Trước Lý Thường Kiệt, quân ta nhiều lần Bắc phạt sang đất Tống

Giáo dục - Ngày đăng : 23:14, 08/01/2017

Ta nhiều lần đưa quân vượt qua biên giới để trả đũa các khiêu khích của nhà Tống. Chính những lần đưa quân như thế đã giúp cho người Việt khi ấy không còn tâm lý e ngại nếu phải dùng biện pháp quân sự ngay trên đất địch mà đỉnh cao là chiến dịch của Lý Thường Kiệt.
Tượng binh Đại Việt

Các kỳ trước

Kỳ 1: Cha ông ta từng chỉ huy liên quân Đông Nam Á chống lại phương Bắc

Kỳ 2: Đinh Tiên Hoàng tự coi là cửa trên khiến phương Bắc bực dọc

Kỳ 3: Sứ giả phương Bắc bị hù dọa không dám bước chân vào nước ta

Kỳ 4: Vua Tống chém tướng kiếm chuyện ngoài biên giới để làm vui lòng Đại Việt

Kỳ 5: Vua Tống sợ trái ý Ngọa Triều nhà Lê​

Kỳ 6: Đại Việt tặng ngựa, nhà Tống thất kinh​

Kỳ 7: Hai nhà sư Việt bẻ gãy dã tâm của phương Bắc​

Kỳ 8: Chính sách gả công chúa để phá âm mưu của phương Bắc

Kỳ 9: Khi nhà Tống lấn đất, ông cha ta sẵn sàng tuốt gươm

Chiến dịch Bắc phạt đánh phá Ung châu, Khâm châu vào năm 1075 của Lý Thường Kiệt là một trong những đỉnh cao trong lịch sử dựng và giữ nước của người Việt. Đây là chiến dịch quân sự quy mô bậc nhất trong những lần Bắc phạt hay đúng hơn là để tự vệ một cách chủ động. Bản thân vua tôi nhà Lý khi đó không hề có dã tâm xâm lược nhà Tống mà chỉ muốn làm phá sản kế hoạch xâm lược Đại Việt của nhà Tống. Các thám tử nhà Lý tung sang đất Tống đã xác định rõ quân Tống đã tập trung lương thảo, khí giới ở gần biên giới nên chuyến Bắc phạt của Lý Thường Kiệt vừa để đánh nhụt nhuệ khí quân xâm lược mà còn vừa phá hủy kho tàng mà nhà Tống chuẩn bị.

Cũng cần phải nói rằng việc nhà Lý đưa quân sang đánh Tống năm 1075 không hề phiêu lưu vì ngoài công tác do thám, thăm dò kỹ càng thì trước đó, quân đội ta và quân Tống đã có vài cuộc đụng độ để đo sức mạnh của nhau. Thậm chí, ta nhiều lần đưa quân vượt qua biên giới để trả đũa các khiêu khích của nhà Tống. Chính những lần đưa quân như thế đã giúp cho người Việt khi ấy không còn tâm lý e ngại nếu phải dùng biện pháp quân sự ngay trên đất địch mà đỉnh cao là chiến dịch của Lý Thường Kiệt.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: Bấy giờ (năm 995) nhà Tống ngại việc chinh chiến, vua cậy có núi biển hiểm trở, hơi buông thả cho dân biên giới lấn cướp vào cõi của nhà Tống. Mùa xuân năm ấy, Chuyển vận sứ Lộ Quảng Tây nước Tống là Trương Quan, Binh mã giám áp trấn Như Hồng thuộc Khâm Châu là Vệ Chiêu Mỹ đều tâu rằng chiến thuyền của Giao Chỉ hơn trăm chiếc, xâm phạm trấn Châu Hồng, cướp bóc cư dân và lương thực rồi đi. Mùa hạ năm ấy, châu Tô Mậu nước ta lại đem 5 nghìn hương bình xâm lược Ung Châu nước Tống.

Thực ra đây chỉ là cách để triều Lê Đại Hành xem thử thực lực của quân Tống ở vùng biên mạnh cỡ nào và nhà Tống có dã tâm xâm lược một lần nữa không. Nếu nhà Tống thực sự có dã tâm lúc ấy, họ sẽ mượn ngay cớ này để phát binh thì ta cũng chủ động đối phó hơn. Qua bài thử, Lê Đại Hành thấy rằng nhà Tống đã ngại binh đao nên sau đó không cần phải quá lo đến phương Bắc.

Nhưng vào những năm đầu triều Lý, nhà Tống nhân nước ta vừa thay đổi triều chính, cũng muốn đo sức mạnh quân sự của ta ở biên giới. Nhưng những lần làm phép thử đó, nhà Tống đều chịu chua cay và hứng chịu các đòn phản kích của ta sang tận đất Tống. Cuốn Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước của Nguyễn Lương Bích có chép một số vụ điển hình chính là tiền đề để sau này Lý Thường Kiệt đem quân Bắc phạt.

Năm 1028, nhà Tống lại cho quân cướp phá vùng châu Lạng. Thủ lĩnh người Tày vùng châu Lạng là Thân Thừa Quí đem quân đánh đuổi giặc sang tận đất Tống, giết tướng Tống và bắt nhiều quân Tống. Viên quan Tống coi Ung Châu phải cầu hòa, khi đó Thân Thừa Quí mới rút quân về.

Năm 1034, quan lại nhà Tống dụ dỗ bọn Trần Công Vĩnh ở vùng biên giới đem 600 dân chạy sang theo Tống. Vua Lý Thái Tông cho hơn một nghìn quân sang đất Tống đuổi bắt.

Năm 1059, quan lại nhà Tống lại dụ dỗ một số dân vùng châu Lạng sang Tống. Thân Thiệu Thái là phò mã nhà Lý, cai quản vùng châu Lạng, được lệnh triều đình đưa quân lên vùng biên giới đòi nhà Tống trả lại dân. Tướng Tống ở Ung Châu là Tống Sĩ Nghiêu đem quân đánh sang châu Lạng, bị quân ta do Thân Thiệu Thái chỉ huy đánh cho đại bại. Tướng giặc Tống Sĩ Nghiêu phải đem tàn quân chạy về nước. Tướng ta đưa quân vào đất Tống giết chết Tống Sĩ Nghiêu. Triều đình Tống cho viên quan coi Quế Châu là Tiêu Cố đem quân xuống tăng viện cho vùng Ung Châu, cùng viên quan coi Ung Châu là Tiêu Chú và các tướng Tống ở Ung Châu phải quyết chiến, đánh lui kỳ được quân ta. Quân ta lại từ biên giới tiến thêm sang. Cả Ung Châu náo động. Các tướng Tống phải xin thêm 3.000 quân thiện chiến ở Kinh Hồ xuống cứu viện.

Thân Thiệu Thái vẫn rầm rộ tiến quân lên Ung Châu, bắt sống tại trận viên chỉ huy quân Tống là Dương Bảo Tài và nhiều quân giặc, trâu, ngựa...Triều đình Tống hoảng sợ, Vua Tống cách chức hai viên quan coi Quế Châu và Ung Châu là Tiêu Cố và Tiêu Chú, cho một viên triều thần là Dư Tĩnh làm an phủ sứ đem thêm quân xuống Ung Châu cùng các tướng Tống tại đây lo tính việc bảo vệ Ung Châu. Vua Lý cho quân tăng viện sang đất Tống. Thanh thế quân ta trên đất Tống càng mạnh. Các tướng Tống ở Ung Châu bất lực. Triều đình Tống phải xin thương lượng với ta.

Các tướng Tống ở Ung Châu là bọn Dư Tĩnh, Lý Sự Trung phải chủ động nhận lỗi với ta rằng những cuộc xung đột ở biên giới là do các tướng Tống ở biên giới gây ra, đề nghị ta cử người cùng thương lượng giải hòa. Thấy nhà Tống không còn hống hách, phải xin lỗi cầu hòa, triều đình nhà Lý chấp nhận thương lượng, lệnh cho Thân Thiệu Thái đem quân về, cho đại học sĩ Phí Gia Hựu sang Tống hội thương.

Anh Tú