Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 07:30, 07/08/2021
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới
Ngày 13.7.2021 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1158/QĐ-TTg ban hành Chương trình phát triển thị trường KH-CN quốc gia đến năm 2030. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, giá trị giao dịch hàng hóa KH-CN hằng năm tăng mạnh, bình quân đạt 30%, trên 35% đối với một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực.
Tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 20%, tỷ trọng giao dịch các công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 35%. Tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước.
Tổ chức triển khai Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới và ứng dụng công nghệ, tập trung đầu tư có trọng tâm, nâng cao năng lực KH-CN quốc gia, năng lực hấp thu công nghệ của doanh nghiệp, tạo ra các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm. Hình thành và phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam mới có khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá thành.
Theo Bộ KH-CN, trong 6 tháng đầu năm 2021, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tiếp tục phát triển mạnh mẽ; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đến nay, đã có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM.
Một số ngành đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể kể đến như ngành công nghệ giáo dục, công nghệ tài chính hay trong các lĩnh vực tương đối truyền thống như bất động sản, du lịch.
Số liệu từ Bộ KH-CN cho thấy cả nước hiện có 69 cơ sở ươm tạo, 186 khu làm việc chung, 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, khoảng 138 Trường đại học, học viện, cao đẳng tổ chức những hoạt động về khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 43 trường đã thành lập vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ nhằm hỗ trợ khởi nghiệp lâu dài.
Về hạ tầng thông tin KH-CN, Bộ KH-CN cho biết cơ sở dữ liệu công bố khoa học của Việt Nam đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tra cứu thông tin, kết quả thực hiện nhiệm vụ KH-CN phục vụ công tác quản lý và nghiên cứu.
Việc triển khai Đề án “Phát triển nguồn tin KH-CN phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” làm cơ sở để tập trung xây dựng và phát triển các nguồn tin KH-CN trong nước, tạo thành hệ tri thức cốt lõi của nền KH-CN Việt Nam.
Bộ KH-CN cho biết cơ sở dữ liệu về công nghệ, chuyên gia công nghệ, các tổ chức trung gian liên tục được cập nhật phục vụ nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về Tổ chức KH-CN.
Đẩy mạnh hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo tại địa phương
Theo Bộ KH-CN, hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo tại địa phương được đẩy mạnh, thông qua việc hướng dẫn địa phương xây dựng một số nội dung về KH-CN và đổi mới sáng tạo trong các quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Điều này giúp tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về cơ chế chính sách, phát triển tiềm lực KH-CN, các rào cản phát triển đối với doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều tác động xấu đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, Bộ KH-CN cũng triển khai ký kết và thực hiện các Chương trình phối hợp hoạt động KH-CN nhằm giải quyết, xử lý một số vấn đề mang tính cấp thiết của địa phương, như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, bảo tồn gen và nâng cao chuỗi giá trị đối với sản phẩm đặc thù…, khai thác có hiệu quả các lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng, địa phương.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, Bộ KH-CN đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về KH-CN và đổi mới sáng tạo. Trong đó, tập trung hoàn thành đúng tiến độ các đề án thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng trong năm 2021 để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KH-CN và đổi mới sáng tạo.