Chư hầu của Đại Việt uy hiếp nhà Tống, vua Lý toan động binh
Giáo dục - Ngày đăng : 22:45, 15/01/2017
Các kỳ trước
Kỳ 1: Cha ông ta từng chỉ huy liên quân Đông Nam Á chống lại phương Bắc
Kỳ 2: Đinh Tiên Hoàng tự coi là cửa trên khiến phương Bắc bực dọc
Kỳ 3: Sứ giả phương Bắc bị hù dọa không dám bước chân vào nước ta
Kỳ 4: Vua Tống chém tướng kiếm chuyện ngoài biên giới để làm vui lòng Đại Việt
Kỳ 5: Vua Tống sợ trái ý Ngọa Triều nhà Lê
Kỳ 6: Đại Việt tặng ngựa, nhà Tống thất kinh
Kỳ 7: Hai nhà sư Việt bẻ gãy dã tâm của phương Bắc
Kỳ 8: Chính sách gả công chúa để phá âm mưu của phương Bắc
Kỳ 9: Khi nhà Tống lấn đất, ông cha ta sẵn sàng tuốt gươm
Kỳ 10: Trước Lý Thường Kiệt, quân ta nhiều lần Bắc phạt sang đất Tống
Ngay buổi đầu nhà Lý thành lập, nhà Tống đã bật đèn xanh cho Đại Lý (Vân Nam) mở chiến dịch quân sự lớn tần công Đại Việt nhưng bị đánh bại. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Giáp Dần, [Thuận Thiên] năm thứ 5 [1014], (Tống Đại Trung Tường Phù năm thứ 7). Mùa xuân, tháng giêng, tướng của người Man là Dương Trường Huệ và Đoàn Kính Chí đem 20 vạn người Man vào cướp, đóng đồn ở bến Kim Hoa, dàn quân đóng trại gọi là trại Ngũ Hoa. Châu mục châu Bình Lâm là Hoàng Ân Vinh đem việc tâu lên. Vua (Lý Thái Tổ) sai Dực Thánh Vương đem quân đi đánh, chém đầu kể hàng vạn, bắt sống được quân lính và ngựa không kể xiết. Xuống chiếu cho viên ngoại lang là Phùng Chân và Lý Thạc đem một trăm con ngựa bắt được của người Man sang biếu nhà Tống.
Nhà Tống cũng thi hành chính sách kích động các thủ lĩnh, tù trưởng ở khu vực biên giới khi thì nổi dậy, khi thì cắt đất dụ dân sang nhập với Tống. Nhưng nhà Lý đã giải quyết vấn đề này rất thỏa đáng. Với các tù trưởng thì nhà Lý dùng cả ân và uy để thu phục nên có được lòng trung thành của họ Thân (Thân Thừa Quý, Thân Thiệu Thái, Thân Cảnh Phúc), Tông Đản... Với nhà Tống, thì ta dùng cả ngoại giao và quân sự để họ phải tôn trọng vùng lãnh thổ biên giới, chấm dứt việc dụ dỗ các tù trưởng cắt đất, dụ dân sang đất Tống.
Việc giành giật ảnh hưởng với nhân vật Nùng Trí Cao có thể là tiêu biểu cho câu chuyện đấu tranh ngoại giao giữa Việt và Tống. Thời điểm thế kỷ thứ 11, họ Nùng ở châu Quảng Nguyên (Cao Bằng hiện giờ) nhiều lần gây rối ở vùng biên giới. Năm 1038, Nùng Tồn Phúc nổi dậy, tự xưng là Chiêu Thành hoàng đế, đặt quốc hiệu là Trường Sinh quốc rồi đem quân đi đánh phá các nơi. Tháng 2.1039, vua Lý Thái Tông thân chinh đi đánh Phúc đại thắng, bắt được cả nhà. Vua cho quân san phẳng thành hào, chiêu dụ tộc loại còn sống sót, vỗ về yên ủi rồi rút quân. Tháng 3.1039, vua chém Phúc và Thông ngoài chợ nhưng còn một người con là Nùng Trí Cao trốn thoát.
Năm 1041, Nùng Trí Cao lập ra một nước gọi là nước Đại Lịch, không hàng phục nhà Lý. Vua Lý Thái Tông sai tướng lên đánh, bắt được đem về Thăng Long. Nhưng vua nghĩ trước đã giết cha và anh, nay thương tình không giết, tha cho về và lại phong cho làm Quảng Nguyên mục. Sau đó Nùng Trí Cao vào triều yết kiến, được vua Thái Tông gia phong cho tước Thái bảo. Đến năm 1044, Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép: "Thái bảo Nùng Trí Cao vào chầu".
Vua Lý Thái Tông hai lần cất quân là bắt được hết tôn tộc nhà Nùng Trí Cao, ấy vậy mà sao không giết? Đời sau nhiều người tin rằng vua Lý Thái Tông muốn dùng đức cảm hóa như kiểu Khổng Minh thất cầm Mạnh Hoạch thì các tỉnh biên giới phía bắc mới yên. Cũng có thể nhà Lý muốn Nùng Trí Cao theo gương như nhà họ Thân để làm phên dậu vững chắc cho Đại Việt.
Năm 1048, Nùng Trí Cao lại nổi dậy, chiếm giữ động Vật Ác (phía tây Cao Bằng). Lý Thái Tông sai Quách Thịnh Dật đi đánh, Nùng Trí Cao lại đầu hàng. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Vừa mới giao chiến, trời đất bỗng tối mù, một lát nghe tiếng sét đánh trong động, thân thể các tù trưởng động ấy bị xé tan, cả động kinh hãi. Trí Cao phải hàng.
Tuy nhiên, theo giai thoại của người Tày, khi quân Lý tới nơi, Nùng Trí Cao nói với Quách Thịnh Dật đừng tiến quân, ông sẽ không gây hấn với nhà Lý nữa mà sẽ tiến sang phương Bắc. Sự thực thì sau đó, Nùng Trí Cao không hiểu vì cảm ân hay sợ uy nhà Lý mà không dám động binh chống Đại Việt nữa mà lại chĩa mũi giáo sang nhà Tống.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: Mùa hạ, tháng 4 (1052), Nùng Trí Cao làm phản, tiếm xưng là Nhân Huệ Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Nam, sang cướp đất nhà Tống, phá trại Hoàng Sơn, vây hãm các châu Ung, Hoành, Quý, Đằng, Ngô, Khang, Đoan, Củng, Tầm rồi kéo đến vây thành Quảng Châu đến 5 tuần không lấy được, bèn về. Lại vào Ung Châu, giết tướng tá của nhà Tống hơn 3 nghìn người, bắt sống dân chúng hàng vạn. Đi đến đâu đốt trụi đến đấy.
Vua tôi nhà Tống lấy làm lo. Lý Thái Tông dâng biểu sang Trung Quốc xin mang quân phối hợp đánh Nùng Trí Cao. Vua Tống đã có ý bằng lòng vì thấy Đại Việt 2 lần đánh Nùng Trí Cao dễ như bỡn trong khi quan quân nhà Tống đánh mãi toàn thua. Khi quân Đại Việt sắp vào biên giới, tướng nhà Tống là Địch Thanh can Tống Nhân Tông rằng: "Có một Nùng Trí Cao mà đất Lưỡng Quảng không khống chế được, lại phải nhờ quân ngoại quốc vào đánh giúp. Nếu có ai nhân đó mà nổi loạn, thì làm thế nào?" Vua Tống nghe lời bèn sai các tướng Dư Tĩnh và Tôn Miện đi đánh Nùng Trí Cao và sai sứ nói với Lý Thái Tông rằng không cần quân Lý giúp.
Nhưng Dư Tĩnh đánh mãi không được và mãi về sau phải điều Địch Thanh từ Tây Hạ về đánh mới hạ được Nùng Trí Cao. Có chi tiết là vào Tháng 10.1053, Trí Cao sắp thua liền sai thủ hạ là Lương Châu đến cầu cứu Đại Cồ Việt. Lý Thái Tông sai chỉ huy sứ Vũ Nhị đi tiếp ứng cho Trí Cao. Nhưng quân Lý chưa tới nơi thì Trí Cao lại bị Địch Thanh đánh bại, phải chạy trốn sang nước Đại Lý. Quân Lý rút về.
Ở đây có một chi tiết khiến nhiều người phải thắc mắc là sao ban đầu vua Lý Thái Tông muốn đưa quân sang Tống dẹp Nùng Trí Cao rồi một năm sau lại muốn đem quân cứu viện Nùng Trí Cao? Có thể vì lần đầu, vua nước ta muốn tranh thủ đưa quân vào Tống để xem binh lực, bố phòng của nhà Tống và sẽ có đối sách trong việc phòng vệ sau này. Thậm chí, Địch Thanh khi đó còn sợ nhà Lý mang quân vào rồi chiếm luôn đất Tống. Còn lần sau, vua tôi nhà Lý đã xuất binh cứu viện vì thực sự không muốn Nùng Trí Cao bị diệt, vì mong muốn tồn tại một thế lực khiến nhà Tống phải đau đầu và không còn tâm trí để nhòm ngó biên giới Đại Việt.
Anh Tú