Hàn Quốc tìm thấy động lực tăng trưởng mới từ đại dịch

Quốc tế - Ngày đăng : 14:05, 11/08/2021

Thúc đẩy biến ngành công nghiệp vắc xin thành động lực tăng trưởng mới, bên cạnh chế tạo sản phẩm bán dẫn và pin, sẽ giúp nâng tầm Hàn Quốc thành nhà cung cấp toàn cầu.

Tuần trước, Seoul tuyên bố chi 1,9 tỉ USD cho sản xuất vắc xin với mục tiêu bắt kịp những nhà sản xuất lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, EU và Mỹ trong 5 năm tới. Tổng thống Moon Jae-in cho biết họ lên kế hoạch giúp thu hẹp khoảng cách về vắc xin COVID-19 đang khiến hàng loạt quốc gia đang phát triển khó tiếp cận nguồn cung.

“Không có đủ nguồn cung cho tất cả quốc gia, chúng ta không thể ngăn chặn vi rút lây lan trong bối cảnh liên tục xuất hiện biến thể mới. Hàn Quốc sẽ đi đầu trong giải quyết vấn đề bằng cách trở thành trung tâm sản xuất vắc xin toàn cầu”, theo Tổng thống Moon.

Với chính sách mới thì khoảng 200 nhà khoa học chuyên ngành y tế, 10.000 chuyên gia thử nghiệm lâm sàng cùng 2.000 người lao động sản xuất sản phẩm sinh học sẽ được đào tạo. Chính phủ hy vọng vắc xin COVID-19 do Hàn Quốc sản xuất có thể ra mắt vào nửa đầu năm 2022.

sk00.jpg
Vắc xin có thể trở thành mặt hàng chiến lược của Hàn Quốc, bên cạnh sản phẩm bán dẫn và pin - Ảnh: SCMP

Giáo sư Yoon Sung-suk thuộc Đại học quốc gia Chonnam nhận định điều quan trọng là Hàn Quốc phải tự trang bị cho mình khả năng phát triển - sản xuất: “Chúng ta không biết loại đại dịch nào xảy ra thời gian tới. Phát triển ngành công nghiệp vắc xin để tồn tại về kinh tế trong tương lai càng trở nên quan trọng hơn. Nỗ lực này thành công sẽ giúp nâng cao tầm quan trọng của đất nước với tư cách là nhà cung cấp toàn cầu, cung cấp một mặt hàng chiến lược khác ngoài sản phẩm bán dẫn và pin khi cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung đang trở nên gay gắt”.

Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Kwon Deok-cheol đảm bảo khoản đầu tư 1,9 tỉ USD có phần chi cho phát triển công nghệ sản xuất vắc xin mRNA (sản xuất nhanh hơn vắc xin truyền thống, hiệu quả hơn trong chống lại mầm bệnh đột biến nhanh như coronavirus). Chính phủ cũng dự tính giảm thuế, đồng thời ban hành hàng loạt ưu đãi khác nhằm giúp doanh nghiệp nội địa hóa nguyên liệu cũng như trang thiết bị sản xuất.

7 đơn vị sản xuất trong nước sắp khởi động thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin tự phát triển vào nửa cuối năm nay, bắt đầu từ SK Bioscience. Một số công ty đã thành lập liên doanh sản xuất vắc xin mRNA.

Tổng thống Moon còn tham vọng Hàn Quốc bắt tay với Anh, Đức và các nước khác, thu hút đầu tư cùng doanh nghiệp nước ngoài. Hồi gặp gỡ tháng 5, ông cùng Tổng thống Joe Biden nhất trí lập quan hệ đối tác kết hợp chuyên môn công nghệ Mỹ và năng lực sản xuất Hàn Quốc.

sk01.jpg
Hàn Quốc sẵn sàng đầu tư 1,9 tỉ USD để đạt mục tiêu trở thành nhà cung cấp vắc xin toàn cầu - Ảnh: SCMP

Giáo sư danh dự Lee Hoanjong thuộc Bệnh viện Nhi, Đại học quốc gia Seoul hoan nghênh nỗ lực của giới chức Hàn Quốc: “Kết hợp hạ tầng sản xuất Hàn Quốc với khả năng nghiên cứu - phát triển của Mỹ và các nước châu Âu là ý tưởng hay”.

Nhưng Giáo sư Kim Woo-joo thuộc Bệnh viện Guro (Đại học Hàn Quốc) đánh giá kế hoạch bắt kịp những nhà sản xuất lớn vào năm 2025 là quá tham vọng. Ông lưu ý rằng sở dĩ AstraZeneca, Moderna, Pfizer có thể sản xuất vắc xin COVID-19 trong thời gian ngắn vì họ đã tốn nhiều thập niên nghiên cứu.

“Sẽ là điều rất kỳ diệu nếu Hàn Quốc nhanh chóng sản xuất được vắc xin nội địa, không cần dựa vào công nghệ nền tảng mà các nước phát triển đã cấp bằng sáng chế”, theo Giáo sư Kim.

Cẩm Bình