Nghiên cứu mới: Vắc xin Moderna bảo vệ người ít nhất 6 tháng, chống biến thể Delta tốt

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 07:00, 14/08/2021

Các nhà nghiên cứu cho biết vắc xin COVID-19 của Moderna có hiệu quả bảo vệ con người trong ít nhất 6 tháng và có thể lâu hơn nữa.

Theo CNN, nhóm nghiên cứu do Viện Y tế Quốc gia Mỹ đứng đầu đã phát hiện ra rằng khả năng bảo vệ chống lại biến chủng Delta của vắc xin Moderna hầu như không bị suy giảm. Nhóm này sẽ tiếp tục theo dõi hiệu quả của vắc xin này sau 6 tháng.

Nhà miễn dịch học Nicole Doria-Rose và các đồng nghiệp tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết: “Kháng thể nhận diện được tất cả các biến chủng ở mức độ cao bao gồm B.1.351 (Beta) và B.1.617.2 (Delta) được duy trì ở tất cả các đối tượng trong cuộc thí nghiệm”.

vac-xin-moderna-1628573104930563289591.jpeg
Vắc xin COVID-19 của Moderna - Ảnh: Internet

Nghiên cứu dựa trên việc xét nghiệm máu từ 24 tình nguyện viên đã được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin Moderna ở một số thời điểm khác nhau. Mẫu máu được lấy lúc 4 tuần sau khi tiêm mũi 1 và 3 thời điểm khác nhau sau khi tiêm mũi 2.

“Ở đỉnh điểm của phản ứng với mũi vắc xin thứ 2, tất cả các đối tượng đều có kháng thể phản ứng với tất cả các biến chủng. Hai tuần sau liều vắc xin Moderna thứ 2, tất cả các mẫu máu đều vô hiệu quá tất cả các biến chủng”, nhóm nghiên cứu viết.

Kháng thể sản sinh có phản ứng với tất cả biến chủng đáng lo ngại, trong đó có biến chủng Delta.

Biến chủng có khả năng vượt qua khả năng miễn dịch do vắc xin tạo ra nhất là Beta (B.1.351) lần đầu được phát hiện tại Nam Phi.

Sau 6 tháng tiêm mũi vắc xin thứ 2, chỉ hơn một nửa số mẫu máu duy trì kháng thể trung hoà hoàn toàn với biến chủng Beta. Trong khi đó, 96% mẫu máu vẫn có đủ kháng thể trung hoà biến chủng Delta.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng mức độ kháng thể không phản ánh toàn bộ câu chuyện. Theo thời gian, cơ thể con người sẽ phát triển các tế bào miễn dịch được gọi là tế bào B và T cũng bảo vệ chống lại vi rút.

“Những cá nhân có phản ứng miễn dịch suy yếu theo thời gian có khả năng có các tế bào ghi nhớ B sẽ cung cấp phản ứng tăng cường với các biến chủng, hoặc chỉ cần một mũi vắc xin tăng cường để kích thích khả năng này”, các nhà nghiên cứu viết.

Họ cũng tìm thấy một số ít bằng chứng cho thấy khả năng miễn dịch suy giảm hơn ở người lớn tuổi. Họ chia các mẫu máu theo từng nhóm theo độ tuổi. “Điều quan trọng là nhiều đối tượng trong nhóm lớn tuổi vẫn giữ được hoạt tính trung hoà chống lại các biến chủng sau 6 tháng tiêm mũi vắc xin thứ 2”, các nhà nghiên cứu cho biết.

FDA phê duyệt tiêm liều vắc xin tăng cường cho người bị tổn thương hệ miễn dịch

Trong ngày 13.8, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã phê duyệt tiêm mũi vắc xin tăng cường cho người bị tổn thương hệ miễn dịch. Nhóm đối tượng này gồm người ghép tạng, ung thư. Mũi tăng cường sẽ sử dụng vắc xin của Pfizer và Moderna.

28virus-immunity-02-mediumsquareat3x.jpeg
Những người có hệ miễn dịch suy yếu là nhóm người cần tiêm thêm mũi vắc xin tăng cường để bổ sung kháng thể chống lại COVID-19 - Ảnh: Internet

Nhà dịch tễ học hàng đầu của Mỹ - Anthony Fauci cho rằng mũi vắc xin tăng cường không dành cho tất cả mọi người. Người già và những người khác không bị tổn thương hệ miễn dịch cũng không cần phải tiêm.

Theo các quan chức y tế, bệnh nhân thuộc nhóm bị tổn thương hệ miễn dịch sẽ không cần đơn thuốc hoặc chữ ký của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ để chứng minh họ bị suy giảm miễn dịch trước khi đi tiêm liều tăng cường.

Đan Thuỳ