Tình trạng thiếu và thừa từ làm biến dạng ngữ nghĩa
Giáo dục - Ngày đăng : 05:01, 12/01/2017
Dùng ngôn ngữ Việt, dù là ngôn ngữ báo chí (cho phép nói gọn, nói tắt) đi chăng nữa, phải đặt sự chính xác lên hàng đầu. Mọi cách đi ngang về tắt, bớt xén hoặc rườm rà đều có thể làm hỏng tiếng mẹ đẻ. Thiếu hoặc thừa đều không nên. Phải cần và đủ.
Có lần trên trang điện tử của một tờ báo ngành đăng bài với cái tít rất mắc cười: "Bắt kẻ truy nã, trưởng công an xã bị đánh hội đồng". Điều dễ thấy nhất là tác giả bài viết đó không phân biệt từ chủ động và từ bị động. “Truy nã” là động từ chỉ việc theo đuổi (truy) tìm kiếm bắt (nã) kẻ có tội đang lẩn trốn. Lực lượng thực hiện truy nã là những người của cơ quan công quyền, còn đối tượng bị truy nã là những kẻ có tội. Bản tin nói trên viết “Kẻ truy nã” là không chính xác, trước hết không ai gọi người đi truy nã, nhân viên công lực là “kẻ” cả, thứ hai là thiếu hẳn chữ “bị” khi tác giả đang muốn nói đến đứa bị truy nã. Chỉ thiếu một chữ “bị” rất cần thiết ấy mà cái tít kia trở nên lủng củng, từ ngữ và nội dung chỏi nhau, sai trầm trọng.
Hiện có rất nhiều tờ báo khi nói về tổ chức khủng bố IS cứ toàn nói "khủng bố IS". Bậy, ít nhất phải thêm chữ kẻ (hoặc: quân, bọn, tổ chức, nhóm, tên...) vào trước chứ. “Khủng bố” là động từ, tính từ chứ không phải danh từ, viết “khủng bố IS” có nghĩa là bọn IS bị khủng bố chứ không phải nó là quân khủng bố.
Nhiều bài trong trang quốc tế trên báo này báo nọ cũng thường hay viết “Lãnh đạo Đài Loan”, ví dụ “Lãnh đạo Đài Loan sẽ ghé thăm Mỹ”. Cũng tương tự trường hợp trên, viết chính xác phải là “nhà lãnh đạo Đài Loan”.
Nói gì báo chí, ngay cả văn bản của nhà nước cũng sai về ngôn ngữ, chẳng hạn có cái quỹ được đặt tên là “Quỹ hỗ trợ thiên tai”. Chết cười, hèn chi mà thiên tai được giúp đỡ nên ngày càng nhiều càng mạnh.
Cái thói đi ngang về tắt trong ngôn ngữ đang làm tiếng Việt bị biến dạng kinh khủng, mà báo chí là thủ phạm hàng đầu.
Nhưng cái cần nói đầy đủ thì lại vắn tắt, khiếm khuyết, còn có những cái cần gọn gàng khi ngữ nghĩa đã rõ ràng thì lại rườm rà, lòng thòng. Có người đùa bảo đó là tình trạng ngôn ngữ lằng nhằng dây điện. Ai đã nhìn thấy dây diện trên những cột điện, cây cối ở các thành phố rườm thế nào thì trong ngôn ngữ báo chí, truyền thông hiện tại cũng vậy.
Nhiều phóng viên khi viết về thời gian cụ thể rất rườm rà. Chẳng hạn: 18 giờ chiều ngày chủ nhật 21.6, 9 giờ sáng ngày thứ bảy. Đã sáng hoặc chiều thì không cần ngày, đã ngày thì không cần nêu buổi, nêu thứ. Chỉ cần viết: sáng 20.6, 9 giờ ngày 20.6, lúc 10 giờ chủ nhật 21.6... Vừa gọn, vừa chính xác.
Lại nữa, cũng thời gian, nếu tính thời gian theo nhóm nửa ngày (12 tiếng) thì viết 7 giờ sáng, 5 giờ chiều là chính xác, nhưng tính theo 24 tiếng thì phần nửa ngày về sau không nên viết, kiểu như 17 giờ chiều. Đã viết 17 giờ thì ai cũng hiểu đó là 5 giờ chiều, cần gì phải thêm chữ chiều, 21 giờ tức là 9 giờ tối, không cần phải viết 21 giờ tối.
Để chỉ thời gian ta cũng hay thấy trường hợp diễn đạt: đã từng, hiện đang... "Từng" bản thân nó hàm nghĩa “đã” rồi, ví dụ: Tôi từng dạy học (không viết: Tôi đã từng dạy học). "Hiện" là hàm nghĩa “đang” rồi, ví dụ nước ta hiện có 30% hộ nghèo (không viết: Nước ta hiện đang có 30% hộ nghèo).
Bớt được những rườm rà, thừa thãi không cần thiết ấy cũng là cách vừa làm ngôn ngữ Việt trong sáng, vừa đỡ làm khổ bạn đọc.
Nguyễn Thông