Đồng Nai mới tiêm được gần 400.000 liều vắc xin phòng COVID-19

Sự kiện - Ngày đăng : 10:10, 17/08/2021

Cộng dồn từ đợt tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên, toàn tỉnh Đồng Nai mới tiêm được 366.745 liều vắc xin phòng COVID-19.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ ngày 29.7 đến 6 giờ sáng 16.8, các địa phương trong tỉnh mới tiêm được hơn 285,4 ngàn liều vắc xin/tổng số 311.260 liều vắc xin phòng COVID-19 đợt 4, còn hơn 25,8 ngàn liều vắc xin đang được các địa phương đẩy nhanh tốc độ để sớm hoàn thành.

Cộng dồn từ đợt tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên, toàn tỉnh Đồng Nai mới tiêm được 366.745 liều vắc xin phòng COVID-19. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin đợt 5 với tổng số 157 ngàn liều, hoàn thành sớm nhất có thể để chuẩn bị cho đợt tiêm thứ 6.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc tiêm vắc xin chậm thời gian qua, trước hết là do khâu lập kế hoạch, phân bổ vắc xin chậm. 3 đợt tiêm vắc xin đầu tiên thực hiện tiêm nhanh do các đối tượng tiêm thuộc diện ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, chủ yếu là các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Số lượng vắc xin của 3 đợt đầu cũng chưa nhiều nên triển khai tiêm nhanh.

Đến đợt 4, Đồng Nai được cấp số lượng vắc xin lớn (hơn 311 ngàn liều). Thời điểm này, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3355/QĐ-BYT về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022 gồm 16 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin thay vì 9 nhóm đối tượng ưu tiên như trước kia. Trong đó, có thêm các nhóm đối tượng như: người lao động tự do; các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch; cán bộ hưu trí… Do đó, công tác lập kế hoạch, phân bổ vắc xin cho các đơn vị, doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian.

Ngoài ra, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở chỉ được phân bổ vắc xin từ 20-50% tổng số người lao động, cán bộ, nhân viên… của toàn đơn vị nên việc lập danh sách và gửi danh sách tiêm vắc xin về cho Sở Y tế rất chậm. Từ đó, kéo theo việc triển khai tiêm cho các huyện, thành phố, đơn vị sở, ngành chậm.

Một trong những lý do quan trọng khác là thiếu nhân lực y tế trầm trọng. Lực lượng y tế phải phân tán lực lượng làm nhiều nhiệm vụ khác như: chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện, khu cách ly; tham gia công tác điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm; thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, khám, chữa bệnh thông thường tại các bệnh viện, cơ sở y tế…, dẫn đến nhân lực tham gia công tác tiêm chủng rất hạn chế. Nhiều địa phương như: Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch thiếu nhân lực trầm trọng nên số bàn tiêm không nhiều, dẫn đến số người được tiêm thấp. Cũng vì hạn chế số lượng bàn tiêm, địa điểm tiêm dẫn đến người dân tập trung đông tại các điểm tiêm, không đảm bảo quy định 5K trong phòng, chống dịch, nhất là quy định về giãn cách.

Một vấn đề khác là khâu nhập liệu trên hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 chậm trễ. Người được tiêm chủng phải điền đầy đủ nhiều thông tin liên quan như số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, địa chỉ nơi ở, đối tượng tiêm, số điện thoại, số thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để nhập lên hệ thống tiêm chủng. Chỉ cần thiếu một dữ liệu thông tin hoặc nhập không khớp thông tin sẽ ảnh hưởng đến tiến độ nhập dữ liệu trên hệ thống. Ở nhiều cơ sở tiêm chủng, nhân viên y tế phải nhập dữ liệu thủ công, tốn nhiều thời gian, công sức. Vì thế mà không có thời gian để nghỉ ngơi, ảnh hưởng đến chất lượng, số lượng buổi tiêm tiếp theo.

Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều địa phương đặt ra những yêu cầu vô lý như bắt người đi tiêm vắc xin phải có giấy xét nghiệm âm tính; không cho người thuộc diện tiêm chủng đang ở trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế ra ngoài để đi tiêm vắc xin…, gây bức xúc cho người dân, làm chậm tiến độ tiêm chủng.

Để khắc phục những hạn chế trên, tại cuộc họp mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã yêu cầu Sở Y tế rút kinh nghiệm trong công tác lập kế hoạch, phân bổ vắc xin. Đồng thời, huy động tối đa nhân lực y tế, đặc biệt là y tế ngoài công lập để tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19. Huy động nhân lực, máy tính từ các sở, ngành, địa phương để tham gia công tác nhập liệu lên hệ thống tiêm chủng.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã đề xuất với tỉnh phương án hợp tác với các cơ sở tiêm chủng tư nhân để đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Một số địa phương như TP. Biên Hòa chủ trương để các doanh nghiệp tự thỏa thuận, ký hợp đồng với các cơ sở tiêm chủng tư nhân, dựa trên số lượng vắc xin được phân bổ để tiêm cho người lao động của doanh nghiệp. Trong đó, kinh phí phục vụ công tác tiêm chủng do hai bên tự thỏa thuận, doanh nghiệp trả tiền chứ không thu của người lao động.

theo báo Đồng Nai