Sử dụng Remdesivir điều trị bệnh nhân COVID-19 ở TP.HCM từ 8.8, địa phương có nhiều ca nhiễm được cách ly F0 tại nhà
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 22:53, 07/08/2021
8-10 bệnh viện ở TP.HCM sẽ tiếp nhận 10.000 lọ Remdesivir
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP.HCM, ngày mai, 8.8, Bộ Y tế sẽ phân bổ lô thuốc Remdesivir đầu tiên với 10.000 lọ. Số thuốc này sẽ được phân bổ cho các BV điều trị bệnh nhân COVID-19. Khoảng 8-10 bệnh viện trên địa bàn TP.HCM sẽ tiếp nhận, đưa vào sử dụng điều trị.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện Bộ này ưu tiên tập trung thuốc, trang thiết bị và nhân lực giỏi cho TP.HCM và một số tỉnh phía Nam có ca mắc COVID-19 tăng cao và nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng.
Trước đó, trong chiều hôm nay 7.8, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã có cuộc họp trực tuyến với các thành viên trên cả nước về cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19. Các thành viên đã thảo luận về các thuốc điều trị COVID-19 hiện nay như: thuốc điều trị rối loạn đông máu thêm loại đường uống; thuốc kháng vi rút; thuốc kháng thể đơn dòng, thuốc diệt ký sinh trùng...
Theo Cục Quản lý KCB, trong các thuốc được cập nhật, các thành viên hội đồng cũng thảo luận về việc sử dụng Remdesivir - được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân COVID nặng, có SpO2 từ 94% trở xuống; BN thở máy, điều trị ECMO, BN cần ô xy...
Về thuốc điều trị COVID-19 Remdesivir vừa được Tập đoàn Vingroup nhập về, trao tặng cho Bộ Y tế, một thành viên hội đồng cho hay, đây là thuốc được cấp phép đặc biệt, vừa về đến Việt Nam ngày 5.8, trong hoàn cảnh cũng đặc biệt, cấp bách như hiện nay, khi số bệnh nhân nặng đang gia tăng. “Do đó, quan điểm của chúng tôi là khuyến khích sớm đưa Remdesivir vào sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Cần cắt giảm các thủ tục hành chính để thuốc có thế sớm đưa vào điều trị”, chuyên gia này đề xuất.
PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y Tế cho rằng: Đây là thuốc mới, liều dùng của thuốc tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. “Trong quá trình điều trị, các cơ sở y tế cũng cần theo dõi chặt chẽ về hiệu quả của thuốc. Việc sử dụng thuốc cho người bệnh phải được bác sĩ chỉ định”.
Theo ông Khuê, toàn bộ lô thuốc 10.000 lọ vừa về đến TP.HCM và các lô tiếp theo sẽ được Bộ Y tế phân bổ cho các BV điều trị bệnh nhân COVID-19 của TP.HCM và các tỉnh phía nam; Sử dụng hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở nơi đang có nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng. “Nếu tình huống các tỉnh khác cần, chúng ta sẽ điều chỉnh sau”, ông Khuê nói.
Các địa phương có nhiều người nhiễm được áp dụng cách ly y tế F0 tại nhà
Chiều 7.8, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký công điện số 1168/CĐ-BYT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Bộ Y tế, các địa phương có số lượng người bệnh và nhu cầu điều trị tăng cao, xem xét và chỉ đạo thực hiện các giải pháp:
Đối với trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, cho xuất viện vào ngày thứ 7 khi xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc có hoặc tải lượng vi rút thấp (giá trị CT ≥ 30) và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú.
Đối với ca bệnh phát hiện tại cộng đồng (kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2) không có triệu chứng lâm sàng, nếu có tải lượng vi rút thấp (giá trị CT ≥ 30) thì không cần thiết đưa vào cơ sở y tế mà chỉ theo dõi y tế tại nhà.
Đối với người bệnh đã đủ tiêu chuẩn xuất viện theo quy định của Bộ Y tế và trong thời gian tự theo dõi tại nhà, nơi lưu trú nếu có tái dương tính thì không cần cách ly điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh và không cần thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch.
Các trường hợp này cần tiếp tục được theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi.
Đối với các địa phương có nhiều người nhiễm, được áp dụng cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp nhiễm. Địa phương chịu trách nhiệm tổ chức các tổ công tác y tế, các tổ tư vấn, tổng đài tư vấn để giúp đỡ, chăm sóc người bệnh và kịp thời chuyển đến cơ sở y tế kịp thời khi có dấu hiệu chuyển nặng.
Trả kết quả xét nghiệm RT- PCR kịp thời trong thời gian 24 giờ
Theo Bộ Y tế, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện nghiêm theo đúng yêu cầu của Chỉ thị trên toàn địa bàn; thực hiện hiệu quả, chắc chắn và thực chất việc giãn cách theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở đó".
Triển khai ngay, trong thời gian nhanh nhất có thể phải thực hiện thần tốc xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng. Đồng thời tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm kịp thời trong thời gian 24 giờ đối với RT-PCR.
Xây dựng kế hoạch lấy mẫu cho các nhà ở/hộ gia đình, khu dân cư trên địa bàn để tránh trùng lặp, bỏ sót, phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19; áp dụng phương pháp xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh.
Với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa), lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 3 - 5 ngày/lần tại nhà ở/hộ gia đình; lấy mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình hoặc tất cả những người sống trong cùng nhà ở/hộ gia đình để xét nghiệm RT-PCR, có thể thí điểm gộp mẫu 3 hoặc mẫu 5 đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
Khu vực nguy cơ cao, lấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần (có thể tăng tần suất nếu cần) tại nhà ở/hộ gia đình; lấy mẫu gộp tất cả các thành viên trong nhà ở/hộ gia đình (lấy mẫu gộp chung vào 1 ống), thực hiện gộp mẫu.
Đối với các khu vực khác, Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên của nhà ở/hộ gia đình, có tần suất tiếp xúc nhiều với các thành viên trong nhà ở/hộ gia đình hoặc người được phép đi ra ngoài nhà (đi lấy thực phẩm, làm nhiệm vụ, làm việc theo yêu cầu, khám bệnh chữa bệnh…).
Thực hiện xét nghiệm 3 ngày/ lần các trường hợp có nguy cơ cao tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu/cụm công nghiệp, người trực tiếp cung cấp các dịch vụ thiết yếu…
Trường hợp cần thiết, có thể mở rộng phạm vi, đối tượng xét nghiệm. Tần suất lấy mẫu trong khu công nghiệp. Xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh hoặc tại cộng đồng.
Tổ chức hướng dẫn người dân, người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu/cụm công nghiệp tự lấy mẫu xét nghiệm.
Bộ Y tế nêu rõ, đối với các địa phương không thực hiện dãn cách tiếp tục đẩy mạnh việc xét nghiệm theo các hướng dẫn của Bộ Y tế đã ban hành.
Chuẩn bị phương án cao nhất cho điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở... giảm trường hợp tử vong
Cũng trong công điện này, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chuẩn bị các phương án cao nhất có thể cho điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu và các vật tư, trang thiết bị cần thiết khác trong thời gian sớm nhất.
Thiết lập và chuẩn bị sẵn sàng đưa vào sử dụng nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, theo tiến triển và mức độ lâm sàng của người bệnh.
Theo đó, đối với nhóm người bệnh nhẹ, không triệu chứng, chuẩn bị và sẵn sàng thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu COVID-19 từ các cơ sở trên địa bàn như khu ký túc xá, khu tái định cư, nhà thi đấu, các cơ sở lưu trú, khách sạn….
Bộ Y tế lưu ý tuyệt đối tuân thủ quy định phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn để tránh lây lan sang nhân viên chăm sóc, phục vụ và các khu vực xung quanh.
Đối với nhóm người bệnh mức độ trung bình, có triệu chứng, các địa phương xây dựng bệnh viện dã chiến, hoặc thiết lập các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 từ các bệnh viện tuyến huyện hoặc bệnh viện tư nhân trên địa bàn.
Đối với nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch, bố trí và bảo đảm số giường hồi sức tích cực tại bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố với đủ điều kiện kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, lọc máu liên tục… để cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch.
Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin COVID-19, tuyệt đối không để xảy ra lãng phí trong tiêm chủng
Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin COVID-19, tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn cho người được tiêm.
Tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; ưu tiên cho các địa bàn, khu vực đang có dịch và tiêm ngay cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền, các nhân viên đại sứ quán, lãnh sự quán các nước tại Việt Nam và lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế...
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định đối tượng được tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn.