Trẻ em sinh ra trong đại dịch sẽ bị giảm chỉ số IQ và những lý giải

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:31, 13/08/2021

Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy những đứa trẻ sinh ra trong đại dịch COVID-19 đã giảm đáng kể khả năng nói, vận động và nhận thức tổng thể so với những đứa trẻ được sinh ra trong cuộc sống bình thường.

Những năm đầu đời của một đứa trẻ rất quan trọng đối với sự phát triển nhận thức của chúng. Nhưng đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến cuộc sống hoàn toàn đảo lộn, nhà trẻ, trường học và các khu vui chơi hoàn toàn phải đóng cửa. Điều này đã khiến cuộc sống của trẻ mới sinh thay đổi đáng kể trong khi các phụ huynh phải chịu thêm nhiều căng thẳng và áp lực để cân bằng giữa công việc và chăm sóc con cái.

Sean Deoni, Phó giáo sư nhi khoa tại Đại học Brown, tác giả của nghiên cứu cho biết việc liên tục phải ở trong nhà và ít được tương tác với thế giới bên ngoài đã khiến trẻ em sinh ra trong thời kỳ dịch bệnh dường như đạt điểm thấp đáng kinh ngạc trong các bài kiểm tra để đánh giá mức độ nhận thức.

Trong thập niên trước đại dịch, điểm IQ trung bình trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn cho trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi dao động quanh mức 100 nhưng đối với trẻ em sinh ra trong đại dịch, con số này đã giảm xuống còn 78.

anh-chup-man-hinh-2021-08-13-luc-10.24.48.png
Việc phải ở nhà nhiều và không được tương tác với bên ngoài đã khiến trẻ em sinh ra trong thời kỳ dịch bệnh kém phát triển về nhận thức - Ảnh: Internet

Nghiên cứu dựa trên 672 trẻ em bang Rhode Island (Mỹ), trong số này có 188 trẻ em sinh sau tháng 7.2020, 308 trẻ em sinh trước tháng 1.2019 và 176 trẻ sinh từ tháng 1.2019 - 3.2020. Những đứa trẻ được đưa vào nghiên cứu này được sinh đủ tháng, không bị khuyết tật về phát triển và chủ yếu là người da trắng.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người có nền tảng kinh tế xã hội thấp kém hơn cũng có vai trò lớn trong sự kém phát triển nhận thức của trẻ nhỏ trong các cuộc thử nghiệm.

Deoni cho biết lý do lớn nhất của sự giảm sút về điểm số trong các bài kiểm tra là do thiếu sự tương tác giữa các bậc phụ huynh và trẻ em khi ở nhà do dịch. “Cha mẹ căng thẳng và lo lắng đã khiến sự tương tác mà một đứa trẻ cần giảm đi đáng kể”.

Liệu những điểm số nhận thức thấp hơn này có ảnh hưởng lâu dài hay không vẫn chưa được xác định rõ ràng. Trong vài năm đầu tiên của cuộc đời, nền tảng của việc nhận thức rất quan trọng giống như việc xây một ngôi nhà. Việc xây thêm phòng hay tạo nên một ngôi nhà kiên cố sẽ dễ dàng hơn khi bạn bắt đầu bằng việc tạo một nền móng vững chắc. “Khả năng sửa sai trở nên thấp hơn khi đứa trẻ đó ngày càng lớn”, Deoni chia sẻ.

early-childhood-mother-child-laptop.jpeg
Các bậc cha mẹ cũng là những người phải chịu áp lực nặng nề khi phải làm việc và chăm sóc con cái trong mùa dịch - Ảnh: Internet

Deoni cho biết thêm do dữ liệu này đến từ một bộ phận người dân tương đối dư dả tại Mỹ, nơi mà hỗ trợ xã hội và trợ cấp thất nghiệp rất hào phòng, nên mọi thứ có thể tồi tệ hơn ở những vùng nghèo khó hơn ở Mỹ cũng như ở các nước trên thế giới.

Giáo sư về sức khỏe trẻ em tại Đại học College London, Terence Stephenson cho biết nghiên cứu này rất thú vị vì đã có nhiều bài viết về tác động trong việc giáo dục trẻ em trong độ tuổi đi học nhưng chưa có nhiều thông tin về trẻ sơ sinh.

Yếu tố chính ảnh hưởng đến điểm số thấp hơn này ở trẻ sơ sinh có thể là do sự căng thẳng của các bậc cha mẹ, những người phải đối mặt với những khó khăn trong việc vừa phải đi làm vừa phải chăm sóc con cái toàn thời gian. “Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi trẻ em từ các quốc gia có nền kinh tế xã hội thấp hơn bị ảnh hưởng nhiều nhất vì điều này cộng hưởng với nhiều tác động khác về tài chính, việc làm và sức khoẻ trong thời kỳ đại dịch”, Giáo sư Terence Stephenson nhận xét.

Đan Thuỳ