Nguyên nhân nào khiến vốn đầu tư công thực hiện tháng 7 giảm?

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 10:20, 15/08/2021

Đại dịch COVID-19 bùng phát là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trong tháng 7.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Bộ KH-ĐT, tính chung 7 tháng năm 2021, tổng vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân đạt 398,6 nghìn tỉ đồng, bằng 86,4% kế hoạch vốn được giao.

Vốn ngân sách nhà nước (NSNN) giải ngân tính đến 31.7 đạt 169,3 nghìn tỉ đồng, bằng 36,7% kế hoạch, giảm 40,67% so với cùng kỳ năm 2020.

Có 7 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn và có 2 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

dau-tu-cong.jpg
Nhiều cơ quan trung ương chậm  giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh: Internet

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân của việc chậm giải ngân vốn đầu tư từ nguồn NSNN do công tác phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSNN tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương năm 2021 chậm, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, Tổng cục Thống kê cho rằng việc áp dụng chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị để chậm, muộn trong phân bổ ngân sách chưa quyết liệt.

Ngoài ra, nguyên nhân còn đến từ vướng mắc trong đầu tư chậm được xử lý như giải phóng mặt bằng, tái định cư tại một số dự án; một số dự án ODA vẫn đang trong quá trình hoàn thiện tủ tục gia hạn, hồ sơ thiết kế, thẩm định; dịch COVID-19 tại nhiều địa phương ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn của các dự án.

Với sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19, nhiều tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhiều dự án, công trình phải tạm dừng hoạt động do không đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động trong phòng chống dịch bệnh cũng như phải thực hiện giãn cách trên công trường.

“Đây là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trong tháng 7.2021”, Tổng cục Tống kê nêu.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 7 giảm 1,7% so với tháng trước và giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN của 19 địa phương phía nam thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 7 ước tính đạt 11,7 nghìn tỉ đồng, chiếm 30,6% tổng vốn và giảm 26,6% so với cùng kỳ năm trước (tháng 7.2020 đạt gần 16 nghìn tỉ đồng, chiếm 30,6% tổng vốn).

Kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn NSNN được giao của TP.HCM trong năm 2021 đạt 35,7 nghìn tỉ đồng, chiếm 7,51% kế hoạch vốn của cả nước. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, vốn đầu tư thực hiện của TP.HCM tháng 7 ước đạt 3,2% so với kế hoạch năm 2021, giảm 67,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra một số bất cập chưa thể khắc phục triệt để trong công tác giải phóng mặt bằng, chất lượng kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công còn nhiều hạn chế.

Cụ thể là chủ quan, lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công còn hạn chế; thể chế pháp luật về đầu tư công, xây dựng chưa điều chỉnh theo kịp yêu cầu thực tiễn; quy định về nguồn vốn ODA còn phải phụ thuộc vào quy định của nhà tài trợ gây chậm tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn này. Đặc biệt giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến trong thời gian qua cũng ảnh hưởng nhất định đến tiến độ thực hiện của nguồn vốn đầu tư công.

Để thực hiện và giải ngân được hết và có hiệu quả vốn đầu tư từ nguồn NSNN năm 2021 nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Tổng cục Thống kê cho rằng các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; rà soát kế hoạch phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.

Đồng thời, Tổng cục Thống kê cho rằng cần đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư công bằng cách kết hợp các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động theo đúng quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, Chính phủ cần chỉ đạo bộ ngành liên quan đưa ra các giải pháp hữu hiệu để kiểm soát giá thép trong nước; ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu; giải ngân cho từng chủ đầu tư và yêu cầu cam kết tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án.

Đặc biệt, Tổng cục Thống kê cho rằng cần ban hành chế tài nghiêm khắc đối với chủ đầu tư, chủ dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần phân công lãnh đạo trực tiếp chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ từng dự án để đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh; giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Một giải pháp nữa là chủ đầu tư, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục thanh toán giải ngân ngay khi có khối lượng hoàn thành, không để dồn đến cuối năm

Song song với đó, theo Tổng cục Thống kê, cần bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA. Nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị dự án, đảm bảo sẵn sàng khi dự án được phê duyệt.

Các bộ ngành cần tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp hữu hiệu để xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án; tăng cường năng lực, trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ làm công tác quản lý dự án, quan lý đầu tư.

Lam Thanh