Thiếu người, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM phải “xé mỏng” nhân lực
Thông tin Y học - Ngày đăng : 16:21, 11/08/2021
“Xé mỏng” nhân lực để đáp ứng nhu cầu bệnh nhân
Theo Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM tính đến ngày 11.8, tổng số nhân sự của bệnh viện này chỉ hơn 1.200 người, còn nhân viên y tế trực tiếp tham gia công tác điều trị chỉ khoảng 700 người. Tuy nhiên số lượng bệnh nhân đang điều trị tại đây đã lên đến hơn 600 giường, trong tuần này sẽ nâng lên 700 giường, nhưng nhân lực y tế chỉ đủ khả năng đáp ứng 500 giường.
Chia sẻ với phóng viên Một Thế Giới, BS.CK2 Nguyễn Thanh Việt – Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm quản lý Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết, để xử lý tình trạng trên, bệnh viện phải “xé mỏng” các nhân viên y tế để làm cho đủ 700 giường, kịp đáp ứng nhu cầu bệnh nhân nặng chuyển đến đây.
Theo bác sĩ Việt, việc “xé mỏng” nhân lực này khiến các nhân viên y tế phải làm việc gấp đôi, gấp 3 công suất. Nếu kéo dài tình trạng trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như công việc của các nhân viên y tế ở đây. “Chúng tôi đang chờ Sở Y tế TP.HCM bổ sung thêm nhân lực để về lâu dài các nhân viên y tế được đảm bảo công suất làm việc ”, bác sĩ Việt nói.
Bác sĩ Việt cho biết, hiện nay nhân lực cơ cấu mỗi giường bệnh của bệnh viện hồi sức chưa có, vì trên thế giới chưa có bệnh viện nào chuyên về hồi sức cả. Tuy nhiên, để phục vụ cho một giường hồi sức, nhân lực phải gấp 3 lần đối với giường bệnh bình thường. Với một giường bệnh bình thường hiện nay có ít nhất 2 nhân lực, nên giường hồi sức phải có đến 6 nhân lực.
Như vậy, hiện nay Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đang hoạt động hơn 600 giường và chuẩn bị lên 700 giường trong tuần này, nhân lực ở đây phải lên đến khoảng 5.000 người, khi lên 1.000 giường phải có đến 6.000 người. Trong khi đó, nhân lực hiện có của Bệnh viện Hồi sức COVID-19 chỉ hơn 1.200 người.
“Nhân lực làm việc ở đây rất lớn, vì phải làm việc 24/24. Tất cả các ca trực đều đảm bảo số lượng người như nhau. Không như các bệnh viện bình thường khác, trong giờ hình chính số lượng nhân viên nhiều, nhưng ngoài giờ hành chính có thể số lượng nhân viên giảm xuống. Vì thế nhu cầu nhân lực ở bệnh viện hồi sức là rất lớn”, bác sĩ Việt chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhu cầu giường bệnh tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cũng đang là vấn đề rất cấp bách, gần như không có bệnh nhân xuất viện, vì nhu cầu bệnh nhân nặng chuyển đến đây rất cao. “Chỉ cần bệnh nhân ở bệnh viện này có dấu hiệu chuyển sang giai đoạn hồi phục là lập tức chuyển xuống tầng dưới. Bệnh nhân đang thở oxy, nhưng có xu hướng hồi phục thì lập tức bệnh viện liên hệ với các bệnh viện tầng dưới đổi bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục này xuống tầng dưới, đưa bệnh nhân đang thở oxy có chuyển nặng ở tầng dưới lên bệnh viện này”, bác sĩ Việt cho biết.
Đã điều động hơn 200 nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy
Ngay trong ngày 11.8, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều động thêm 11 bác sĩ đến hỗ trợ cho Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM để điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch tại đây.
Như vậy cùng với việc bổ sung 30 điều dưỡng trong ngày hôm qua (10.8), nâng tổng số nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện cho Bệnh viện Hồi sức COVID-19 lên đến hơn 200 người.
Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, việc bổ sung nhân sự này là một phần trong kế hoạch đáp ứng nhu cầu nâng công suất điều trị tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 từ 500 giường bệnh lên 700 giường bệnh, sắp tới là 1.000 giường bệnh.
Bác sĩ Phạm Minh Quân – Khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Chợ Rẫy – một trong những bác sĩ trẻ được chi viện cho Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM lần này chia sẻ: “Mình còn trẻ, nên khi được nhận nhiệm vụ rất háo hức, và sẵn sàng được lên đường sát cánh cùng anh em chống dịch. Hy vọng TP sẽ sớm hết dịch bệnh để mọi người có thể quay lại cuộc sống bình thường”.
Trong khi đó, bác sĩ Trần Cao Đạt – Khoa Điều trị rối loạn nhịp, cho biết đã chuẩn bị và sẵn sàng từ rất lâu trước khi nhận lệnh lên đường hỗ trợ các đàn anh, các đồng nghiệp. Làm việc ở nơi “đầu sóng ngọn gió”, nguy cơ bị lây nhiễm cao hơn rất nhiều, nhưng anh tự tin với những kiến thức đã được chuẩn bị về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm, cũng như tinh thần không ngừng trau dồi về chuyên môn, có thể điều trị tốt cho các bệnh nhân tại Bệnh viện hồi sức COVID-19.
Cũng là bác sĩ trẻ xách ba lô lên đường, bác sĩ Lý Hoài Tâm - Khoa Ngoại tiết niệu cho biết, việc được điều động là một trách nhiệm, đồng thời là một niềm tự hào đối với bản thân anh. “Là một bác sĩ ngoại khoa, nên đối với lĩnh vực hồi sức cấp cứu, tôi cần phải học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ các thầy, các đàn anh. Nhưng tôi lên đường với quyết tâm cao nhất, và sẽ hỗ trợ hết mức có thể để điều trị cho những bệnh nhân COVID-19, giúp họ sớm hồi phục quay về với gia đình”, bác sĩ Tâm trải lòng.