Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang thắc mắc: Giá lúa giảm do COVID-19 nhưng vẫn gặp khó khăn đầu ra
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:38, 07/08/2021
Ngày 7.8, tại cuộc họp trực tuyến giải quyết tình hình tiêu thụ lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ông Trần Anh Thư - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, hiện nay một số tỉnh trọng điểm sản xuất lúa hè thu như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp đã qua đỉnh thu hoạch lúa hè thu. Dự kiến sản lượng lúa hè thu của 3 tỉnh còn khoảng 1,5 triệu tấn.
Ông Thư cho rằng thời gian qua, nhiều ý kiến nhận định giá lúa gạo giảm là do đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nguyên nhân đó cũng chỉ là một phần, bởi theo thông lệ hàng năm, vào thời điểm chính vụ, giá lúa hè thu thường giảm, so với các vụ trước giá lúa hè thu cũng thấp hơn. Ngoài ra, còn có tác động của chi phí logistics tăng cao, giá lúa thế giới cũng đang giảm; trong khi đó, tổ thu hoạch lúa ở nhiều địa phương gặp khó khăn khi phải qua chốt kiểm soát.
Cụ thể, ông Thư dẫn phân tích, tại ba tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp tổng sản lượng lúa chưa thu hoạch hiện còn khoảng 1,5 triệu tấn. Trong đó, An Giang còn 600.000 tấn, Kiên Giang 480.000 tấn và Đồng Tháp khoảng 430.000 tấn.
“Ở thời điểm hiện tại, giá lúa ở ĐBSCL giảm mạnh (chỉ còn khoảng trên dưới 5.000 đồng/kg) đối với giống IR 50404 và OM 5451, tức khi vào thời điểm thu hoạch rộ của vụ hè thu, thì giá lúa gạo giảm đi so với mặt bằng giá của vụ đông xuân và thu đông khoảng 1.000 đồng/kg”, ông Thư cho biết.
Ông còn dẫn chứng, trong vụ hè thu năm 2019 giá lúa IR 50404 chỉ 4.000-4.100 đồng/kg, OM các loại 4.200-4.300 đồng/kg. Còn vụ hè thu năm 2020 giá lúa IR 50404 là 4.500-4.600 đồng/kg và OM là 4.700-4.800 đồng/kg.
“Việc lúa hè thu có chất lượng giảm, chi phí vận chuyển tăng, chi phí sấy cũng tăng nên cộng hưởng các yếu tố lại, khiến doanh nghiệp có xu hướng giảm giá lúa vụ hè thu. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, nhà máy chế biến buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, khiến năng lực sản xuất cũng bị giảm, dẫn đến hiệu ứng giá lúa giảm khoảng 2 tuần gần đây. Từ thực trạng đó, các địa phương cần thống nhất các biện pháp quản lý, tạo điều kiện cho các loại hình giao thông đi thu mua, vận chuyển lúa. Chứ cho người ta đi mua xong về cách lý thì rất khó”, ông Thư nói.
Cũng theo ông Thư, bên cạnh một số đơn vị tích cực thu mua lúa cho nông dân như: Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Intimex..., thì có nhiều doanh nghiệp lại không triển khai thu mua.
“Theo tôi nắm thông tin, hiện nay, có doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất trong danh sách của Bộ Công Thương như: Tổng công ty lương thực miền Bắc và Nam (Vinafood 1 và 2), nhưng lại “án binh bất động”, kho thì để trống không biết lý do tại sao?. Ngoài thắc mắc việc này, tôi cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương tham mưu với Chính phủ yêu cầu Tổng cục dự trữ quốc gia thu mua 100.000 tấn gạo theo chương trình dự trữ quốc gia thì sẽ kích cầu được thị trường lúa gạo”, ông Thư thắc mắc và đề xuất.
Trước phản ánh của Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Phạm Xuân Quế - Tổng giám đốc Vinafood 1 cho biết: “Dưới góc độ một doanh nghiệp, chúng tôi lo nhất là đầu vào cho sản xuất. Những năm qua, Vinafood 1 luôn đứng trong top những doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhiều ở Việt Nam. Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua, do thực hiện giãn cách xã hội, đánh giá lại năng lực sản xuất các nhà máy nhằm đảm bảo duy trì hoạt động nên năng lực sản xuất của các nhà máy đều giảm. Nhiều nhà máy không đáp ứng được “3 tại chỗ” nên địa phương cũng không chấp nhận cho sản xuất, buộc dừng hoạt động”.
Ông Quế còn cho rằng, cũng có đơn vị của Vinafood 1 xảy ra trường hợp dương tính COVID-19, cho nên, cả nhà máy phải đóng cửa, “chứ không phải doanh nghiệp không tích cực hoặc không nỗ lực thu mua”, ông nói.
Theo ông Quế, hiện đơn vị này đang chỉ đạo các đơn vị xây dựng phương án đảm bảo sản xuất, nhưng đồng thời cũng đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Được biết, trong văn bản gửi các doanh nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang thông tin, tháng 8.2021 là thời điểm nông dân tỉnh An Giang thu hoạch rộ lúa, nếp vụ hè thu với khoảng 800.000 tấn lúa (trong đó có khoảng 150.000 tấn nếp) và phải được tiêu thụ hết.
Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang cũng đề nghị doanh nghiệp tham gia tiêu thụ lúa, nếp trước mắt là vụ hè thu 2021 trên địa bàn tỉnh và cam kết sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh và ngành nông nghiệp các tỉnh bạn, tạo mọi điều kiện để hỗ doanh nghiệp, thương nhân, công nhân... thực hiện thu mua, vận chuyển và chế biến lúa, nếp được thuận lợi nhất.