CureVac cùng GSK phát triển vắc xin thế hệ 2 có khả năng chống biến thể Delta, Beta, Lambda
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:40, 16/08/2021
Hôm 16.8, công ty GlaxoSmithKline (GSK) và CureVac cho biết kết quả phân tích máu của khỉ macaque cho thấy vắc xin thế hệ tiếp theo có tên CV2CoV đã kích hoạt các kháng thể chống lại vi rút cũng như các tế bào miễn dịch nhắm vào các tế bào bị nhiễm nhanh hơn và với số lượng lớn hơn so với ứng cử viên vắc xin thế hệ đầu tiên của CureVac (CVnCoV).
Họ cho biết sự gia tăng các kháng thể và tế bào miễn dịch tương tự như những gì được quan sát thấy sau khi thực sự nhiễm SARS-CoV-2.
Hai hãng này cho biết kháng thể trung hòa cao hơn đã được tìm thấy ở vắc xin CV2CoV, có tác dụng chống các biến chủng Delta, Beta và Lambda.
Khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ban đầu (được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc), khỉ được tiêm vắc xin CV2CoV có khả năng thanh thải vi rút trong phổi và đường mũi tốt hơn so với CVnCoV.
Các kết quả vẫn chưa được đánh giá ngang hàng để xuất bản trên một tạp chí y khoa.
Trước đó, CureVac cho biết vắc xin CVnCoV chỉ có hiệu quả 47% trong thử nghiệm giai đoạn cuối, thất bại trong mục tiêu chính của nghiên cứu và gây nghi ngờ về khả năng cung cấp hàng trăm triệu liều cho Liên minh châu Âu (EU).
Vắc xin này của CureVac từng được kỳ vọng sẽ giúp ích cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, những nơi bị tụt hậu xa so với các nước giàu có hơn trong nỗ lực tiêm chủng toàn cầu.
Vắc xin thế hệ thứ hai kết hợp với GSK là nỗ lực của CureVac nhằm phát triển sản phẩm có hiệu quả cao chống lại các biến thể SARS-CoV-2. Theo hãng tin Reuters, CureVac đã báo cáo kết quả tài chính hàng quý vào ngày 16.8 với cổ phiếu giao dịch tại Mỹ tăng 9,5% .
GSK và CureVac đã hợp tác vào tháng 2 trong một thoả thuận trị giá 150 triệu euro (177 triệu USD) để phát triển vắc xin COVID-19 thế hệ tiếp theo đạt mục tiêu chống lại các biến thể chỉ với một mũi tiêm duy nhất bắt đầu từ năm sau.
Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2000, CureVac có trụ sở tại thành phố Tuebingen (Đức) đã tập trung vào cái gọi là mRNA, công nghệ cũng đứng sau thành công của BioNTech (Đức) và đối tác Pfizer (Mỹ) cũng như Moderna (Mỹ) với vắc xin chứng minh hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa COVID-19.