Shark Linh và Shark Louis nêu những điều kiện để startup Việt vươn ra quốc tế

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:00, 06/08/2021

Để có thể tiếp cận tốt với thị trường quốc tế, các startup cần phải am hiểu về văn hóa của thị trường mà doanh nghiệp đang hướng đến.

Đủ điều kiện nhưng chưa hoàn thiện

Trong talkshow Nguy cơ trực tuyếnĐầu tư vào startup và cách thức vươn ra thị trường quốc tế”, bà Thái Vân Linh (còn gọi là Shark Linh,
Giám đốc điều hành Công ty CP Vingroup Ventures) nhận định 10 năm trước, Việt Nam còn rất non trẻ, không có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam đã có đủ điều kiện cho một hệ sinh thái khởi nghiệp thành công với những vườn ươm khởi nghiệp, các nhà đầu tư thiên thần, các startup Việt cũng đã trưởng thành và thực tế hơn về cách xây dựng hay phát triển một công ty.

“Tôi nhận thấy hệ sinh thái của Việt Nam đã thực sự rất phát triển và có nhiều tiềm năng; và tôi cũng rất chú ý tới tỷ lệ tăng trưởng. Thị trường Mỹ chắc chắn lớn hơn nhiều so với Việt Nam nhưng tôi nghĩ tốc độ tăng trưởng ở Việt Nam còn nhiều hơn so với Mỹ”, bà Thái Vân Linh chia sẻ.

cac-startup-viet-can-dieu-gi-de-vuon-ra-toan-cau.jpg
Các doanh nghiệp khởi nghiệp cần nhiều yếu tố để đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế - Ảnh: Internet

Không lạc quan như bà Thái Vân Linh, ông Louis Nguyễn (còn gọi là Shark Louis, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Sài Gòn - SAM) lại có cái nhìn thực tế hơn. Theo chia sẻ của Louis Nguyễn, ông trở lại Việt Nam vào năm 2003, hồi đó, không ai biết venture capital là gì. Người ta thường gọi nó là đầu tư mạo hiểm. Thực ra, đó không phải là cách dịch đúng, nhưng ở Việt Nam cũng không có từ nào tương đương với venture capital

Từ năm 2003 đến nay đã là một khoảng thời gian khá dài nhưng các thuật ngữ như “doanh nghiệp khởi nghiệp” hay “kỳ lân” mới chỉ trở nên phổ biến trong vòng 7–8 năm trở lại đây. “Hiện hệ sinh thái này chắc chắn đã tốt hơn nhiều nhưng tôi không nghĩ rằng nó đã hoàn hảo”, ông Louis Nguyễn nhận định.

Theo phân tích của nhà đầu tư lão luyện trong giới tài chính, khi tham gia vào một thị trường, ngay cả khi nó có tốc độ tăng trưởng tốt, các startup cũng cần chứng minh được doanh nghiệp của họ đã có lối ra thành công với bội số tốt để thu hút các nhà đầu tư. Nói về đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam hiện nay, ông Louis Nguyễn chưa thấy lối ra nào rõ ràng.

Thêm nữa, các startup phải có chiến lược tấn công thị trường khu vực và có cách “hạ cánh” dự án rõ ràng, đủ sức thuyết phục các nhà đầu tư về một thị trường Việt Nam sôi động. 

“Tôi khá lạc quan nhưng tôi nghĩ chúng ta nên thực tế hơn, hiểu được rằng vẫn phải mất một khoảng thời gian để tham gia vào thị trường lớn hơn, được định giá tốt hơn”, nhà đầu tư nói rõ.

cac-startup-viet-can-dieu-gi-de-vuon-ra-toan-cau-anh-1.png
2 doanh nhân chia sẻ trong buổi talkshow trực tuyến - Ảnh: BTC

Hiểu văn hóa thị trường và ‘khẩu vị’ của nhà đầu tư

Rất nhiều công ty khởi nghiệp ở Việt Nam nói về việc vươn ra thế giới nhưng sự thật là chúng ta chưa thấy nhiều công ty khởi nghiệp từ Việt Nam tiến ra toàn cầu.

Theo bà Thái Vân Linh, ở Việt Nam, có rất nhiều công ty có sản phẩm chất lượng và Việt Nam có tiềm năng công nghệ rất mạnh. Tuy nhiên, điều còn thiếu là khả năng tiếp thị, khả năng tạo thông điệp và khả năng truyền đạt thông tin đến khách hàng…

Đều là những nhà đầu tư có kinh nghiệm, chung quan điểm rằng để có thể tiếp cận tốt với thị trường quốc tế, đội ngũ doanh nghiệp cần phải có những thành viên am hiểu về văn hóa của thị trường mà doanh nghiệp đang hướng đến.

Bà Thái Vân Linh lấy ví dụ về văn hóa bánh mì tại Việt Nam và văn hóa kem gelato tại Ý, cùng sự thất bại của Subway trong nỗ lực tiến vào thị trường Việt Nam, cũng như thất bại của Ben & Jerry’s khi tiến vào thị trường Ý. Khi một doanh nghiệp nhắm đến một thị trường mục tiêu, điều quan trọng là phải nghiên cứu kỹ lưỡng môi trường và văn hóa tại quốc gia đó, tìm cách thích nghi sản phẩm của mình tại thị trường.

cac-startup-viet-can-dieu-gi-de-vuon-ra-toan-cau-anh-2.png
Bà Thái Vân Linh chia sẻ trong talkshow trực tuyến - Ảnh: T.A (chụp màn hình)

Theo ông Louis Nguyễn, một yếu tố quan trọng khác mà doanh nghiệp cần phải có là tính minh bạch trong tổ chức. Một trong những rào cản lớn nhất của các startup Việt Nam là sự không thẳng thắn trong khâu phân bố nhiệm vụ và chế độ phúc lợi khi hoàn thành KPI.

Đặc biệt, “để có thể thu hút nhà đầu tư tiềm năng, doanh nghiệp phải xác định được khẩu vị của nhà đầu tư đó, thuyết phục họ những gì mà họ muốn nghe”, bà Linh nhấn mạnh.

Ông Louis Nguyễn chỉ ra rằng các nhà đầu tư có xu hướng “đi săn” các thỏa thuận. Khi một doanh nghiệp sở hữu một công nghệ đột phá, mang tính toàn cầu, hay đảm bảo được quyền lợi cho nhà đầu tư, danh tiếng của một doanh nghiệp hoạt động tốt sẽ thu hút được nhà đầu tư tiềm năng.

Ngoài ra, để có thể tiếp cận được thị trường lớn, trước hết doanh nghiệp phải nghĩ một cách nghiêm túc đến rào cản gia nhập, cụ thể là quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ nhà đầu tư. Cùng với đó, tiếng Anh, giao tiếp và marketing đều quan trọng để doanh nghiệp tiếp thị bản thân cũng như sản phẩm và dịch vụ của mình ra thị trường quốc tế.

Thu Anh