Sáng 11.8: Thêm 4.802 ca COVID-19, kỷ lục 1 ngày tiêm hơn 1,4 triệu liều vắc xin
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:42, 11/08/2021
Thông tin các ca mắc COVID-19 mới
Tính từ 18h ngày 10.8 đến 6h ngày 11.8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.802 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 4.792 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (2.128), Bình Dương (936), Long An (515), Đồng Nai (428), Tây Ninh (263), Tiền Giang (177), Bà Rịa - Vũng Tàu (102), Vĩnh Long (63), Khánh Hòa (41), Phú Yên (33), Bình Thuận (27), Sơn La (19), Đồng Tháp (15), Kiên Giang (12), Bình Định (10), Quảng Ngãi (9), Hà Tĩnh (7), Hà Nội (3), Nghệ An (2), Nam Định (1), Lạng Sơn (1) trong đó có 1.135 ca trong cộng đồng.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Theo Bộ Y tế, tính đến sáng ngày 11.8, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 232.937 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 2.377 ca nhập cảnh và 230.560 ca nhiễm trong nước.
Nếu tính riêng đợt dịch thứ 4 từ 27.4 đến nay, số ca nhiễm là 228.990 ca, trong đó có 77.574 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Đến nay, có 02/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Có 11 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 80.348 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 491 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.
Tình hình xét nghiệm
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 7.406.063 mẫu cho 20.708.090 lượt người.
Trong ngày 10.8, có thêm 1.408.453 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 11.341.864 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 10.305.762 liều, tiêm mũi 2 là 1.036.102 liều.
Đồng Nai: 112 doanh nghiệp trong khu công nghiệp có ca bệnh Covid-19, chuẩn bị kịch bản ứng phó với 30 ngàn ca bệnh
Đồng Nai Online dẫn thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, cho biết đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận nhiều ổ dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp như: Amata, Long Bình, Thạnh Phú, Sông Mây, Long Thành, Lộc An – Bình Sơn, Nhơn Trạch 1, 2, 3, 5, 6.
Có 112/1.628 doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã có ca nhiễm Covid-19 với tổng số 963 ca bệnh. Các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp cũng ghi nhận các ổ dịch lớn có nguy cơ lây nhiễm cao như: Công ty TNHH Pou Chen Việt Nam, Công ty Gỗ Thiên Định (TP.Biên Hòa).
Có 35/1.156 doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm” xuất hiện ca dương tính. Trong đó, nhiều nhất là tại huyện Nhơn Trạch với 420 ca nhiễm (14 doanh nghiệp); TP.Biên Hòa với 201 ca nhiễm (15 doanh nghiệp). Hiện vẫn còn hơn 200 trường hợp test nhanh dương tính đang chờ kết quả xét nghiệm PCR.
Theo Sở Y tế Đồng Nai, đến ngày 10.8, toàn tỉnh có hơn 8.300 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, cách ly theo dõi. Có 3 địa phương đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao là TP.Biên Hòa và 2 huyện: Nhơn Trạch, Vĩnh cửu. 4 địa phương xếp nguy cơ cao là: Long Khánh, Trảng Bom, Long Thành, Thống Nhất Xếp loại cả tỉnh hiện đang ở mức nguy cơ rất cao.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Đồng Nai lưu ý, phải tăng khả năng chữa bệnh cứu người của tỉnh Đồng Nai. Toàn tỉnh mới có gần 10 ngàn giường bệnh, nhưng dự báo lên đến 30 ngàn ca F0. Vì thế, UBND tỉnh cần có kế hoạch để thành lập thêm các bệnh viện dã chiến trong trường hợp các ca F0 tăng cao lên đến 30 ngàn ca bệnh.
Bình Dương: Yêu cầu các cơ sở y tế mở cửa 24/24
Ngày 10.8, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập, Bệnh viện Quân đoàn 4 và Bệnh viện Cao su Dầu Tiếng về việc tiếp nhận, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, để bảo đảm đáp ứng việc thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, Sở Y tế đề nghị các cơ sở y tế, cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh mở cửa hoạt động 24/24 giờ hàng ngày để tiếp nhận thu dung khám, cấp cứu, điều trị, chuyển viện kịp thời tất cả bệnh nhân đến cơ sở.
Sở Y tế yêu cầu Giám đốc chuyên môn cơ sở y tế, cơ sở khám, chữa bệnh phải đảm bảo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện 2 nhiệm vụ chuyên môn: khám, cấp cứu, điều trị, chuyển viện kịp thời cho bệnh nhân và đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở; đồng thời chịu trách nhiệm sàng lọc, phân luồng, phân loại và tổ chức khám cấp cứu, điều trị, chuyển viện, cách ly các trường hợp đến khám liên quan dịch tễ, dịch bệnh Covid-19 theo đúng quy định; bảo đảm phòng, chống lây lan dịch Covid-19 trong nội bộ cơ sở y tế, từ cộng đồng lây vào cơ sở y tế và từ cơ sở y tế ra cộng đồng.