TP.HCM nêu 4 phương pháp thay thế ‘3 tại chỗ’ cho doanh nghiệp

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:51, 16/08/2021

Trong thời gian giãn cách xã hội, TP.HCM sẽ tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng chống dịch theo 1 trong 4 phương án.

4 phương án sản xuất thay thế “3 tại chỗ”

Đây là một trong những chỉ đạo của UBND TP.HCM tại văn bản khẩn về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch từ ngày 15.8 đến 15.9 được Chủ tịch Nguyễn Thành Phong ký ngày 16.8.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu nâng tỷ lệ khoảng 5-10% doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại trong điều kiện an toàn phòng chống dịch. Đồng thời, thành phố tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch theo một trong 4 phương án.

Phương án 1: Doanh nghiệp tiếp tục thực hiện "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc phương án "3 tại chỗ theo kip" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).

Phương án 2: Doanh nghiệp tiếp tục thực hiện phương án "một cung đường 2 điểm đến" hoặc phương án "một cung đường, 2 điểm đến" mở rộng. Theo đó, doanh nghiệp tổ chức nhiều nơi lưu trú tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau và tổ chức đưa đón công nhân từ nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc.

Phương án 3: Doanh nghiệp tổ chức hoạt động theo phương châm "4 xanh" gồm người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh. Trong đó, "người lao động xanh" được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa "nơi làm việc xanh" và "nơi ở xanh" theo một "cung đường xanh". Người lao động không dừng, đỗ dọc đường và không đi ngang qua các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao và rất cao trong các khung giờ phù hợp".

Phương án 4: Doanh nghiệp có thể kết hợp các phương án nêu trên.

Đáng chú ý, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các doanh nghiệp trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu phòng chống, dịch theo quy định mới sẽ đăng ký với các cơ quan chức năng, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức theo quy định để được cho phép hoạt động theo các phương án trên kể từ sau ngày 15.8.

Đối với khâu sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu tiếp tục duy trì ổn định sản xuất theo các phương án phù hợp, không để chuỗi cung ứng, sản xuất lương thực thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế bị đứt gãy.

Đồng thời, doanh nghiệp cần tập trung chuẩn bị nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân từ nay đến hết tháng 9.2021, đảm bảo chuỗi cung ứng lưu thông hàng hóa thực phẩm cho hơn 10 triệu dân trên địa bàn thành phố với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý.

doanh-nghiep-tphcm.jpeg
Phương án "3 tại chỗ" bộc lộ nhiều bất cập sau 1 tháng doanh nghiệp TP.HCM áp dụng

Doanh nghiệp TP.HCM vừa làm vừa lo

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM, sau gần 1 tháng thực hiện “3 tại chỗ” thì doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đang vừa phải lo duy trì hoạt động nhà máy, thực hiện các đơn hàng đã ký kết với đối tác, vừa phải lo thuê người nấu nướng, lo chỗ ăn ở cho hàng trăm công nhân. Vấn đề này vô cùng khó khăn với doanh nghiệp và không thể kéo dài lâu do chi phí tăng cao và áp lực tâm lý nặng. Trong khi đó, người lao động không ổn định tâm lý, không muốn tiếp tục ở trong nhà máy hay khách sạn.

Trước khó khăn của nhiều doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Chu Tiến Dũng cho biết đơn vị này đã có 2 văn bản gửi đến UBND TP.HCM đề xuất tháo gỡ.

Theo ông Dũng, doanh nghiệp nếu không tiếp tục duy trì được sản xuất thì có thể sẽ mất thị trường. Do đó, ông cho rằng các doanh nghiệp cần đoàn kết nhiều hơn, tìm mọi cách để kết nối, để sử dụng nguồn sản phẩm đầu vào trong chuỗi cung ứng của nhau để làm sao bảo vệ được thị trường trong nước là rất cần thiết.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiêph khu công nghiệp TP.HCM nói rằng các doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao TP.HCM và các khu công nghiệp trong TP đề xuất cần cải tiến mô hình "3 tại chỗ" thành mô hình "2 tại chỗ, 1 vùng xanh" để công nhân có thể ăn uống, sản xuất tại chỗ nhưng về ngủ ở vùng xanh.

Theo đó, nơi ở của công nhân có thể là nhà riêng, nhà trọ, khách sạn… nhưng phải nằm trong vùng xanh đã được doanh nghiệp khảo sát để thuận tiện cho xe đưa đón tập trung thông qua một cung đường nhưng nhiều điểm đón. Doanh nghiệp sẽ phối hợp với địa phương để hỗ trợ, củng cố vùng xanh.

Để quản lý công nhân, các doanh nghiệp ở Khu công nghệ cao TP đề xuất cài app khi công nhân về vùng xanh. Công nhân sẽ được doanh nghiệp xét nghiệm 2 lần/5 ngày.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề xuất mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ tận dụng mặt bằng trống là nhà xưởng bỏ trống, nhà văn hóa…. ở các khu công nghiệp, khu chế xuất để thành lập bệnh viện dã chiến hoặc khu thu dung phòng chống dịch bệnh để xử lý nhanh khi ở doanh nghiệp có F0, F1 và giảm tải cho các bệnh viện ở ngoài.

Hồ Đông