờ miền nam nước Nguyên dân tình đã quá cơ cực, những hào kiệt chỉ chực chờ cơ hội để nổi dậy. Việc trọng đại của nước Nguyên bấy giờ là tạo phúc cho dân, thu phục lòng dân để có được căn cơ vững chắc. Hòa bình với Đại Việt sẽ giúp cho đôi bên cùng thắng. Hốt Tất Liệt dù rất nóng lòng tiến hành nam chinh, vẫn không thể bất chấp tất cả. Mặc dù không có lòng trắc ẩn thương dân đi chăng nữa, thì vua Nguyên cũng không thể không xét đến những nguy cơ. Bởi vậy, Hốt Tất Liệt sau khi suy xét đã một lần nữa hạ lệnh tạm hoãn việc xuất quân. Gươm đã tuốt khỏi vỏ lại phải tạm cất đi.

Nhưng Hốt Tất Liệt hẳn là không nghĩ giống như Lưu Tuyên. Tham vọng bành trướng và lòng hận thù của hắn vẫn còn đó. Khi mà khó khăn trong nước tạm thời dịu xuống, công cuộc chuẩn bị cho việc xâm lược Đại Việt lại được tiến hành mạnh mẽ.Việc chuẩn bị càng dời tiến độ, thì binh lực của đạo quân xâm lược càng to lớn hơn. Cuối năm 1286, ngựa chiến được cấp thêm cho Thoát Hoan. Chinh Giao Chỉ hành tỉnh được lập ra, giao cho A Bát Xích (Abaci) làm Hữu thừa. Tháng giêng năm 1287, Hốt Tất Liệt hạ lệnh điều động thêm quân lính. Gồm có 1.000 quân Tân Phụ (người Nam Tống cũ ), 7 vạn quân Mông Cổ và quân Hán (người nước Kim cũ), 6.000 quân Vân Nam (người nước Đại Lý cũ), 15.000 quân người Lê (đảo Hải Nam)… cùng với một số quân người Choang (người Âu Việt ở Quảng Tây). Số quân tăng thêm này cộng với những quân lính đã điều động từ trước và tàn quân của lần xâm lược trước chạy về, gộm chung toàn bộ đạo quân Nguyên xâm lược nước Đại Việt lần này theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là 30 vạn quân. Một số tướng lĩnh cũng được tăng cường thêm dưới quyền Thoát Hoan là Ái Lỗ (Aruq), Tích Đô Nhi (Siktur), Trương Ngọc, Lưu Khuê…

Rút kinh nghiệm từ thất bại lần trước, quân Nguyên trang bị hai hạm thuyền lớn. Hạm đội tải lương dưới quyền của Trương Văn Hổ, chở theo 17 vạn thạch lương (có sách chép 70 vạn) để giúp đảm bảo hậu cần cho quân Nguyên, giảm bớt sự lệ thuộc vào việc tải lương đường bộ vốn rất khó khăn và tốn nhiều nhân lực. Hạm đội chiến đấu gồm có cả thảy hơn 600 chiến thuyền dưới quyền tổng chỉ huy của Ô Mã Nhi, với hàng vạn thủy quân tinh nhuệ nhất của nước Nguyên là những sắc quân người Lê đảo Hải Nam, quân Tân Phụ miền Giang Nam. Hạm đội của Ô Mã Nhi có nhiệm vụ đánh mở đường và hộ tống đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, đồng thời sẽ là một lực lượng quan trọng để phá tan ưu thế thủy chiến của quân Đại Việt.

Cuối thu năm 1287, quân Nguyên đã tập kết thành ba khối quân. Khối đại quân do Thoát Hoan trực tiếp chỉ huy tập kết tại Quảng Tây. Khối quân ở Vân Nam dưới quyền tổng chỉ huy của Ái Lỗ là khối quân phối hợp. Khối thủy quân Nguyên dưới quyền của Ô Mã Nhi, Trương Văn Hổ tập kết ở Khâm Châu, sẵn sàng vượt biển tiến vào Đại Việt. Lần xâm lược này, quân Nguyên có tổng quân số ít hơn lần trước nhưng đặc biệt nguy hiểm là thủy quân của chúng được tăng cường mạnh mẽ hơn rõ rệt. Trong lần xâm lược trước, quân Nguyên cực mạnh về kỵ bộ nhưng cách điều quân của Đại Việt đã khiến cho nhiều lực lượng kỵ bộ của quân Nguyên trở thành “người thừa”. Trái lại, thủy quân tinh nhuệ là lực lượng mà quân Nguyên trong lần xâm lược năm 1285 rất cần nhưng lại thiếu thốn. Lần này, sức mạnh quân Nguyên cân đối hơn giữa thủy và bộ, lại chú trọng hậu cần hơn trước. Dù binh lực thủy bộ đều rất hùng hậu, Nguyên chủ Hốt Tất Liệt vẫn chưa hoàn toàn yên tâm. Gần sát ngày tiến quân, Hốt Tất Liệt ra chỉ dụ căn dặn các tướng : “Không được cho Giao Chỉ là nước nhỏ mà khinh thường”.

(còn tiếp)

Quốc Huy

10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất

22 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai​

(1) : Tính cả quân chiến đấu và số người phu dịch, hậu cần.