Về chữ 'lẻn' trong Truyện Kiều
Giáo dục - Ngày đăng : 09:59, 31/01/2017
Sáng mùng 2 Tết Đinh Dậu (29.1.2017) mở VTV2, xem chương trình Việt Nam đất nước con người, người xem thấy GS Phong Lê đang bình Truyện Kiều. Ông hết sức khen ngợi cách dùng chữ của thi hào Nguyễn Du, đặc biệt là dùng từ thuần Việt. Ông ví dụ về việc tác giả dùng chữ “lẻn” trong câu “Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào”, cho rằng chỉ một chữ “lẻn” đã lột tả hết cái gian trá của Sở Khanh.
Thực ra không chỉ GS Phong Lê hiểu như trên. Đó là cách hiểu khá phổ biến lâu nay.
Về chữ “lẻn”, cách đây đã khá lâu (khoảng năm 1991), tôi được nghe PGS Vũ Nho (lúc đó là PTS Vũ Nho) đính chính cách hiểu không chính xác như trên. Ông Nho bảo đâu phải chỉ có Sở Khanh mới “lẻn”, chính Kim Trọng cũng “lẻn”: "Băng mình lẻn trước đài trang tự tình" (câu 536, Truyện Kiều).
Tôi thấy ông Vũ Nho đúng. Câu trên kia kể lúc Kim Trọng nghe tin ông chú mất, phải thu xếp về hộ tang. Trong tình thế gấp gáp đó, chàng ta cũng kịp chạy đến tìm nàng Kiều để từ biệt. Mà nhà Kiều thì “thâm nghiêm kín cổng cao tường” (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) cho nên anh chàng dĩ nhiên chỉ còn cách “lẻn” thôi:
"Mảng tin xiết đỗi kinh hoàng
Băng mình lẻn trước đài trang tự tình".
Chữ “lẻn” theo cụ Đào Duy Anh giải nghĩa là: “Đi giấu không cho người ta biết. Cũng nói là lén. Ví dụ "Băng mình lẻn trước đài trang tự tình” (Từ điển Truyện Kiều).
Như vậy chữ “lẻn” – ít nhất là thời Nguyễn Du – chỉ có nghĩa là đi giấu, nó mang sắc thái trung tính, không hề có nghĩa xấu. Kim Trọng lúc đang độ hào hoa phong nhã nhất nói trên đã “lẻn”. Thúc Sinh lúc ân tình và khổ đau nhất (đến an ủi Thúy Kiều đang bị giam lỏng) cũng “lẻn”:
"Thừa cơ sinh mới lẻn ra
Xăm xăm đến mé vườn hoa với nàng".
Bình thơ như vậy, với lối chỉ thấy cây mà không thấy rừng, ngắm điểm mà không ngắm diện, nhất là lại áp đặt những thiên kiến chủ quan về nhân vật sẽ chả thể nào tránh khỏi sai sót.
Đào Tiến Thi