90 năm trước Sài Gòn đã từng đường vắng, chợ thưa
Văn hóa - Ngày đăng : 15:54, 09/08/2021
Sài Gòn là đô thị lớn, từng là thủ phủ kinh tế giai đoạn 1923-1926, khi trí thức và người dân khắp nơi đổ về sinh hoạt văn hóa và làm ăn sinh sống. Vài năm sau đó, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 đã khiến đời sống người dân Sài Gòn vô cùng khó khăn còn hơn đại dịch COVID-19.
Vì vậy, Sài Gòn giai đoạn này phải "thắt lưng buộc bụng. Báo chí ngày ấy tường thuật lại tác động của cuộc mưu sinh, đặc biệt là báo Phụ nữ tân văn (về sau viết tắt là PNTV) cho biết trong sáu tháng đầu năm 1931 rất đông người Tây và Hoa kiều dắt díu nhau rời Sài Gòn về nước. Dân Phước Kiến ở Chợ Lớn “trước kia là 6.000 người mà nay còn có 1.200; còn ở Sài Gòn cũng chỉ còn có 500 người mà thôi” (PNTV, số 217, 21-9-1933, tr. 26), người Tây “phải dắt vợ bồng con về Tây nhiều lắm” (PNTV, số 90, 9-7-1931, tr. 22).
Vẫn bám trụ Sài Gòn mưu sinh
Người Việt lúc này cũng tương tự, một số lui về các vùng ven như Gò Vấp, Phú Nhuận hoặc về quê nếu còn thân bằng quyến thuộc, bám víu nhau mà sống chờ cuộc khủng hoảng qua đi để làm lại từ đầu. Dân số Sài Gòn vì thế giảm rất nhiều. Những người còn trụ lại ở thành phố thì tìm công ăn việc làm, chấp nhận giảm phụ cấp và nhiều lần bị giảm lương để san sẻ trách nhiệm với giới chủ trong lúc khó khăn chung.
Giảm chi tiêu mua sắm, sống thắt lưng buộc bụng giữa thành phố lớn là việc họ phải nghĩ đến và làm trước tiên nếu muốn tồn tại và quyết tâm bám trụ ở Sài Gòn. Báo PNTV cho biết viên chức nhà nước (Tây và Việt) cũng chịu giảm phụ cấp, còn Ngân hàng Đông Pháp thì giảm lương nhân viên từ 12-50%. Dù đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần khó khăn nhưng họ vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác.
Trong cơn khốn khó, môt số người buộc phải chuyển nghề, chấp nhận làm những công việc thời vụ kiếm sống qua ngày như kéo xe, bán chuối chiên. Sinh viên nhiều trường danh tiếng cũng phải chấp nhận ra đường tìm kế sinh nhai.
Báo PNTV số 217 (21-9-1933, tr. 3) viết: “Cái hiện tượng người ‘trí thức’ (intellectuel) thành ra người vô sản không phải riêng cho xứ mình đâu, mà cũng không phải mới có ngày nay. Có đều [điều] này là chắc: cuộc khủng hoảng lan tràn và sâu xa trong xã hội An Nam làm cho người trí thức ‘vô sản hóa’ mỗi ngày mỗi đông thêm. […] người trí thức An Nam ở các giai cấp trung lưu đi làm thuê ở Pháp và Sài Gòn cũng nhiều lắm”.
Phòng Thương mại Sài Gòn cho biết từ tháng 6 đến tháng 12.1931, ở Nam kỳ có đến 2.721 người mất chỗ làm, riêng ở Sài Gòn con số này là 1.853.
Cũng như hiện nay khi xuất hiện làn sóng COVID-19 thứ 4, trên khắp các ngã đường ở Sài Gòn - TP.HCM hiện nay nhan nhản những băng-rôn san nhượng mặt bằng, san nhượng quán, cho thuê mặt bằng, cho thuê nhà nguyên căn… Nhiều tòa nhà lớn ở trung tâm Sài Gòn - TP.HCM sau khi doanh nghiệp cũ dời đi vẫn đang tìm người thuê. Sài Gòn bây giờ trở nên vắng lặng hơn bao giờ hết, hàng quán phố xá đóng cửa, đường phố ít phương tiện lưu thông hơn trước, thành phố trở nên chậm chạp hẳn đi.
Ít ai biết, gần 90 năm trước, ở Sài Gòn cũng xảy ra trường hợp tương tự như hiện nay, báo PNTV (số 213, 24-8-1933, tr. 4) tường thuật về hiện tượng phố trống ở Sài Gòn năm 1933 như sau: “Từ hai năm trở lại đây, ở Sài Gòn, Chợ Lớn và luôn các châu thành Lục tỉnh, đi đến đường lớn đường nhỏ nào cũng thấy treo đầy những bảng ‘Phố cho mướn’, ‘Nhà cho mướn’, nhứt là trong mấy tháng gần đây, phố, nhà lại càng bỏ hoang để trống nhiều hơn. Thật, có nhiều con đường, phố đóng cửa gần hết. Phố để buôn bán cũng đóng cửa, mà nhà và phố để ở cũng bỏ hoang…”.
Tuy nhiên người Sài Gòn trong gian khó vẫn quyết tâm bám trụ lao động, sản xuất và tìm kiếm việc làm để vượt qua gian khó, hướng đến một ngày mai tươi sáng. (Còn tiếp)