TP.HCM cho hoạt động trở lại nhiều chợ truyền thống

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:48, 05/08/2021

Sau thời gian thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19, nhiều chợ truyền thống tại TP.HCM đã được hoạt động trở lại. Sắp tới, thành phố sẽ tích cực làm việc với các quận huyện để mở thêm nhiều chợ.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, trong những ngày đầu tháng 8, Sở đã cho mở lại nhiều chợ truyền thống. Điển hình là trong ngày 4.8, thành phố có thêm 2 chợ hoạt động trở lại là chợ Nguyễn Tri Phương và chợ Hòa Hưng, chủ yếu bán các mặt hàng thịt, cá, rau củ các loại. Lượng khách tới chợ tương đối ổn định, có thực hiện giãn cách xếp hàng theo đúng quy định, thực hiện đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và khai báo y tế trước khi vào mua sắm.

Một số chợ sau khi đóng cửa để thực hiện các công tác phòng chống dịch (như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết…) đã khôi phục hoạt động như: chợ Kiến Thành, chợ Tân Đoàn Việt, chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A, chợ Hưng Long, chợ Thạnh Xuân, chợ Thái Bình, chợ Đa Kao, chợ Tân Thông Hội, chợ Bình Thới, chợ Thới An, chợ Hiệp Thành, chợ Phước Thạnh…

Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM có 33/237 chợ hoạt động. Số chợ còn tạm ngưng hoạt động là 204, gồm cả 3 chợ đầu mối.

Các địa phương hiện vẫn ngưng hoạt động toàn bộ các chợ trên địa bàn gồm: TP.Thủ Đức, các quận 3, 4, 5, 6, 7, 8, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú; 2 huyện Hóc Môn, Nhà Bè.

Đặc biệt, đến nay toàn TP.HCM vẫn còn 6/106 siêu thị ngưng hoạt động do tình hình dịch bệnh. Mới đây, vào ngày 3.8, có 2 siêu thị hoạt động lại, gồm Co.opmart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận), Vinmart Bình Trưng (TP.Thủ Đức), nhưng thêm 1 siêu thị ngưng hoạt động là Co.opmart Hòa Bình (quận Tân Phú). TP.HCM hiện vẫn còn 132/2.895 cửa hàng tiện lợi ngưng hoạt động.

cho-truyen-thong-ban-hang.jpeg
Tính đến nay, TP.HCM có 33/237 chợ được hoạt động - Ảnh: Internet

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết hiện nay nguồn hàng các địa phương đã vào vụ thu hoạch, hàng hóa dồi dào, thậm chí dư thừa, nhưng việc vận chuyển từ các địa phương về thành phố vẫn còn khó khăn.

Theo ông Phương, lượng hàng về tới TP.HCM không thiếu. Vấn đề là kênh phân phối, điểm bán cho người dân có đáp ứng được yêu cầu hay không. Hiện nay, toàn thành phố chỉ còn 33/237 chợ hoạt động, chủ yếu ở các vùng ven, ngoại thành; chợ nội thành phần lớn ngưng hoạt động. Các chợ ngưng hoạt động khiến áp lực mua sắm của người dân dồn lên hệ thống phân phối hiện đại trong khi số điểm bán của các hệ thống này bị giảm do có ca nhiễm SARS-COV-2, thời gian hoạt động của các hệ thống này bị giới hạn từ 7 giờ đến 17 giờ nên sự mua sắm của người dân bị thu hẹp...

Trước thực tế đó, Sở Công Thương đã có một số đề xuất giải pháp và được UBND TP.HCM chấp thuận, chỉ đạo triển khai. Trong đó, thành phố ưu tiên tăng cường các phương án nhanh chóng mở lại các điểm bán lương thực thực phẩm tươi sống thiết yếu tại các chợ đang ngừng hoạt động, trong trường hợp chợ không tổ chức được điểm bán thì mở điểm ở khu vực lân cận. Ngoài ra, phải tăng cường lượng hàng hóa cung ứng tại các điểm bán hiện nay.

Một giải pháp khác được Sở Công Thương đang triển khai là chuyển đổi phương thức mua bán bằng cách bán hàng theo đăng ký trước. Các hệ thống siêu thị thuộc Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, MM Mega Market và Vinmart đã có kế hoạch bán hàng theo phương thức này.

Ngoài ra, ngành công thương còn tăng cường triển khai bán hàng lưu động tại một số khu vực, địa bàn thưc sự khó khăn, nơi người dân không được cung ứng hàng hóa kịp thời.

Hồ Đông