Biến thể Delta tàn phá nền kinh tế châu Á
Quốc tế - Ngày đăng : 15:53, 08/08/2021
12 tháng trước, châu Á - Thái Bình Dương khiến thế giới phải "ghen tị" vì đã nhanh chóng ngăn chặn COVID-19 lây lan trong khi châu Âu và Mỹ chìm trong dịch bệnh. Nhưng giờ đây nhiều nước trong khu vực đã phải tái áp đặt lệnh hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt, không tốt cho tăng trưởng kinh tế, và tỷ lệ tiêm vắc xin thấp không đủ bảo vệ người dân trước đợt dịch hiện tại.
Tiêu dùng lập tức chịu áp lực giảm. Ngân hàng trung ương Úc ước tính chi tiêu sẽ giảm khoảng 15% trong thời gian phong tỏa, giờ đây 2/3 dân số nước này “bị giam” tại nhà khi biến thể Delta đang hoành hành.
Trung Quốc ban hành hạn chế đi lại và du lịch ngay kỳ nghỉ hè khi biến thể Delta từ Nam Kinh lây lan sang hàng chục thành phố khác (gồm cả nơi từng bùng dịch như Vũ Hán hay Bắc Kinh). Dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở nên ảm đạm, số địa phương có ghi nhận ca nhiễm mới chiếm đến 38% GDP toàn quốc.
Các chuỗi cung ứng từ Việt Nam đến Thái Lan bị gián đoạn, hàng loạt xưởng gia công cho Nike và Adidas ngừng hoạt động vì hạn chế phòng dịch sẽ ảnh hưởng đến mùa mua sắm quan trọng vào dịp hè. Nghiêm trọng hơn là nếu xuất khẩu trì hoãn lâu thì tác hại kinh tế mà biến thể Delta gây ra sẽ lan từ châu Á ra toàn thế giới.
Nhà kinh tế học Frederic Neumann thuộc ngân hàng HSBC, Hồng Kông nhận định “Làn sóng biến thể Delta ở châu Á hiện nay có thể ảnh hưởng tới chuỗi sản xuất hơn nữa. Tăng trưởng có nguy cơ chịu thiệt hại lâu dài”.
Triển vọng chống dịch lẫn tăng trưởng kinh tế của khu vực đều đang xấu đi, trái ngược với phương Tây nơi tỷ lệ tiêm chủng cao giúp giảm thiểu sức tàn phá của biến thể Delta, góp phần thúc đẩy tái mở cửa.
Nhiều nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sớm đạt thành công trong chống dịch có 1 điểm chung: tâm lý tự mãn. Với tỷ lệ tử vong thấp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand đều thuộc nhóm nước tụt lại phía sau trong nỗ lực chủng ngừa rộng rãi – tỷ lệ tiêm vắc xin nằm dưới cuối danh sách 38 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Tất cả, ngoại trừ New Zealand, bị biến thể Delta tấn công, số ca nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc tháng qua tăng gần gấp 3 lần, ở Nhật tăng gấp 4 lần và tăng hơn 600% ở Úc.
Các thành phố lớn của Úc như Sydney, Melbourne trải qua đợt bùng phát tồi tệ. Olympic Tokyo không thể trở thành dịp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi khán giả không được đến xem thi đấu trực tiếp, làng vận động viên khá an toàn nhưng khu vực bên ngoài lại đang lây lan dịch khó kiểm soát.
Quá mệt mỏi với việc tình trạng khẩn cấp cứ lặp đi lặp lại, người dân thủ đô nước Nhật nay ít chú ý đến khuyến cáo phòng dịch, không ít quán bar hay nhà hàng ngang nhiên vi phạm quy định đóng cửa sớm. Nhật là một trong 2 nền kinh tế tiên tiến mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ triển vọng tăng trưởng gần đây, nhà bán lẻ lớn nhất châu Á Fast Retailing cũng hạ dự báo lợi nhuận cả năm của chính mình vì tình hình ở Nhật cũng như ở nhiều thị trường châu Á khác.
Kinh tế Trung Quốc đứng trước nguy cơ suy giảm nghiêm trọng hơn vì dịch bệnh bùng phát từ thành phố Nam Kinh, đợt lũ lụt lịch sử, sản xuất và xuất khẩu yếu. Giãn cách xã hội phòng dịch chắc chắn ảnh hưởng đến sự phục hồi mong manh của tiêu dùng.
Công suất chỗ ngồi của các hãng hàng không Trung Quốc giảm 10% so với tuần trước, lượng hủy chuyến tăng đột biến. Giám đốc kinh doanh họ Xie của một khách sạn ở Trương Gia Giới cho biết: “Chúng tôi không có khách vì chẳng ai được tự do đi lại nữa”.
“Tháng 7 cùng tháng 8 vốn là thời gian bận rộn nhất với chúng tôi. Nhưng giờ chẳng thể làm gì ngoài chờ đợi và vượt qua”, giám đốc họ Xie than phiền.
Macau cũng ghi nhận ca nhiễm mới sau hơn 1 năm. Hoạt động du lịch đến đây có khả năng bị xáo trộn.
Ở Hàn Quốc, dịch bệnh nghiêm trọng buộc Tổng thống Moon Jae-in phải đặt Seoul trong tình trạng phong tỏa một phần, cấm tụ tập hơn 2 người sau 18 giờ. Tuy nhiên ngân hàng trung ương Hàn Quốc khẳng định kinh tế vẫn trên đà phục hồi.
Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề. Tại tâm dịch Indonesia, số ca tử vong tuần qua đã vượt mốc 100.000. Tổng thống Joko Widodo từ chối siết chặt hơn nữa loạt biện pháp phòng dịch vì lo ngại kinh tế sẽ suy giảm thêm.
Tranh luận về phong tỏa đặc biệt gay gắt ở Thái Lan cũng như Việt Nam vì thương mại là một trong số điểm sáng kinh tế. Hiệp hội các ngành công nghiệp Thái gần đây cảnh báo cách ly và hạn chế đi lại gây ra tình trạng thiếu lao động, buộc nhiều công ty phải cắt giảm sản lượng.
Giới bán lẻ Mỹ đặc biệt lo ngại nguồn cung gặp gián đoạn, nhất là khi cao điểm mua sắm dịp lễ sắp đến. Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA) đại diện cho 1.000 doanh nghiệp cuối tháng 7 gửi thư đề nghị Tổng thống Joe Biden gửi thêm vắc xin COVID-19 cho Việt Nam cùng các nước đối tác quan trọng khác.
Tại Ấn Độ, bên cạnh hàng nghìn người chết vì COVID-19 là hàng triệu lao động thất nghiệp. IMF giảm dự báo tăng trưởng năm tài khóa 2021 của cường quốc Nam Á từ 12,5% xuống còn 9,5%. Singapore cũng vất vả thực hiện kế hoạch chuyển từ trạng thái kiểm soát nghiêm ngặt với số ca nhiễm ít sang trạng thái bình thường mới – COVID-19 vẫn lưu hành nhưng số ca nhập viện và tử vong thấp.