Trung Quốc thận trọng khi Đức điều tàu chiến đến Biển Đông

Góc nhìn - Ngày đăng : 15:34, 08/08/2021

Lần đầu đầu tiên trong gần 20 năm qua, một tàu chiến Đức có hành trình hướng về Biển Đông và việc Bắc Kinh yêu cầu Berlin làm rõ ý định đến đây cho thấy Bắc Kinh đang rất thận trọng trong ứng xử với Berlin.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tàu khu trục Bayern của Đức và hơn 200 thành viên thủy thủ đoàn rời cảng Wilhelmshaven vào thứ Hai tuần này (2.8), bắt đầu hành trình đến châu Á - Thái Bình Dương. Chiến hạm Đức dự kiến đi qua Biển Đông vào giữa tháng 12 trong hành trình trở về nước.

Đây là lần đầu đầu tiên trong gần 20 năm qua, một tàu chiến Đức hướng về phía Biển Đông.

Đức là cường quốc châu Âu thứ ba sau Pháp và Anh thúc đẩy điều có thể gọi là “chiến lược xoay trục” qua châu Á. Mặc dù trong hành trình của mình, tàu chiến Đức “hứa” sẽ không di chuyển qua khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp, chỉ riêng việc tàu Đức đi qua Biển Đông cũng đã được giới quan sát xem là một động thái nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải ở một vùng biển mà Trung Quốc đã đơn phương tuyến bố chủ quyền trên hầu như toàn bộ diện tích.

tau-chien-duc.png
Tàu khu trục Bayern khởi hành đến biển Đông - Ảnh: Hải quân Đức

Động thái này cũng được thực hiện sau khi Mỹ kêu gọi các đồng minh quan tâm nhiều hơn tới châu Á - Thái Bình Dương và tăng cường đi qua Biển Đông.

Các quan chức ở thủ đô Berlin cho biết Hải quân Đức sẽ tuần tra các tuyến hàng hải thương mại chung. Giới chức Đức cho biết sứ mệnh của tàu Bayern lần này nhằm nhấn mạnh thực tế rằng, Đức không chấp nhận các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã đến cảng Wilhelmshaven chứng kiến tàu khu trục Bayern khởi hành trong một hành trình sẽ kéo dài 7 tháng. "Bông hồng thép" Kramp-Karrenbauer cho hay, Đức muốn tất cả các bên tôn trọng luật pháp hiện hành, tàu thuyền được tự do đi lại trên các tuyến đường biển, đảm bảo an ninh trong khu vực và hoạt động thương mại tuân theo các quy tắc công bằng.

Theo Bộ Quốc phòng Đức, việc điều động tàu Bayern là một phần trong nỗ lực thể hiện sự ủng hộ của Đức đối với các đồng minh. Do đây không phải là hoạt động quân sự nên việc triển khai khinh hạm này không cần nhận được sự đồng ý của quốc hội Đức.

Berlin đã đề nghị Bắc Kinh cho phép tàu khu trục Bayern ghé cảng Thượng Hải, đồng thời mời Trung Quốc tham gia "Tuần lễ Kiel", sự kiện đua thuyền lớn nhất Đức vào tháng 9. Theo các nhà phân tích, đây là một nỗ lực của Đức nhằm thăm dò mối quan hệ hiện tại với Mỹ và Trung Quốc.

Dù đã từng tham dự "Tuần lễ Kiel" năm 2016 và 2018, Trung Quốc đến nay vẫn chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng với đề xuất của Berlin. Bắc Kinh đã yêu cầu Đức phải làm rõ lý do muốn thăm cảng Thượng Hải. Các nhà quan sát ngoại giao nhận định rằng hành động này của Trung Quốc mang "thông điệp" rằng, Trung Quốc không hứng thú với bất kỳ sự "mập mờ" nào từ phía Đức.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng việc có cho phép tàu Đức thăm cảng Thượng Hải hay không sẽ không được xem xét cho tới khi nào Berlin làm rõ ý định của mình.

"Phía Đức đã đề nghị Trung Quốc thu xếp cho chiếm hạm của họ cập cảng Thượng Hải thông qua nhiều kênh khác nhau. Nhưng liên quan đến hoạt động của con tàu này, các thông tin do Đức đưa ra trước và sau rất khó hiểu. Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định sau khi Đức làm rõ mọi ý định liên quan", đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với SCMP hôm 3.8.

Vị này cũng yêu cầu tàu chiến Bayern Đức cần "nghiêm túc tuân thủ luật quốc tế" khi di chuyển trên Biển Đông và "kiềm chế các hành động làm tổn hại đến ổn định, an ninh khu vực".

Giám đốc ban nghiên cứu châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, ông Cui Hongjian, cho biết có nhiều vấn đề lớn hơn đang diễn ra và việc xử lý yêu cầu có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước sau cuộc bầu cử vào tháng 9, khi bà Angela Merkel dự kiến ​​sẽ từ chức thủ tướng. "Cả hai bên đang kiểm tra lằn ranh của nhau để quyết định cách ứng xử phù hợp", Cui nói.

Một trong những vấn đề khiến Bắc Kinh quan tâm đến là việc chính phủ Đức năm ngoái, thông qua chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới, trong đó yêu cầu Berlin tăng cường hợp tác an ninh và đa dạng hóa quan hệ đối tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực nhằm "tránh phụ thuộc đơn phương".

Chiến lược trên mô tả rằng Trung Quốc là một cường quốc khu vực và cường quốc mới nổi trên thế giới "hoài nghi các quy tắc của trật tự quốc tế". Giới chức quốc phòng Đức cũng nói rằng các tuyến đường biển ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "không còn rộng mở và an toàn nữa".

Đề nghị cập cảng của Đức được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và châu Âu đang gia tăng. Hai bên đã áp đặt các biện pháp trừng phạt "ăn miếng trả miếng" liên quan đến vấn đề nhân quyền của nhóm dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, khiến châu Âu đóng băng một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc sau 7 năm đàm phán.

Tuy vậy, Trung Quốc và Đức vẫn nỗ lực để ổn định mối quan hệ song phương. Trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gợi ý rằng ba nước nên tăng cường hợp tác.

Chuyên gia Cui cho biết, cách tiếp cận của Đức đối với vấn đề Biển Đông với mong muốn làm hài lòng cả đôi bên, một mặt vừa đảm bảo không làm tổn hại tới lợi ích kinh tế với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này, mặt khác vừa hợp tác chặt chẽ với các đồng minh "cùng chí hướng" về những vấn đề như nhân quyền.

"Mục tiêu Đức muốn hướng đến là vẹn cả đôi đường. Nhưng rất khó để Trung Quốc chấp nhận điều đó. Berlin cần biết rằng ứng phó với Trung Quốc không đơn giản như thế. Nó giống như những viên kẹo bọc đường, Đức muốn thể hiện một thái độ thân thiện bằng cách đến thăm Thượng Hải nhưng lại băng qua Biển Đông với sứ mệnh tự do hàng hải”, Cui cho hay.

Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức cho biết động thái điều tàu chiến Bayern đi qua Biển Đông không đồng nghĩa với việc họ chống lại bất kỳ bên nào. Theo vị quan chức này, Đức hướng tới "giải quyết các xung đột tiềm tàng một cách hòa bình và hợp pháp", và lập trường này đã được trình bày rõ trong cuộc hội đàm trực tuyến giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước vào hôm 6.7 trước đó.

Nhà phân tích Cui nhận định việc Trung Quốc chưa từ chối đề nghị thăm cảng của chiến hạm Đức là tín hiệu cho thấy tàu Bayern vẫn có thể cập cảng Thượng Hải và Bắc Kinh nhận thức được rằng việc họ xử lý yêu cầu từ Berlin ra sao sẽ ảnh hưởng tới quan hệ song phương sau cuộc bầu cử ở Đức vào tháng 9 tới.

“Tháng 9 nên là một yếu tố để xem xét cho cả hai bên. Trung Quốc hy vọng Berlin sẽ có lập trường rõ ràng sau khi chính phủ mới được thành lập. Phản ứng của Trung Quốc sẽ xác định lập trường cơ bản về các ứng xử của Trung Quốc với chính quyền của Đức”, Cui nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Thorsten Benner, giám đốc Viện Chính sách Công Toàn cầu ở Berlin, việc Trung Quốc yêu cầu Đức làm rõ ý định của mình khi điều tàu chiến tới Biển Đông là "kỳ lạ". Ông cho rằng Berlin rõ ràng đang cố gắng phát đi tín hiệu họ ủng hộ luật pháp quốc tế trong khi vẫn tránh thể hiện sự đối đầu với Bắc Kinh.

"Đối với Bắc Kinh, đề nghị thăm cảng Thượng Hải mà Đức đưa ra dường như chỉ nhằm che đậy cho một sứ mệnh không thân thiện. Đó là cách họ nhận thức vấn đề", Benner nói.

Ông nói thêm rằng, nếu thông điệp Trung Quốc muốn truyền đi là Đức cần phải chọn phe thì điều này chắc chắn sẽ chỉ góp phần củng cố thêm lập trường của những người ủng hộ cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

“Có nhiều người Đức lập luận ủng hộ sự mơ hồ và không đứng về bên nào, nhưng chắc chắn rất ít người cho rằng Berlin nên đứng về phía Bắc Kinh và tuân theo mong muốn của Trung Quốc”, Benner khẳng định.

Hoàng Vũ