Doanh nghiệp đề nghị các địa phương không tùy tiện áp dụng biện pháp chống dịch

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:18, 09/08/2021

Theo các doanh nghiệp các địa phương tùy tiện áp dụng những biện pháp chống dịch sẽ gây khó khăn cho việc lưu thông và tiêu thụ hàng hóa.

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường. Nguồn lực dự trữ của doanh nghiệp đang cạn dần, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.

Nền kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn làm tổng cầu giảm mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp; môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị xáo trộn.

Bộ KH-ĐT cho rằng việc áp dụng các chính sách phòng chống dịch chưa thống nhất giữa các địa phương dẫn đến ách tắc lưu thông vận chuyển hàng hóa, con người.

Một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa được triển khai và kịp thời điều chỉnh phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Thời gian áp dụng các chính sách hỗ trợ ngắn nên chưa đem lại tác động cho doanh nghiệp. Ví dụ như chính sách giãn, giảm thuế; chính sách hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ…

Theo đó, các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị triển khai những quy định phòng chống dịch COVID-19 thống nhất trên phạm vi cả nước; các tỉnh, thành phố không được tùy tiện áp dụng các biện pháp chống dịch, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lưu thông và tiêu thụ hàng hóa.

Đồng thời, cần có cơ chế đẩy nhanh việc triển khai tiêm vắc xin và ưu tiên cho đối tượng là người lao động tại các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp trong lĩnh vực vận tải, du lịch, hàng không.

dn-4.jpg
Các địa phương kiểm soát phương tiện giao thông vận tải để ngăn ngừa dịch lây lan

Ngoài ra, cần thiết lập nhanh một kênh thông tin cập nhật mọi văn bản chỉ đạo điều hành từ cấp trung ương tới địa phương về chống dịch để doanh nghiệp, người dân nắm bắt thông tin kịp thời, đồng bộ, đảm bảo chủ động trong quá trình bố trí các phương án về nhân lực, kế hoạch lưu thông hàng hóa, tính toán các chi phí.

Các doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các gói hỗ trợ đã được ban hành cho doanh nghiệp đến hết năm 2021; khẩn trương bổ sung, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn trong năm 2021 và 2022. Đặc biệt các chính sách thuế cần được xem xét miễn, giảm, giãn, hoãn, khoanh thuế cho doanh nghiệp, bổ sung chính sách giảm thuế GTGT nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nguồn vốn hoặc doanh thu bị hạn chế; hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp vay thông qua cấp bù chênh lệch lãi suất vay ngân hàng từ nguồn ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị triển khai một số chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm các chi phí đầu vào, giảm thiểu dòng tiền ra của doanh nghiệp; giảm giá điện, áp dụng mức giá sản xuất thay cho giá điện dịch vụ, giảm tiền ký quỹ cho doanh nghiệp du lịch, giảm cước viễn thông…

Các doanh nghiệp đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch nghiên cứu điều chỉnh quy định về việc cho phép chuyển đổi tạm thời giấy phép lữ hành quốc tế sang giấy phép lữ hành nội địa; đề nghị cho phép doanh nghiệp được rút một phần ký quỹ hoặc tạm vay lại số tiền đã ký quỹ (500 triệu đồng) mà không bị rút lại giấy phép.

Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành đàm phán với các hãng hàng không nước ngoài để được nhận lại tiền đặt cọc bị mất do hủy tour vì COVID-19.

“Cần có quyết định thấu đáo, tránh đẩy doanh nghiệp vào tình trạng kiệt quệ, đổ vỡ hàng loạt”, các doanh nghiệp nêu.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản; sửa đổi Luật Đất đai; chính sách tạo mặt bằng sạch cho doanh nghiệp; chính sách về thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

Đặc biệt, doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp; từng bước chuyển khu vực kinh tế dịch vụ đơn thuần sang số hóa như: thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thúc đẩy phát triển các nền tảng trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục và y tế…

Ngoài ra, cần sớm nghiên cứu cơ chế thí điểm chính sách (sand-box) để tạo điều kiện thuận lợi cho các start-up công nghệ; có cơ chế minh bạch về nguồn dữ liệu mở thuộc khu vực công để các doanh nghiệp công nghệ có thể tiếp cận nguồn tài nguyên số để phát triển các sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo.

Bộ KH-ĐT cũng cho rằng đây là cơ hội xuất hiện một số ngành, lĩnh vực kinh doanh mới với xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc…

Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, trước biến cố thị trường, an ninh phi truyền thống; rà soát, đánh giá, cơ cấu lại nguồn nguyên vật liệu, khách hàng và tìm ra hướng đi mới chủ động hơn; đồng thời thúc đẩy liên kết, mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, củng cố thị phần…

Lam Thanh