Dẹp được Chế Bồng Nga, vua Trần lại gửi trứng cho ác
Giáo dục - Ngày đăng : 08:03, 03/02/2017
Kỳ 1: Nhà Trần từ 3 lần thắng Nguyên đến cuộc chiến với Chế Bồng Nga
Trong lúc chính sự triều Trần ngày một đi xuống, một nhân vật đặc biệt đã xuất hiện. Bấy giờ quyền thần Lê Quý Ly đã từng bước thâu tóm quyền lực vào tay mình, một tay che trời. Lê Quý Ly có tổ tiên là Hồ Hưng Dật, làm quan thái thú Diễn Châu cuối thời Bắc thuộc. Tổ bốn đời của Lê Quý Ly là Hồ Liêm làm con nuôi của Tuyên úy Lê Huấn xứ Thanh Hóa, từ đó đổi sang họ Lê. Quý Ly có hai người cô là vợ vua Trần Minh Tông, trong đó có một người là mẹ của cả ba vua Trần Hiến Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông. Vì thế Lê Quý Ly được coi là họ hàng thân thích với hoàng tộc, rất được Nghệ Tông tin dùng, do đó mà có cơ hội tiến thân, thăng dần đến chức Thái sư, Bình chương quân quốc trọng sự (chức quan đầu triều thời Trần), kết bè kết phái lũng đoạn việc chính trị. Từ lúc Trần Duệ Tông tử trận nơi xứ người, Nghệ Tông lập Trần Hiện lên ngôi. Thấy quyền uy của Lê Quý Ly lớn quá, vua mới lập mưu cùng Thái úy Trần Ngạc: “Thượng hoàng tin yêu ngoại thích là Quý Ly, cho hắn mặc sức làm gì thì làm. Nếu không lo trước đi thì sau sẽ rất khó chế ngự”. Có kẻ nghe việc ấy tiết lộ cho Quý Ly biết được, Quý Ly bèn ra tay trước. Nghe theo mưu kế của Phạm Cự Luận, Lê Quý Ly vào xin Thượng hoàng Trần Nghệ Tông che chở và gièm rằng: “Chưa có ai bán con để nuôi cháu, chỉ thấy bán cháu để nuôi con”. Nghệ Tông nghe lời gièm pha của Lê Quý Ly mà phế bỏ vua, giáng làm Linh Đức vương rồi giết chết. Sử gọi vua Trần Hiện là Trần Phế đế. Con của Trần Nghệ Tông lên ngôi vua, tức Trần Thuận Tông. Quyền hành bấy giờ thực tế nằm cả trong tay Thượng hoàng Trần Nghệ Tông và Lê Quý Ly.
Thượng hoàng Trần Nghệ Tông không nhận rõ dã tâm của Quý Ly, hết sức che chở. Tướng Nguyễn Đa Phương Quý tộc Trần Nhật Chương lập mưu giết Quý Ly, thượng hoàng biết được bèn xử Nhật Chương tội chết vì cho rằng Nhật Chương “có lòng khác”. Trong triều có Bùi Mộng Hoa dâng thư tấu “Thần nghe trẻ con có câu hát rằng: “Thâm hiểm thay Thái sư ho Lê”. Xem thế, Quý Ly nhất định có ý dòm ngó ngôi báu”. Nghệ Tông đem cả thư ấy cho Lê Quý Ly đọc, Mộng Hoa vì thế mà phải lẩn tránh khỏi quan trường.
Đến khi Trần Nghệ Tông sắp mất, triệu Lê Quý Ly vào nói riêng: “Bình chương là họ thân thích nhà vua, mọi việc nước nhà đều trao cho khanh cả . Nay thế nước suy yếu, trẫm thì già nua. Sau khi trẫm chết, Quan gia nếu giúp được thì giúp, nếu hèn kém ngu muội thì khanh cứ tự nhận lấy ngôi vua !”
Quý Ly đáp :"Lúc Linh Đức Vương [tức vua Trần Phế đế] làm điều thất đức, nếu không nhờ oai linh bệ hạ thì thần đã ngậm cười dưới đất rồi, còn đâu được tới ngày nay. Thần dù nát thịt tan xương cũng chưa hề báo đáp lấy một trong muôn phần ơn đức đó, dám đâu lại có lòng khác!"
Quý Ly lại thề độc trước Nghệ Tông rằng:"Nếu thần không biết dốc lòng trung, hết sức giúp Quan gia để truyền đến con cháu về sau thì trời sẽ ghét bỏ thần"
Lời của Thượng hoàng Trần Nghệ Tông và lời của Lê Quý Ly tuy nghe qua thì thật cao đẹp, khẩn thiết, nhưng xét bối cảnh và việc làm về sau thì rõ đây chỉ là những lời nói không thật lòng. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông thì muốn mượn lời để dò ý của Lê Quý Ly, Quý Ly thì dùng lời để che giấu cái dã tâm của mình.
Sau khi Nghệ Tông mất, hầu hết quyền hành vào tay Lê Quý Ly, tự xưng là Phụ Chính Cai Giáo Hoàng Đế (tức người phụ giúp và dạy bảo vua). Vua Trần Thuận Tông chỉ còn là bù nhìn. Những việc mà Lê Quý Ly làm sau khi Nghệ Tông mất hoàn toàn trái với lời thề. Các tôn thất họ Trần và quan lại chống đối lại đều bị Quý Ly giết hại.
Năm 1397, Lê Quý Ly cho xây dựng thành An Tôn (thuộc Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), bắt vua Trần Thuận Tông dời đô về đó, đổi trấn Thanh Hoa thành Thanh Đô. Quý Ly lại ép Thuận Tông phải nhường ngôi cho con mới 3 tuổi là Trần An, tức Trần Thiếu đế. Thuận Tông lại bị ép đi tu rồi cuối cùng bị Lê Quý Ly sai người giết chết. Trần Thiếu đế là cháu ngoại của Lê Quý Ly. Thực chất việc nhường ngôi này chỉ là một bước đà để Quý Ly cướp ngôi vua của họ Trần.
Năm 1399, Thượng tướng Trần Khát Chân cùng các quý tộc Trần Hãng, Trần Nhật Đôn, các quan Phạm Khả Vĩnh, Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bửu, Phạm Ông Thiện, Phạm Ngưu Tất… hiệp mưu ám sát Lê Quý Ly ở hội thề Đốn Sơn (thuộc Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Sự việc thất bại, Lê Quý Ly thoát chết. Những người dự mưu và có liên quan cả thảy 370 người bị giết, tịch thu gia sản. Những sự lùng giết, bắt bớ kéo dài mấy năm trời. Đây có thể coi là một cuộc đại thanh trừng cuối cùng của Lê Quý Ly đối với những thế lực chống đối.
Năm 1400, cuối cùng cuộc đổi ngôi cũng đã hoàn thành. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:
“Tháng 2, ngày 28 [Âm lịch], Quý Ly bức vua nhường ngôi và buộc người tôn thất và các quan ba lần dâng biểu khuyên lên ngôi. Quý Ly giả vờ cố tình từ chối nói: “Ta sắp xuống lỗ đến nơi rồi, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới đất nữa?”.
Rồi tự lập làm vua, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, quốc hiệu là Đại Ngu, đổi thành họ Hồ”.
Từ đây sử sách gọi là Hồ Quý Ly. Nhà Hồ thay thế nhà Trần. Vua Trần Thiếu đế bị giáng thành Bảo Ninh Đại Vương, vì là cháu ngoại của Hồ Quý Ly nên tránh khỏi họa sát thân.
Về việc Hồ Quý Ly soán ngôi nhà Trần, các sử sách phong kiến hầu hết đều đánh giá là không chính danh. Triều đại nhà Hồ bị gọi là “nhuận Hồ”, tức là triều phụ, không chính thức. Sử hiện đại có các nhìn cởi mở hơn, cho rằng việc nhà Hồ thay nhà Trần là tất nhiên lịch sử khi mà các vua cuối của nhà Trần đã trở nên bất lực với vận nước. Hồ Quý Ly nắm quyền bính trong tay, thực chất cũng đã ở vào thế leo lên lưng cọp.
Nhìn chung, mâu thuẫn giai cấp, sự xáo trộn về xã hội, kinh tế cuối triều Trần tuy có tồn tại nhưng không phải là nguyên nhân chính khiến họ Trần mất ngôi. Việc đổi ngôi xét cho cùng vẫn là kết quả của sự đấu đá nội bộ trong giới cai trị đất nước. Hồ Quý Ly đã thắng trong cuộc chiến chốn triều đình, nhưng trước mắt ông là muôn vàn khó khăn đang chờ đón. Họ Trần trải mấy trăm năm, uy tín trong dân rất lớn. Nhà Hồ lên ngôi không được chính danh, nhất thời khó khăn trong việc thu phục lòng dân. Bấy giờ Đại Việt đang trên đà suy yếu, cả một bộ máy hành chính đã thối nát từ gốc đến ngọn vì quản lý nhân sự lỏng lẻo. Trong khi đó, phía nam nước Chiêm Thành chực quấy nhiễu, phía bắc thì triều Minh mới thành lập đang sung sức và có ý nhòm ngó Đại Việt. Thế mới nói, soán ngôi vua đã khó, lo sao cho giữ ngôi được lâu bền, giữ nước được yên ổn càng không phải dễ.
Quốc Huy
10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất
22 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai
16 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ ba
18 phần về cuộc Bắc phạt thần thánh của Lý Thường Kiệt