Chuyện kỳ thú ít ai biết trên đỉnh Fansipan

Văn hóa - Ngày đăng : 16:31, 11/08/2021

Với độ cao 3.143m, Fansipan không chỉ là ngọn núi cao nhất Đông Dương mà còn ẩn chứa bên trong lòng mình rất nhiều câu chuyện ly kỳ, khó lý giải.

Bí ẩn đỉnh núi “dự báo thời tiết” cạnh đỉnh Fansipan

Năm 2010, rừng Hoàng Liên Sơn trải qua một vụ cháy rừng khủng khiếp. Khi lửa đang cháy như Hỏa Diệm Sơn và các lực lượng cứu rừng đều đã mệt lử lả, thì ông Trần Ngọc Lâm - người được mệnh danh là “người rừng” trên Fansipan với hơn 20 năm lang thang ẩn dật, thuộc từng ngóc ngách đệ nhất hùng sơn Tây Bắc này – phán chắc nịch: “Mai rừng sẽ hết cháy. Chúng ta sẽ đi xem những đống than trên dãy Hoàng Liên”.

Kỳ lạ thay, đúng như lời ông nói, hôm sau Hoàng Liên Sơn mưa như trút nước, rừng hết cháy thật. Không lẽ “người rừng” Trần Ngọc Lâm có tài “hô mưa gọi gió”?

dinhnui1.jpg

“Người rừng” Trần Ngọc Lâm

Thật ra bí mật “tiên tri” của ông Lâm nằm ở một đỉnh núi cao 2.800m, nằm ở phía Đông so với đỉnh Fansipan, được ông đặt tên là đỉnh Đầu Rồng vì trông xa, nó như đầu của con rồng. Sau nhiều năm quan sát, ông Lâm cho biết Đỉnh Đầu Rồng không khác gì một “thiết bị dự báo thời tiết” chính xác đến 90%. Nếu mỏm Đầu Rồng xuất hiện một đám mây mù đen bao quanh, thì y rằng, hôm sau sẽ có mưa.

Nếu đám mây mỏng, lơ phơ, màu trắng quấn lấy Đầu Rồng, thì 3-4 ngày sau trời mới mưa.

dinhnui2.jpg

Đỉnh Đầu Rồng

Từ nhiều năm nay, nhờ theo dõi đỉnh Đầu Rồng, ông Lâm đã nhiều lần kịp thời báo cho kiểm lâm những đợt nắng nóng hanh khô kéo dài, để họ tăng cường quản lý rừng, nghiêm cấm đồng bào đốt nương làm rẫy, hay khách du lịch đốt lửa trại, phòng cháy rừng.

Nhưng từ 2016, khi cáp treo Fansipan đi vào hoạt động, hiện tượng đốt rừng làm rẫy hay khách du lịch đốt lửa trại bừa bãi đã không còn nhiều. Vườn quốc gia cũng thở phào vì trút bỏ được gánh nặng đã đeo bám đằng đẵng cả hàng chục năm qua. Ngắm đỉnh Đầu Rồng xem thời tiết với người rừng Hoàng Liên Sơn giờ chỉ là một thú vui hay thói quen khó bỏ.

Rừng chè ngàn tuổi trên đỉnh Fansipan

Ít người biết rằng, ở độ cao 3.000m gần ga đến cáp treo trên đỉnh Fansipan, có một triền núi bạt ngàn những cây chè cổ thụ, to hơn vòng tay người ôm. Với địa hình bát úp kín gió nằm sâu giữa đại ngàn, lại bị ngăn cách nhau bởi những khe suối nên rừng chè quanh năm đều có mây mù che phủ tạo nên khung cảnh ma mị như phim cổ trang Trung Quốc.

dinhui1a.jpg

Rừng chè ngàn năm tuổi trên Fansipan

Ông Lâm kể rằng, theo tính toán của các nhà khoa học người Nhật, ở môi trường khắc nghiệt, trên độ cao này, những cây chè cỡ một người ôm đã có tuổi đời trăm năm. Mỗi năm đường kính cũng chỉ lớn thêm được 1mm, và khi đã đạt đến ngàn năm tuổi, thì gần như không chịu lớn nữa. Nếu đúng như vậy, thì có lẽ rừng chè trên đỉnh Fansipan này đã phải đến hơn ngàn năm tuổi.

Anh Trịnh Văn Hà, cựu kỹ sư trắc địa (trắc đạc) từng tham gia xây dựng cáp treo Fansipan thì vẫn không quên được vị chát lạ hơi nồng và ngọt hậu của chè cổ Fansipan: “Chè có vị rất lạ và đặc biệt ngon khi được ngồi thưởng thức trong chính cánh rừng ấy”, anh Hà kể.

Cũng theo anh Hà: Có một điều mà đến tận bây giờ anh vẫn chưa giải thích nổi, đó là càng vào sâu trong rừng chè, muỗi, vắt và cả rắn rết vốn là những thứ “đặc sản” của đại ngàn Hoàng Liên Sơn lại… càng ít.

dinnuihoa.jpg

Hoa chè cổ Fansipan

“Rừng chè cổ như lớp nhụy hoa được bao bọc bởi rất nhiều lớp. Ngoài cùng là những dãy núi vòng cung, vòng trong là rừng gỗ quý mà người H’Mông bản địa thường dùng để làm quan tài. Cuối cùng mới tới bạt ngàn chè cổ. Càng vào sâu lại càng vắng bóng dã thú, côn trùng. Anh em đi rừng cũng đều chọn khu vực lõi này để nghỉ vì… rất bình yên”, cựu kỹ sư trắc địa nhấn mạnh.

Không dễ để tìm đến rừng chè cổ bằng đường bộ, nhưng du khách vẫn có thể thấp thoáng thấy bóng xanh mướt của những tán chè từ cột trụ thứ hai, mé bên phải khi đi cáp treo lên đỉnh Fansipan.

Kỳ bí khu rừng rắn độc

Lục Thanh Chiến từng có “thâm niên” 6 năm lăn lộn cùng cáp treo từ ngày sơ khai nhất. Cho tới tận bây giờ, Chiến vẫn rùng mình mỗi khi nhớ về khu rừng của rắn.

“Đó là những năm 2013-2016, chúng tôi đi mở tuyến xuyên dọc rừng quốc gia. Anh em vừa đi, vừa dò dẫm vì làm gì có đường, đâu cũng chỉ toàn thấy cây cối rậm rì, dốc nối dốc. Nhưng đáng sợ nhất phải kể đến rắn - thứ "đặc sản" đặc biệt của rừng Hoàng Liên Sơn”, Chiến nhớ lại.

Chiến cho hay, từ độ cao 2.100m trở đi là lãnh địa của đủ loại sinh vật, nhưng quanh khu vực cột trụ số 3 của tuyến cáp, rắn giống như chủ nhân của cả một dải rừng này. “Chúng cực dạn, hung hăng và sẵn sàng tấn công ngay khi bị làm phiền”- Chiến kể.

Giang – cựu kỹ sư phụ trách cáp công vụ toát mồ hôi hột nhớ lại: “Anh em đi khảo sát hay mở tuyến gặp rắn không có gì là lạ. Có bữa, khi đang kéo cáp, tôi bỗng nghe thấy tiếng bục bục như ai gõ vào ủng. Cúi xuống thấy con rắn xanh ngắt như tàu lá chuối đang mổ tới tấp”.

Còn Má A Tông, cựu nhân viên an ninh từng tham gia xây dựng cáp trong giai đoạn 2015-2016 thì kể, có lần khi đang nằm ngủ, cậu thấy tay mát lạnh và buồn buồn. “Hé mắt ra thì thấy nguyên một con rắn to đang trườn qua người. Mấy anh em trong lán sợ quá, chỉ biết nằm im nín thở”, cậu nhớ lại.

dinhnui7.jpg

Nhiều loài rắn đặc hữu trên đỉnh Fansipan

Rắn trên Fansipan có đủ mọi hình hài, màu sắc. Loài ẩn mình dưới lớp lá mục có màu lốm đốm nâu rất khó phát hiện. Loài treo lửng lơ trên những cành trúc rừng thì xanh lét, chỉ có phần đuôi đỏ ửng như một vệt son nhạt nhòa. Đồng bào Mông coi rắn như loài vật linh thiêng, thậm chí còn thờ cúng thần rắn nên họ không ăn thịt hay bắt rắn đem bán. Do vậy rắn thoải mái sinh sôi và chẳng biết sợ người.

Cho đến tận bây giờ, những “cựu binh” xây cáp treo Fansipan khi gặp nhau vẫn rôm rả chuyện gặp rắn trên rừng, thậm chí còn gửi cho nhau hình ảnh một thân cây kín đặc loài rắn xanh, như một minh chứng cho sự bí ẩn, thâm u và linh thiêng của mạch nguồn linh khí Fansipan.

Theo Người Đô Thị