Bùng nổ tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng trái phép
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 21:13, 08/08/2021
Ngang nhiên lấn chiếm đất dự án
Ông Lê Ngọc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mới đây đã có quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hắc Văn Phong ở ấp Phước Tân, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Nguyên nhân là do ông Phong chiếm diện tích 53.164,2 m² đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn, thuộc một phần thửa đất số 68, tờ bản đồ số 08 (bản đồ số hóa năm 2005 tỷ lệ 1/5000). Khu đất này đã được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Trung Sơn ngày 21.1.2005.
Hình thức xử phạt chính là phạt tiền 350 triệu đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn buộc ông Hắc Văn Phong khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và trả lại đất đã chiếm. Đồng thời, ông Phong nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hơn 2,2 tỉ đồng.
Theo UBND huyện Xuyên Mộc, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có quyết định 14041/QĐ-UB thu hồi và giao 110.855,3m² đất để đầu tư xây dựng khu du lịch Trung Sơn- Hồ Tràm. Từ năm 2005, chủ đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã thực hiện nộp tiền sử dụng đất của dự án với thời hạn 50 năm.
Mặc dù dự án đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp sổ đỏ, nhưng ông Hắc Văn Phong tự nhận đất trong dự án này là của mình. Điều này đã gây khó khăn cho địa phương và chủ đầu tư khi triển khai thực hiện dự án, dù UBND Xuyên Mộc đã có những xác nhận về nguồn gốc đất, tình hình triển khai.
Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Xuyên Mộc cho biết khi địa phương phát hiện có mời ông Phong lên làm việc, nhưng ông không hợp tác và có hành vi cản trở chủ đầu tư, khiếu nại khiếu kiện kéo dài…
“Qua xác minh nguồn gốc đất trên thửa đất này thì chúng tôi nhận thấy việc sang nhượng giấy tay giữa ông Hắc Văn Phong với chủ đất cũ là hoàn toàn bất hợp pháp và có dấu hiệu vi phạm pháp luật”, lãnh đạo Phòng Tài Nguyên - Môi trường huyện Xuyên Mộc nói.
Đặc biệt, huyện Xuyên Mộc có nói rõ về nguồn gốc đất, tình hình triển khai dự án này, tuy nhiên trong quá trình triển khai thì có nhiều vướng mắc do hành vi cản trở, thậm chí vu khống của ông Hắc Văn Phong. Bên cạnh đó, UBND huyện Xuyên Mộc còn thông tin việc dự án này kéo dài là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tranh chấp phức tạp.
Do đó, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập các thủ tục pháp lý để tổ chức cưỡng chế giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án. Thậm chí, huyện còn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo công an tỉnh tổ chức điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng có hành vi mua bán, chuyển nhượng trái phép đất dự án Khu du lịch Trung Sơn - Hồ Tràm bằng giấy tay. Lý do là bởi việc này đã làm phát sinh các khiếu nại, tranh chấp phức tạp, tạo điểm nóng về an ninh trật tự, cản trở chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án.
Muôn kiểu lấn chiếm đất
Trên đây chỉ là một vụ việc điển hình diễn ra thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nghiêm trọng hơn ở chỗ là nó đã gây rất nhiều khó khăn cho địa phương trong việc quản lý, xử lý do việc tranh chấp kéo dài.
Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rộ lên tình trạng lấn chiếm, bao chiếm đất trái phép trên nhiều địa phương. Báo cáo của nhiều địa phương như huyện Xuyên Mộc, huyện Long Điền và thành phố Vũng Tàu đều cho thấy tình trạng lấn chiếm đất, đặc biệt là đất công.
Thống kê của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cho biết hàng loạt vụ lấn chiếm đất và sang nhượng trái phép bị phát hiện thời gian qua do một số cá nhân thực hiện. Tình trạng này đã dấy lên nhiều quan ngại liên quan đến việc quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn. Một số địa phương của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có xảy ra tình trạng này là TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa, huyện Xuyên Mộc, huyện Long Điền…
Đơn cử, tại TP.Vũng Tàu, dự án khu tái định cư 10 ha nằm trong diện tích 58 ha được thành phố triển khai thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng từ lâu. Do diện tích đất rộng, không có tường bao bảo vệ cộng với sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng nên 28 hộ dân, cá nhân lấn chiếm (diện tích gần 3.000 m²), xây nhà ở từ năm 2005 và diễn ra trong một thời gian dài. TP Vũng Tàu nhiều lần đối thoại, yêu cầu người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm, đồng thời thành phố kiên quyết xử lý thu hồi, cưỡng chế.
Bên cạnh khu đất này, chính quyền UBND TP Vũng Tàu cũng đã phát hiện nhiều vụ việc, có những vụ việc có quá trình bao chiến với thời gian khá dài, dẫn đến khiếu kiện như vụ việc tại số 1B hạ Long, phường 2 khoảng 2ha; vụ ông Trần Trọng Phu tại phường 8, khoảng 4.000m2…
Còn tại thành phố Bà Rịa, khoảng 1.000m2 đất rừng phòng hộ đã bị một hộ dân nhận khoán trồng rừng lấn chiếm, cấp đất cho 5 hộ dân vào xây nhà. Khi các căn nhà đã có người vào ở và gần hoàn thiện, chủ rừng mới phát hiện và báo cho chính quyền xử lý.
Trước tình trạng này, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết Sở đã phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát đo đạc, xác định ranh giới, mốc giới, lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất để làm cơ sở quản lý.
Đồng thời, Sở cũng rà soát quá trình sử dụng đất, tình hình thực tế diện tích đất công và tăng cường thực hiện đề án quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. Đặc biệt, Sở cũng hướng dẫn các đơn vị hoàn thiện các giấy tờ liên quan để thực hiện kê khai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp.