Cha ông ta có ý thức dùng hàng nội, nói không với hàng từ Trung Quốc
Giáo dục - Ngày đăng : 18:00, 25/12/2016
Nhà Lý có thể coi là một trong những triều đại có thành tựu rực rỡ nhất lịch sử nước ta. Nhà Lý là triều đại đầu tiên đặt nền móng thịnh trị lâu dài chứ không ngắn ngủi như Ngô, Đinh hay Tiền Lê. Trong các vua Lý thì vai trò của Lý Thái Tông hết sức nổi bật.
Nếu vua Lý Thái Tổ là người dựng triều đình thì vua Lý Thái Tông là người tiếp quản thành công, trong thì dẹp phản loạn của các thân vương, ngoài thì trấn áp lân bang làm cho giang sơn Đại Việt vững như bàn thạch. Không chỉ giữ yên bờ cõi, vua Lý Thái Tông còn là người rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế để đất nước phát triển bền vững.
Về nông nghiệp, vua rất chú trọng khuyến nông. Vua là người tích cực đi cấy ruộng tịch điền nhất để làm gương cho nhân dân chăm lo làm ruộng, sản xuất lúa gạo. Khi trong nước được mùa thì vua chẳng những không thu thuế vơ vét cho đầy kho mà còn ra chiếu giảm thuế 1 nửa vì của công đã đủ thì cần gì lấy của dân.
Một điểm đặc biệt của vua Lý Thái Tông là vua rất có tinh thần dùng hàng nội, nói không với hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Chuyện này được Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: "Tháng 2 (năm 1040), vua đã dạy cung nữ dệt được gấm vóc. Tháng ấy xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho ra để may áo ban cho các quan, từ ngũ phẩm trở lên thì áo bào bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên thì áo bào bằng vóc, để tỏ là vua không dùng gấm vóc của nước Tống nữa". Về hành động này, sử gia Ngô Sĩ Liên có phê: "Việc làm này của vua trong cái tốt lại còn cái tốt nữa, không quý vật lạ, tỏ ra giữ đức kiệm ước, ban cho bầy tôi, tỏ ra hậu đãi kẻ dưới".
Vào thời điểm đó thì giới quý tộc nước ta hầu như chuộng lụa vải từ Trung Quốc. Khi ấy, nghề dệt Trung Quốc rất phát triển vì họ giao thương với nhiều nước trên thế giới qua con đường tơ lụa nên tiếp thu được nhiều kiến thức hay về dệt. Còn nước ta trước đó thì bị đô hộ rồi chiến tranh liên miên nên dân chỉ lo miếng ăn là chính chứ ít có điều kiện phát triển ngành dệt lụa, vải.
Đến thời Lý Thái Tông thì đất nước đã yên bình hơn nên người dân có thể phát triển nhiều ngành nghề thủ công trong đó có trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Vua Lý Thái Tông chính là người chủ trương cho người dân phát triển việc dệt và làm gương bằng cách để các cung nữ cũng phải học rồi làm. Bản thân nhà vua cũng đẩy hết gấm vóc Trung Quốc ra khỏi kho để tỏ ý mình chỉ dùng hàng nội, làm gương cho thiên hạ. Sau vua còn dùng vải lụa trong nước sản xuất để thưởng cho các quan. Đó cũng là cách để dạy cho các quan ý thức về người Việt dùng hàng Việt
Không chỉ tự mình dùng đồ nội, vua còn nghĩ xa hơn trong việc phát triển ngành nghề này khi cho lập Quyến khổ ty (ty coi việc kho lụa) ở Thăng Long đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của nhà vua. Khi đích thân vua đôn đốc mọi việc thì các quan đâu dám trễ nải, ai cũng phải tập trung cho nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, dệt lụa.
Sau thời Lý Thái Tông thì nghề dệt càng được trọng vọng. Vua Lý Thánh Tông (con vua Lý Thái Tông) lập bà Ỷ Lan vốn xuất thân từ cô gái hái dâu chăn tằm ở Hương Thổ Lỗi (Gia Lâm, Hà Nội) làm hoàng hậu. Công chúa Từ Hoa được vua cha là Lý Thần Tông (cháu nội vua Lý Thánh Tông) cho lập phủ ở Nghi Tàm bên Hồ Tây để cùng cung nữ trồng dâu dệt vài. Bà Nguyễn Thị La, giỏi nghề dệt lại học hỏi được kỹ thuật dệt của Chàm được vua Lý Huệ Tông cho lập phường dệt phía tây Kinh Thành phường Nhược Công (Thành Công – Ba Đình – Hà Nội). Sau vua còn sắc phong cho bà làm Thụ La công chúa...
Nhờ chính sách phát triển ngành dệt của nhà Lý mà nổi bật là vua Lý Thái Tông nên dệt của nước ta khi đó có những bước phát triển vượt bậc. Đầu thế kỷ XV Nguyễn Trãi viết trong “Dư Địa Chí” rằng: Ở nước ta ít nhất cũng có tới gần 20 làng ,phường huyện, hộ có nghề dệt các loại sản phẩm cao cấp như gấm, vóc, trừu, lụa, lĩnh, lượt, là, the, sa. Có những loại vải sợi nhỏ đẹp hơn cả lụa.
Lê Quý Đôn còn cho biết các xã thuộc trấn Sơn Tây gọi là xứ Tam Giang, huyện Từ Liêm, Đan Phượng có nhiều bãi trồng dâu, nhân dân chăn tằm dệt lụa ở xã Hạ Hồi, Thiên Mỗ, Ỷ La, Trọng Thụy nổi tiếng dêt lụa, trừu, lĩnh, là, lụa dày gọi là lĩnh vả hoặc láng. Xã Mật Cầu còn dệt được thứ Nụy đoạn (gọi là thung thúc) gấm dầy đủ các màu xanh, tím, biếc, vàng không kém gì của Trung Quốc.
Về sau chính người phương Bắc nhìn thấy lụa của nước ta cũng phải ngạc nhiên. Sứ nhà Nguyên là Từ Minh Thiện trong An Nam tức sự – Thiên Nam hành lý đã phải ca ngợi Đại Việt có lụa sợi nhỏ ngũ sắc, có chiếu dệt gấm màu, có lĩnh ngũ sắc mềm mại bóng đẹp ở kinh đô ven Hồ Tây.
Anh Tú