PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Gói hỗ trợ mới có nhiều điểm khác và rất có ý nghĩa
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 07:15, 15/08/2021
6 tháng đầu năm, khoảng hơn 70.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Do vậy, việc miễn, giảm thuế là sự chia sẻ và hỗ trợ rất thiết thực của Nhà nước cho các doanh nghiệp. Theo điều tra mà VCCI tiến hành cuối năm 2020, các nhóm giải pháp hỗ trợ về thu ngân sách cũng là nhóm giải pháp có hiệu ứng và tác động tốt nhất với các doanh nghiệp.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Nhiều điểm mới trong chính sách hỗ trợ
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, các chính sách của năm 2020 được Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện là gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm các khoản thuế phí, lệ phí. Dự kiến trong năm 2021 khoản hỗ trợ là 118.000 tỉ đồng.
Bộ Tài chính đã rà soát và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong quý 3 và quý 4 thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn; giảm tiền thuê đất; giảm thuế giá trị gia tăng… Tổng gói chính sách hỗ trợ mới tiếp theo dự kiến là trên 20.000 tỉ đồng.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng gói hỗ trợ lần này ngoài việc tiếp tục các giải pháp hỗ trợ đã có thì có những điểm khác với các gói hỗ trợ trước.
Cụ thể, theo ông Thịnh, ngoài việc tiếp tục như miễn giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỉ đồng trong năm 2021, gói hỗ trợ mới này còn giảm số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động kinh doanh của quý 3 và quý 4 năm 2021 đối với hộ, cá nhân kinh doanh; giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một số nhóm lĩnh vực dịch vụ bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh; miễn tiền chậm nộp, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…
Ông Thịnh cho rằng điều này rất ý nghĩa bởi 6 tháng cuối năm nay ở hầu hết các địa bàn đều gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Gói này mở rộng việc miễn giảm thuế đến các hộ dân cư một cách cụ thể.
Tiếp theo, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết gói hỗ trợ có nội dung miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (2 năm ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19) đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020.
"Những doanh nghiệp không nộp được thuế dự tính trong 3 năm 2018, 2019, 2020 rất nhiều vì họ lỗ. Nếu chậm nộp, mỗi ngày phạt khoảng 0.03% thì số tiền đội lên khá lớn. Nếu được giảm, doanh nghiệp sẽ giảm được rất nhiều gánh nặng", ông Thịnh nói.
Ngoài ra, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc miễn giảm 30% thuế VAT cho một số dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải… cũng là một khoản miễn giảm lớn, góp phần thúc đẩy hoạt động sử dụng các dịch vụ này trong thời gian dịch COVID-19 kết thúc.
“Thuế VAT không trực tiếp đánh vào doanh nghiệp mà đánh vào người sử dụng hàng hóa. Khi miễn giảm thuế VAT thì đồng nghĩa với khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn các sản phẩm này”, ông Thịnh nêu và cho biết Chính phủ cũng đề nghị giảm tiền thuê nhà, tuy nhiên việc này tương đối khó thực hiện dù đây là cố gắng rất lớn của Bộ Tài chính, Chính phủ.
Nhận định về gói hỗ trợ này, ông Thịnh cho rằng chính sách miễn giảm lần này tương đối nhanh chóng, kịp thời và mang tính đột phá. Nhanh chóng vì việc bùng phát đại dịch lần 4 chỉ từ cuối tháng 4 và khi Bộ Tài chính có ý tưởng, Chính phủ đã nhanh chóng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp bắt tay vào thực hiện chính sách ngay để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng nhận định chính sách này cũng mang tính đột phá, vì nó vượt quá thẩm quyền của Chính phủ nên cần phải Quốc hội cho phép. Do đó, đây cũng là cố gắng của Bộ Tài chính, của Chính phủ.
Theo ông Thịnh, việc hỗ trợ này cũng có thể đến ngay được doanh nghiệp, vì doanh nghiệp hoàn toàn có thể tính toán được số thuế phải nộp, số thuế được trừ. Từ đó, họ dùng những khoản đó để chi dùng vào những việc khác. Để các gói hỗ trợ nhanh chóng và đạt hiểu quả tốt nhất, ông Thịnh nhấn mạnh rằng các thủ tục cần nhanh chóng, tinh gọn ở mức tối đa.
Giám sát việc giảm lãi suất có ý nghĩa quan trọng
Song song với chính sách tài khóa là chính sách tiền tệ. Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết Hiệp hội Ngân hàng (16 ngân hàng thương mại) có quy mô lớn nhất đã nhất trí và cam kết sẽ tiếp tục giảm lãi suất tiếp cho các nhóm đối tượng trên tinh thần "khó khăn ít thì giảm ít, khó khăn nhiều thì giảm nhiều". Các ngân hàng thương mại đã cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm thêm lãi suất gần 20.500 tỉ đồng.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, về lãi suất của các doanh nghiệp, ngay từ khi bùng phát dịch bệnh, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ các mức lãi suất. Trong năm 2020, NHNN đã hạ lãi suất điều hành và các ngân hàng thương mại thì hạ lãi suất cho vay. Mức giảm trung bình khoảng 1,2-1,5% trong năm 2020 so với mức lãi suất trước đó. 7 tháng đầu năm 2021, lãi suất đã giảm thêm khoảng 0,5% nữa.
Ngoài ra, theo ông Tú, 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước gồm: Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank đã đồng thuận và nhất trí sẽ giảm lãi suất vay thêm mỗi ngân hàng khoảng 1.000 tỉ đồng. Tổng cộng 4 ngân hàng sẽ giảm thêm 4.000 tỉ đồng cho một số địa phương như TP.HCM, Bình Dương và một số tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16 hiện nay. Đây đều là những nơi đang rất khó khăn nên sẽ tập trung giảm thêm.
Không chỉ công bố hỗ trợ, ông Tú cho biết NHNN còn khẳng định sẽ giám sát sự hỗ trợ này của các tổ chức tín dụng để đảm bảo tiền phải đến được với doanh nghiệp.
Bình luận về điều này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc NHNN giám sát có ý nghĩa quan trọng. Điều này cũng góp phần đưa việc hỗ trợ đến đúng người cần, đúng thời gian.
“Người ta có nhiều lý do để trì hoãn việc hỗ trợ. Do đó, NHNN mà giám sát được vấn đề này thì rất tốt. Hy vọng rằng việc giảm lãi suất của ngân hàng đi vào thực chất, giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn, phục hồi kinh doanh”, ông Thịnh nói.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”