Lại viết về mít Nghĩa Hành

Ẩm thực và dinh dưỡng - Ngày đăng : 12:27, 17/08/2021

Tôi đã có lần viết về mít Nghĩa Hành. Nay lại xin viết thêm.

Mít Nghĩa Hành sở dĩ thơm ngon, trước tiên là nhờ thung thổ. Nghĩa Hành là vùng đất bán sơn địa, nghiêng về phía đồng bằng nhiều hơn. Mít là giống không ưa vùng trũng, nên trồng ở đất bán sơn địa hơi nghiêng về đồng bằng là thích hợp.

Những năm gần đây, bà con Nghĩa Hành bắt đầu trồng nhiều giống mít Thái. Mít Thái Lan mang tính phố cập thị trường cao hơn, do độ lớn trái mít vừa phải, múi mít khô, thơm và ngọt vừa phải, dễ ăn, dễ bán.

Nhưng mít truyền thống (gọi là mít bản địa) lại có những ưu thế riêng của nó. Mít bản địa phù hợp với hệ sinh thái bản địa, đã sinh sống trên vùng đất quen thuộc từ cả nghìn năm nhưng không thoái hóa, vậy là đã khẳng định về độ bền vững của sức sống. Mít bản địa quả to, khi chín có mùi thơm rất đặc trưng, múi mít căng mọng, dù là mít ráo, và độ ngọt khá cao nhưng lại “vừa miệng” người bản địa.

Chính mùi thơm quyến rũ của mít bản địa khiến giống mít này không bị mai một. Không thơm gắt như sầu riêng, mít bản địa thơm rất dễ chịu, những ai thích ăn mít đều nghiện mùi thơm này. Khi mít chín, chủ vườn biết ngay độ chín của quả mít chỉ qua mùi thơm, và bao giờ cũng hái trái vừa đúng độ chín, khiến quả mít chín cây là chính, không bị chín ép.

Hiện nay, mít Thái ở Nam Bộ đang có giá và có thương hiệu, đã lên “sàn chứng khoán… mít”, giá cả được đo đếm hằng ngày, thông tin hằng ngày trên truyền thông. Đó là lợi thế rất lớn để bán sản phẩm. Nhưng về chất lượng sản phẩm, tôi nghĩ, mít bản địa, nhất là mít Nghĩa Hành không thua gì mít Thái, có khi còn vượt trội về hương vị. Nên coi mít Nghĩa Hành là đặc sản, và đối xử với sản phẩm này như một đặc sản. Nếu mít Thái có ưu thế phổ biến và dễ “lên sàn thương mại”, thì mít bản địa, nhất là mít Nghĩa Hành, lại có ưu thế của một loại trái cây đặc sản, có độ tuổi cả nghìn năm. Gỗ mít bản địa cũng là một đặc sản, rất có giá trong xây dựng nội thất, đóng bàn ghế, đóng cửa gỗ. Cả cây mít không có cái gì không sử dụng được, cái gì cũng có ích, thậm chí là có giá tốt.

Trồng mít không khó, có thể trồng ở những vùng đất đồi, đất tương đối dốc, cây vẫn sống tốt và cho quả ngon ngọt.

Cây mít bản địa lại có tuổi thọ cao, vì thế gỗ mít được đánh giá cao trong sản xuất đồ gỗ.

Khi cây mít bản địa không quá kén chọn đất sống, thì tôi nghĩ, có những vùng đất “cao và khó” vẫn trồng được mít. Quả mít bản địa vẫn được đón nhận ở các chợ, từ quê lên thành phố, thế cũng là được trong “đầu ra”. Có thể dự đoán, chẳng bao lâu nữa, giá mít bản địa ở các chợ sẽ tăng, không phải tăng ồ ạt, tăng chậm, nhưng vẫn tăng. Đó vẫn là một thu nhập ổn định cho người làm vườn. Xu hướng tìm về những quả cây truyền thống là xu hướng có thật, và đang tăng dần lên.

Nhân đây cũng nói thêm, tôi đã ăn nhiều loại hạt, hạt trong nước có, ngoài nước có, nhưng tôi nhận thấy, không có loại hạt nào thơm ngon như hạt mít bản địa. Đó là điều rất đáng ngạc nhiên. Nếu khoa học tính ra độ bổ dưỡng của hạt mít, tôi tin loại hạt này sẽ có giá trị thương mại không hề thấp.

Tôi vừa được các bạn Nghĩa Hành quê ngoại tôi tặng cho một quả mít bản địa chín cây. Khi còn chưa bổ ra, để trong nhà mà mùi thơm đã khiến mình suốt đêm khó ngủ. Tôi nghĩ, quả mít ấy xứng đáng là nhuận bút cho bài viết này.  

Mít bản địa là thế, cứ mộc mạc dân dã mà sống cùng dân Việt đã nghìn năm.          

Nhà thơ Thanh Thảo