Quy hoạch ‘siêu đô thị’ Liên Khương - Prenn rộng gần 3.000 ha ở Lâm Đồng có gì?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:58, 11/08/2021

Khu đô thị Liên Khương – Prenn kết nối đô thị Đức Trọng, Finôm – Thạnh Mỹ với đô thị Đà Lạt. Khu vực này sẽ là đô thị cửa ngõ trước khi vào thành phố Đà Lạt.

Đồng bộ với quy hoạch chung của Đà Lạt

Hội đồng thẩm định Quy hoạch – xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa có kết luận của ông Phạm S, Chủ tịch Hội đồng thẩm định về nhiệm vụ, dự toán quy hoạch phân khu khu đô thị Liên Khương – Prenn, huyện Đức Trọng.

Theo đó, Chủ tịch Hội động thẩm định cho rằng việc tổ chức triển khai lập nhiệm vụ, dự toán quy hoạch phân khu Khu đô thị Liên Khương - Prenn phù hợp với chủ trương của tỉnh, đảm bảo tính pháp lý theo quy định, trình tự thủ tục đảm bảo yêu cầu, tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành và các đơn vị, tổ chức và cộng đồng dân cư theo quy định.

Tuy nhiên, quy hoạch phân khu khu đô thị Liên Khương – Prenn cần bám sát đảm bảo phù hợp quy hoạch chung đô thị Finôm – Thạnh Mỹ và định hướng phát triển của đô thị Đức Trọng (đang được UBND huyện Đức trọng tổ chức lập quy hoạch). Việc quy hoạch phải xác định các tính chất, chức năng của khu đô thị đảm bảo theo định hướng của quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận.

Ông Phạm S lưu ý khu đô thị này có tính chất kết nối đô thị Đức Trọng, Finôm – Thạnh Mỹ với đô thị Đà Lạt, là đô thị cửa ngõ trước khi vào thành phố Đà Lạt. Do vậy, việc kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với quy hoạch chung được duyệt và các khu vực dự kiến phát triển mở rộng xung quanh.

Chủ tịch Hội đồng thẩm định cũng yêu cầu bổ sung, phân tích, đánh giá nội dung đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Đức Trọng với định hướng là thị xã Đức Trọng (loại 3 – năm 2035) và đô thị Finôm - Thạnh Mỹ (loại 4 – năm 2025) với quy hoạch khu đô thị Liên Khương - Prenn…

Để thực hiện quy hoạch khu đô thị này, ông Phạm S đề nghị Sở Xây dựng (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp), đơn vị tư vấn phối hợp sửa chữa, điều chỉnh bổ sung các nội dung góp ý của các thành viên hội đồng.

huyen-duc-trong-tinh-lam-dong.jpeg
Một góc đường cao tốc Liên Khương – Prenn tại huyện Đức Trọng 

Cửa ngõ giao thương quốc tế của vùng

Cũng liên quan đến khu đô thị này, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi các thành viên Hội đồng thẩm định về việc lấy ý kiến nhiệm vụ quy hoạch phân khu khu đô thị Liên Khương – Prenn, huyện Đức Trọng, tỷ lệ 1/2.000.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, quy hoạch chung xây dựng khu du lịch hồ Prenn đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt vào ngày 13.8.2010. Diện tích lập quy hoạch khoảng 2.969,63ha, thuộc địa bàn của một phần 4 xã: Hiệp An (1.365,73ha), Hiệp Thạnh (900,13ha), Liên Hiệp (535,25ha), thị trấn Liên Nghĩa (168,52ha).

Đây sẽ là khu đô thị chia sẻ chức năng với TP. Đà Lạt với 4 phân khu chính. Thứ nhất là khu đô thị sân bay (diện tích khoảng 1.100 - 1.200ha, tiếp giáp sân bay Liên Khương), cửa ngõ giao thương quốc tế của vùng và quốc gia – khu phi thuế quan, có các trung tâm y tế, bệnh viện chuyên khoa/đa khoa cấp vùng; trung tâm thương mại – dịch vụ hỗn hợp; trung tâm hội nghị; trung tâm tài chính; trung tâm thể dục thể thao.

Thứ hai là khu đô thị trẻ sáng tạo (khoảng 500ha), có trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo công nghệ cấp vùng; khu vui chơi giải trí gắn với địa hình tự nhiên; khu ươm mầm tài năng sáng tạo và khuyến khích khởi nghiệp (start-up).

Thứ ba là khu đô thị nông nghiệp thông minh - kỹ thuật cao (khoảng 800ha), có viện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng mô hình nông nghiệp đô thị hiện đại, nông nghiệp thông minh; trung tâm hội chợ - triển lãm về sản phẩm nông nghiệp cấp vùng.

Thứ tư là khu đô thị sức khỏe (khoảng 500ha), có khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp chăm sóc sức khỏe, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao gắn với hệ thống sông hồ và cảnh quan môi trường rừng tự nhiên...

Đáng chú ý, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận chủ trương quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị Liên Khương – Prenn.

Về hiện trạng sử dụng đất tại khu quy hoạch, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết chiếm tỷ trọng lớn nhất là đất trồng cây hàng năm khoảng 30%, kế đến là đất ở nông thôn khoảng 28%, đất mặt nước và nuôi trồng thủy sản khoảng 20%, đất giao thông khoảng 6,5%, đất rừng khoảng 5,5%, còn lại là đất nghĩa trang, đất chưa sử dụng, đất trồng lúa nước và đất khoáng sản…

Trong định hướng phát triển, quỹ đất nông nghiệp và đất nuôi trồng thủy sản sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang phát triển đô thị nhằm khai thác có hiệu quả, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Dân số dự báo đến năm 2040 khoảng 50.000 người, tương ứng với tỷ lệ tăng dần 5 - 8%/năm.

Hồ Đông