CEO Pfizer nêu hiệu quả chống chủng Delta vượt trội của liều vắc xin thứ 3, đề xuất tiêm cho mọi người
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:01, 17/08/2021
Ngày 16.8, hãng Pfizer (Mỹ) cho biết người được tiêm liều vắc xin thứ 3 tạo phản ứng miễn dịch mạnh hơn chống biến thể Delta so với những người chỉ tiêm hai mũi.
Giám đốc điều hành Pfizer - Albert Bourla chia sẻ: “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy liều vắc xin thứ 3 tạo ra mức kháng thể vượt qua đáng kể mức được thấy ở hai liều vắc xin chính. Chúng tôi vui mừng gửi những dữ liệu này cho FDA để tiếp tục giải quyết những thách thức của đại dịch COVID-19 tạo ra”.
Công ty đã đệ trình những phát hiện của mình lên FDA như một phần trong đơn đăng ký mở rộng hướng dẫn lâm sàng cho vắc xin, cho phép mọi người đều được tiêm nhắc lại.
Nghiên cứu này cho thấy rằng liều vắc xin thứ 3 được sử dụng trong vòng 8 – 9 tháng sau mũi vắc xin ban đầu tạo ra mức độ kháng thể trung hoà chống lại SARS-CoV-2 gốc cũng như những biến thể nguy hiểm như Delta, Beta.
Ngày 28.7, Pfizer thông báo dữ liệu cho thấy liều vắc xin thứ 3 của hãng có thể tăng cường mạnh mẽ khả năng bảo vệ chống lại biến thể Delta.
Dữ liệu cho thấy mức độ kháng thể chống lại biến thể Delta ở những người từ 18 đến 55 tuổi được tiêm liều vắc xin Pfizer thứ 3 cao hơn 5 lần so với liều thứ 2. Trong số những người từ 65 đến 85 tuổi, mức độ kháng thể chống lại biến thể Delta sau khi tiêm liều vắc xin thứ 3 cao hơn 11 lần so với liều thứ 2.
Các nhà nghiên cứu ghi chép rằng việc tiêm mũi 3 Pfizer dự tính có khả năng tăng kháng thể gấp 100 lần để đối phó với biến thể Delta so với trước khi tiêm. Dữ liệu cũng cho thấy mức độ kháng thể cao hơn nhiều ở liều thứ 3 so với liều thứ 2 chống lại SARS-CoV-2 ban đầu và biến thể Beta (lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi).
Pfizer cho rằng việc tiêm 3 liều vắc xin sẽ tạo khả năng bảo vệ tốt hơn trước biến thể Delta hiện lây nhanh tại nhiều nước trên thế giới.
Trước đó, Pfizer cho biết hiệu quả của vắc xin giảm dần theo thời gian. Trích dẫn một nghiên cứu cho thấy hiệu quả bị giảm xuống 84% so với mức đỉnh 96% trong 4 tháng sau mũi vắc xin thứ hai. Một số quốc gia bao gồm cả Israel đã triển khai kế hoạch tiêm liều vắc xin thứ 3 cho người dân. Tuy nhiên, quyết định tiêm liều vắc xin thứ 3 ở một số nước giàu đã vấp phải sự chỉ trích của các nhà hoạt động y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
WHO đã kêu gọi các nước giàu ngưng tiêm liều vắc xin thứ 3 cho đến ít nhất cuối tháng 9.
Tuần trước, FDA đã cấp phép tiêm liều vắc xin thứ 3 cho những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, trong khi các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden đề xuất liều vắc xin này là cần thiết cho tất cả người dân nói chung.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ - Tiến sĩ Anthony Fauci tin rằng “sớm hay muộn người dân sẽ cần phải tiêm liều vắc xin thứ 3 để được bảo vệ lâu dài”.