Doanh nghiệp than khó, muốn tự test COVID-19 và tự chịu trách nhiệm
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:40, 05/08/2021
Tại tọa đàm trực tuyến “Duy trì sản xuất trong thời kỳ dịch COVID-19” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức, các hiệp hội cho biết hiện nay doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.
Địa phương áp dụng máy móc các quy định
Cụ thể, mô hình “3 tại chỗ” đang không phát huy tác dụng khi thời gian áp dụng kéo dài, việc cấp thiết là cần có các giải pháp và sáng kiến để duy trì sản xuất trong giai đoạn giãn cách. Ngoài ra, việc xây dựng lộ trình để đưa sản xuất trở lại bình thường cần được bàn thảo kỹ càng để tránh các tình huống bị động do biến động không thể dự đoán của dịch bệnh trong thời gian tới.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và lưu thông hàng hóa. Nhiều địa phương áp dụng quá chặt chẽ, máy móc khi áp dụng giãn cách khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa dù không có người lao động bị nhiễm COVID-19.
“Nhiều địa phương, cán bộ đang hiểu một cách máy móc “hàng thiết yếu”, dẫn tới ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động doanh nghiệp, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Do đó cần có sự hướng dẫn và thống nhất về quyết định đâu là hàng thiết yếu, đặc biệt mặt hàng xuất nhập khẩu”, Chủ tịch VITAS nhận xét.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho hay dịch đã xâm nhập vào một số nhà máy mặc dù nhiều doanh nghiệp thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” theo đúng yêu cầu từ cơ quan y tế, công nhân “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
“Một số doanh nghiệp cho rằng thực hiện “3 tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế tạm thời và chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần đối với doanh nghiệp vừa. Lý do là khi thực hiện "3 tại chỗ", doanh nghiệp phải gồng gánh quá nhiều khoản chi phí, như chi phí xét nghiệm hằng tuần, chi phí trang bị điều kiện cho công nhân ăn, ngủ, làm việc tại nhà máy tăng 50-100%, trả thêm lương công nhân ở lại nhà máy tăng 30-50%, trả lương và chi phí hỗ trợ người lao động nghỉ việc, bao bì, vật tư, phụ liệu... đều tăng cao”, bà Chi nêu.
Theo bà Chi, thiệt hại kinh tế mỗi ngày do giãn cách, cách ly là rất lớn. Nếu các doanh nghiệp bị dừng hoạt động quá lâu, không tránh khỏi làn sóng phá sản doanh nghiệp sẽ xuất hiện tại Việt Nam.
Đặc biệt, với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nếu bị thiệt hại quá nhiều do dừng sản xuất, nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải rút khỏi Việt Nam. Điều này sẽ dẫn tới đình đốn ngành công nghiệp sản xuất của nước ta, kéo theo đó là giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị kinh ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ sụt giảm đáng kể, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu ngân sách nhà nước và an sinh xã hội.
“Hãy cho chúng tôi tự quyết định, chủ động cho việc sản xuất, kinh doanh của mình, Chính phủ hãy định hướng và trên cơ sở định hướng đó chúng tôi sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp”, bà Chi nêu.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đề xuất hãy để cho doanh nghiệp tự test COVID-19, tự chịu trách nhiệm bởi họ chủ động được, ngoài ra còn đồng thời giảm tải cho lực lượng y tế.
Cần giảm chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết trong bối cảnh đại dịch này, hơn lúc nào hết cần cải cách thể chế thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
“Chúng ta có nhắc đến việc không đánh đổi sức khỏe nhân dân để đổi lấy sự tăng trưởng. Bảo vệ được sinh kế của người dân cũng rất quan trọng, chứ không chỉ vì mục tiêu chống dịch mà bỏ lơi chức năng hỗ trợ sản xuất kinh doanh, cứu các doanh nghiệp. Do vậy ưu tiên phòng dịch bệnh nhưng cũng phải cố gắng hết sức để duy trì sản xuất kinh doanh”, TS Lộc nhận xét.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đề nghị các địa phương nên phát huy những sáng kiến của doanh nghiệp nếu như họ đảm bảo được an toàn về dịch bệnh. Cùng với đó là tăng tính tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp.
Theo ông Hiếu, cần có quy trình hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính quyền khi trong doanh nghiệp có trường hợp F0. Điều này vừa góp phần trấn an tâm lý, vừa giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.
Về vấn đề lưu thông hàng hóa, ông Hiếu cho rằng nên thay đổi khái niệm “hàng hóa thiết yếu”, bởi về nguyên tắc, hàng hóa không liên quan đến dịch bệnh thì được phép lưu thông. Như vậy sẽ không còn khái niệm thiết yếu, như trong thời gian qua khái niệm ấy được hiểu bằng cảm quan.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng các doanh nghiệp phản ánh việc áp dụng phương thức là “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” chỉ nên là giải pháp tình thế.
Theo đó, chỉ nên áp dụng biện pháp này trong ngắn hạn, trong vài tuần, rất khó áp dụng lâu dài. Lý do là nhà máy có chức năng làm việc, sản xuất chứ không có công năng để ở, sinh hoạt, do đó nếu áp dụng lâu dài sẽ rất bất tiện.