Lý Thường Kiệt dùng vũ lực lấy lại đất yết hầu vùng biên trong tay quân Tống
Giáo dục - Ngày đăng : 22:15, 17/01/2017
Kỳ 1: Cha ông ta từng chỉ huy liên quân Đông Nam Á chống lại phương Bắc
Kỳ 2: Đinh Tiên Hoàng tự coi là cửa trên khiến phương Bắc bực dọc
Kỳ 3: Sứ giả phương Bắc bị hù dọa không dám bước chân vào nước ta
Kỳ 4: Vua Tống chém tướng kiếm chuyện ngoài biên giới để làm vui lòng Đại Việt
Kỳ 5: Vua Tống sợ trái ý Ngọa Triều nhà Lê
Kỳ 6: Đại Việt tặng ngựa, nhà Tống thất kinh
Kỳ 7: Hai nhà sư Việt bẻ gãy dã tâm của phương Bắc
Kỳ 8: Chính sách gả công chúa để phá âm mưu của phương Bắc
Kỳ 9: Khi nhà Tống lấn đất, ông cha ta sẵn sàng tuốt gươm
Kỳ 10: Trước Lý Thường Kiệt, quân ta nhiều lần Bắc phạt sang đất Tống
Kỳ 11: Chư hầu của Đại Việt uy hiếp nhà Tống, vua Lý toan động binh
Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược, quân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt đã dồn 2 tướng giặc Quách Quỳ, Triệu Tiết cùng 10 vạn quân vào tử địa. Ở thế bị bao vây trùng trùng điệp điệp mà lương thảo lại cạn thì tính mạng của quân Tống như cá nằm trên thớt. Nhưng vì nhà Lý nhân từ, trọng đức hiếu sinh mà lại muốn tạo điều kiện để hai bên hòa hoãn nên mở đường sống cho bại binh Tống.
Năm 1077, Lý Thường Kiệt mở vòng vây cho quân Tống rút về nước, cũng không dùng quân truy kích để tỏ rõ thực tình hòa hiếu. Thế nhưng vua tôi nhà Tống không biết điều, được ta mở đường hiếu sinh mà vẫn không chịu trả đất đã chiếm trong đợt xâm lược gồm năm châu miền núi: Quang Lang, Tô Mậu, Môn, Tư Lang và Quảng Nguyên (hiện thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn nước ta). Nhà Tống chưa bao giờ nguội dã tâm nhòm ngó phương Nam nên khi chiếm được những châu quan trọng này thì họ lập tức cắt cử quan lại địa phương xuống để quản lý hòng giữ đất lâu dài. Theo Tục tư trị thông giám, ngày 25.2 (1076), sau khi thấy Quách Quỳ dẫn quân xâm lược nước ta thuận lợi, vua Tống hạ chiếu đổi Quảng Nguyên ra Thuận Châu và thăng Quang Lang lên hàng huyện.
Rồi nhà Tống tính việc xây dựng bộ khung quan lại đầy đủ ban bệ để dễ bề cai trị. Tục tư trị thông giám chép: Tống bổ tới Thuận châu đủ các viên chức, mỗi chức một người: thông phán, thiểm thư, phán quan, kiềm hạt, đô giám, đô áp. Sợ rằng châu mới độc nước, quan lại không thích đi, chiếu thư có dặn rằng: "Mỗi năm sẽ thay một quan. Ở hết hạn, được thăng một chức, và bổ về mạc chức, nghĩa là ở chỗ trung ương". Rồi nhà Tống lại thưởng công cho các tù trưởng đã theo giúp quân Tống, như cháu Nùng Thiện Mỹ là Huệ Đàm và định cấp ấn son cho các động trưởng để lôi kéo nhân tâm dân chúng các tộc vùng biên.
Không chỉ cắt đặt quan lại mà vua tôi nhà Tống còn lo đắp thành, thêm quân để phòng xa, chiếm giữ lâu dài. Ngày mồng 8 tháng 3 (1076), ngự sử Đặng Nhuận Phủ tâu với vua Tống: " Gần đây, nghe nói đã đắp thêm thành Quảng nguyên và đã bổ vũ thần đến coi. Xin trước hết sai ti an phủ Quảng Tây cùng giám ti xét các điều lệ lợi hại thế nào, mỗi năm dùng giáp binh bao nhiêu, lương thực bao nhiêu, giáp binh lấy từ đâu, lương thực biện chỗ nào. Làm sao cho lính đủ để chống giặc, lương đủ cho lính ăn, và khi thình lình có biến, khỏi phải lo liệu lật đật vất vả". Tống liền sai 17 chỉ huy ở các xứ Hồng châu tới phòng thủ Quảng nguyên, Tư Lang.
Trong số các châu bị Tống chiếm đóng, Quang Lang được đánh giá có vị trí rất quan trọng vì nó gần vị trí ải Chi Lăng, được coi là yết hầu của Ung châu. Nếu quân Tống muốn đánh xuống phía Nam thì nhất định phải đi qua khu vực này nên nó chính là vị trí chiến lược mà cả hai bên đều muốn nắm giữ.
Với con mắt của nhà quân sự lão luyện thì Lý Thường Kiệt đâu bỏ qua chuyện đó và lên kế hoạch chiếm lại những đất đã mất ngay sau khi bại binh nhà Tống về nước năm 1077. Sau khi quân Quách Quỳ rút lui khỏi Lạng Châu, quân Lý liền theo sau, và đóng giữ ở động Giáp. Rồi kéo vào đánh úp, chiếm lại Quang Lang. Các viên tri huyện Hồ Thanh và tuần phòng Trần Tung đều bỏ chạy.
Triều đình nhà Tống rất tức giận khi để mất Quang Lang. Sử Tống chép đầu năm 1078, hai viên chức ở Quang lang bị kết tội bỏ thành trốn: Trần Tung bị chém và Hồ Thanh bị đày ra đảo Sa Môn (có lẽ là đảo Kim Sa, Kim Môn gần Phúc Kiến hiện giờ). Vua Tống ăn ngủ không yên sau khi nghe tin mất Quang Lang và phải hạ chiếu vào tháng 7.1077 rằng: "Huyện Quang Lang đã bị quân Giao Chỉ đánh úp và chiếm. Chưa thấy lộ Quảng Tây xử trí làm sao. Từ đó qua ải Quyết Lý đến Thuận Châu không xa. Coi khéo lại không thể cố thủ được. Phải làm sao cho không tổn quốc uy, sao cho binh lực và tài phí không càng ngày càng hao tổn. Vậy giao cho Triệu Tiêt, Lý Bình Nhất, Miêu Thì Trung cùng nhau bàn mưu kế cho đúng lợi hại. Chớ có lần lữa tránh việc, đến nỗi hỏng đại sự của Triều đình ở một phương, Bàn định xong, rồi sẽ gấp tự viết thư báo về tâu rõ".
Các châu Tô Mậu, Môn cũng được Lý Thường Kiệt dùng vũ lực lấy về. Chỉ có hai châu Quảng Nguyên và Tư Lang là chưa thể lấy được do nhà Tống đặt trọng binh ở đó và dồn nhiều quân về phòng ngự. Nếu dùng quân sự để lấy lại 2 vùng đất trong tay giặc Tống thì sẽ rất hao binh tốn của vì địa hình hiểm trở, dễ thủ khó công trong lúc việc chuyển lương không dễ dàng. Đây chính là lúc vua tôi nhà Lý dùng đòn ngoại giao và tâm lý chiến.
Anh Tú