Hiến máu cứu người thời đại dịch

Sự kiện - Ngày đăng : 19:35, 06/08/2021

Vào đúng thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bệnh viện Huyết học truyền máu Cần Thơ lâm vào cảnh thiếu máu trầm trọng. Dù trong thời gian giãn cách xã hội để phòng dịch nhưng bệnh viện vẫn phải phát đi thông tin kêu gọi người dân hiến máu. Và khi đó, những người dân miền Tây đầy lòng trắc ẩn đã tìm đến bệnh viện…

Sáng 6.8, 1 chiếc ô tô 45 chỗ làm nhiệm vụ hiến máu lưu động đã đậu trước cổng Bệnh viện Huyết học truyền máu Cần Thơ. Hơn 8 giờ sáng, lác đác vài người đang khai báo y tế, thông tin để bắt đầu lên xe hiến máu. Càng về trưa, số lượng người đến càng đông, họ đa phần là người trẻ, thỉnh thoảng có những người lớn tuổi đến cho máu.

Trước khi lấy máu, người hiến máu được nhân viên y tế của bệnh viện test nhanh COVID-19. Sau khi có kết quả âm tính, chỉ mất từ 5 đến 7 phút là hoàn thành việc cho máu. Hầu hết người dân khi được hỏi lý do đến hiến máu, họ đều trả lời giống nhau rằng: nghe bệnh viện thiếu máu trầm trọng, chắc nhiều người sẽ cần nên họ đi hiến.

nhieu-nguoi-dan-cho-den-luot-len-xe-hien-mau-luu-dong.jpg
Người dân chờ đến lượt lên xe hiến máu lưu động để cho máu - Ảnh: Nguyên Việt

Hiện nay, kho máu của Bệnh viện Huyết học truyền máu Cần Thơ chỉ còn lác đác vài trăm đơn vị, trong đó nhóm máu O và AB chỉ còn vài chục đơn vị. Trong khi đó, ở điều kiện bình thường kho máu phải thường trực 4.000 đơn vị và mức dự trữ cao nhất là từ 5000 đến 7.000 đơn vị. Trong thời điểm giãn cách xã hội như hiện nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận không đến 100 đơn vị máu. Kho máu đang cạn kiệt.

kho-mau-benh-vien-huyet-hoc-truyen-mau-can-tho.jpg
Kho máu của Bệnh viện Huyết học truyền máu Cần Thơ đang cạn kiệt - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trả lời PV Một Thế Giới, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Xuân Việt – Giám đốc Bệnh viện nói rằng, đây là đợt thiếu máu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Lý do thiếu máu là vì dịch COVID-19 bùng phát, bệnh viện không triển khai, vận động người dân ở các địa phương đi hiến máu thời gian qua. Trong khi đó, với nhiệm vụ phân phối, cung cấp máu cho 80 bệnh viện, cơ sở y tế ở ĐBSCL, Bệnh viện Huyết học và truyền máu Cần Thơ phải gánh trách nhiệm không hề nhỏ, kho máu cần được bổ sung thêm hàng ngàn đơn vị nữa.

giam-doc-bv-huyet-hoc-truyen-mau-can-tho.jpg
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Xuân Việt - Giám đốc bệnh viện Huyết học truyền máu Cần Thơ trao đổi với PV Một Thế Giới - Ảnh: QT

Bác sĩ Nguyễn Xuân Việt cho biết, để kịp thời bổ sung các đơn vị máu, đội ngũ nhân viên, y bác sĩ của bệnh viện đủ điều kiện đều đã cho máu. Sau đó, để triển khai việc hiến máu, mỗi ngày bệnh viện đều cho ra quân từ 4 đến 5 xe hiến máu lưu động, không chỉ riêng Cần Thơ, những chiếc xe này còn đến một số địa bàn tỉnh khác. Nhưng việc hiến máu lưu động này cũng gặp nhiều khó khăn trong thời điểm giãn cách xã hội để chống dịch.

nguoi-dan-hien-mau.jpg
Người dân Cần Thơ hiến máu tại xe lưu động - Ảnh: Nguyên Việt

“Nhiều người gọi điện cho tôi nói rằng không đủ điều kiện qua các chốt kiểm soát dịch để cho máu. Nếu trong khả năng thì tôi giải quyết được, còn không cũng đành chịu. Phòng chống dịch là trách nhiệm chung của mỗi người, mỗi cơ quan đơn vị mà”, ông Việt nói. Ông Việt cũng thông tin thêm, người dân ở Cần Thơ nếu muốn hiến máu có thể đến ngay cổng bệnh viện, khai báo y tế và thực hiện cho máu tại xe lưu động, không cần phải vào bệnh viện. Trường hợp người dân muốn hiến tiểu cầu, cần lưu lại bệnh viện thời gian lâu hơn mới vào viện, thời gian lưu lại cũng chỉ vài tiếng đồng hồ.

Anh Lê Đông Phong (44 tuổi, ngụ P.Tân An, Q.Ninh Kiều) sau khi hoàn tất hiến máu tại xe lưu động vào sáng 6.8, chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần hiến máu, cái khó nhất của việc hiến máu là trong hoàn cảnh dịch bệnh như hiện tại có phần rủi ro. Nhưng tôi thấy đã có nhiều người có mặt hiến máu tại sáng hôm nay, đó là điều đáng trân trọng. Hiến máu, nghe thì dễ dàng nhưng không phải ai cũng sẵn sàng làm được. Những người cho máu đến đây hôm nay, tôi tin trong lòng họ cũng động lòng trắc ẩn, chia sẻ với những bệnh nhân đang có nhu cầu về máu".

Kho máu của người miền Tây đang cạn kiệt, cần được người dân chung tay. 

Nguyên Việt