"Oằn lưng" vì gánh nặng chi phí, doanh nghiệp muốn được miễn, giảm tiền thuê mặt bằng
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:56, 17/08/2021
Doanh nghiệp “oằn lưng” vì gánh nặng chi phí
Chưa kịp phục hồi sau 3 đợt dịch COVID-19 trước thì làn sóng dịch thứ 4 ập đến đã tiếp tục bào mòn “sức khỏe” nhiều doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn, trong khi thị trường chưa thể hồi phục vì giãn cách xã hội. Đặc biệt, khi nguồn lực dự trữ đang cạn dần, các doanh nghiệp vẫn phải mang gánh nặng chi phí như thuê mặt bằng, lương nhân viên… và hàng loạt chi phí không tên khác.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, bà Nguyên, một công ty cung cấp về vật liệu xây dựng ở Bình Phước, mong muốn Chính phủ có chính sách miễn, giảm tiền thuê mặt bằng cho doanh nghiệp trong thời gian giãn cách.
Theo bà Nguyên, thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội, doanh nghiệp của bà không thể kinh doanh, trong khi vẫn phải trả lương cho nhân viên, chi phí mặt bằng và nhiều khoản chi phí khác. Trong đó, riêng chi phí mặt bằng mỗi năm đã gần 400 triệu.
“Doanh nghiệp chấp hành chỉ thị đóng cửa để phòng chống dịch, không có doanh thu. Nếu Chính phủ có chính sách kêu gọi các chủ mặt bằng miễn, giảm tiền thuê trong thời gian giãn cách sẽ hạn chế được thiệt hại cho doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn sau đại dịch”, bà Nguyên nói.
Chị Phạm Loan có mặt bằng cho thuê kinh doanh thời trang tại Hà Nội, cho biết đợt dịch trước đã giảm giá 50% cho khách thuê và khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, chị cũng giảm tiền thuê mặt bằng. Lý do là các cơ sở kinh doanh này phải đóng cửa trong thời gian giãn cách, không có doanh thu trong khi vẫn phải chịu nhiều chi phí khác. Việc giảm tiền cho thuê là cách chia sẻ khó khăn và gắn bó lâu dài với người thuê.
Qua khảo sát, hầu hết người thuê mặt bằng kinh doanh đều mong muốn được miễn, giảm tiền thuê mặt bằng trong thời gian giãn cách xã hội. Một chủ cửa hàng kinh doanh cà phê tại Hà Nội cũng cho biết người cho thuê đã chủ động giảm tiền thuê mặt bằng trong các đợt dịch vừa qua, giúp anh tiết kiệm chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng. “Đây là sự hỗ trợ rất kịp thời và ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch hiện nay”, chủ cơ sở kinh doanh này cho hay.
Không chỉ phía chủ nhà mà các doanh nghiệp lớn cũng giảm giá thuê mặt bằng cho khách hàng. Năm ngoái, một công ty có chuỗi thương mại công bố dành 300 tỉ đồng hỗ trợ các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn hệ thống. Tỷ lệ hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp được xem xét, đánh giá theo mức độ bị ảnh hưởng của các vùng và ngành kinh doanh của doanh nghiệp để quyết định.
Đồng thời, công ty này cũng xây dựng chương trình khuyến mại phát hành các voucher ưu đãi, khuyến mại cho khách hàng tới mua sắm, thu hút khách đến trung tâm mua sắm.
Một doanh nghiệp lớn khác cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng từ 20-40% tại các dự án do tập đoàn và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư, thời gian hỗ trợ cũng sẽ linh động tuỳ thuộc vào diễn biến của dịch COVID-19.
Với nhiều cơ sở kinh doanh, gánh nặng chi phí đã khiến họ phải trả lại mặt bằng. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, các chủ mặt bằng cũng khó có thể tìm được khách thuê mới. Trên khắp các trang mạng xã hội, hội nhóm bất động sản tràn ngập thông tin cho thuê hoặc sang nhượng cửa hàng tại các địa điểm đắc địa ở Hà Nội như phố cổ, Chùa Bộc, Hai Bà Trưng Kim Mã …
Giảm tiền thuê mặt bằng là hỗ trợ thiết thực
Các chuyên gia kinh tế nhận định, tác động của dịch COVID-19 rõ ràng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các ngành, trong đó ngành dịch vụ đã thấy rõ rệt nhất. Do vậy, việc các chủ đầu tư trung tâm thương mại hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng là hành động thiết thực hỗ trợ đơn vị giảm lỗ, giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh.
Nói với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết nhiều cơ sở kinh doanh mong muốn được giảm tiền thuê mặt bằng, đây là mong muốn chính đáng. Chính phủ có thể kêu gọi việc miễn, giảm tiền thuê nhà, mặt bằng, điều này rất có ý nghĩa và thiết thực đối với doanh nghiệp.
Dù vậy, theo ông Thịnh, đây là hợp đồng dân sự giữa 2 bên nên Chính phủ cũng chỉ có thể kêu gọi, còn chủ yếu vẫn là 2 bên giải quyết tình cảm với nhau là chính.
Các chuyên gia cũng nhìn nhận rằng giữa người thuê và người cho thuế có mối quan hệ cộng sinh với nhau, do đó nếu san sẻ cho nhau lúc khó khăn thì có thể gắn bó với nhau được lâu dài. Nếu người đi thuê chịu gánh nặng quá lớn về tài chính thì họ khó có thể tiếp tục duy trì kinh doanh, phải trả mặt bằng. Trong bối cảnh dịch bệnh, người cho thuê cũng khó tìm được người thuê mới, hoặc có tìm được thì giá cho thuê cũng phải giảm đi.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản quý 2/2021 của Colliers Việt Nam, tại TP.HCM, trong khu vực trung tâm hành chính, giá thuê trung bình tại các trung tâm thương mại giảm 15% trong thời gian diễn ra dịch bệnh, từ 3,1 triệu đồng/m2/tháng còn 2,64 triệu đồng/m2/tháng, với tỷ lệ trống trung bình khoảng 1,5%.
Giá thuê trung bình ở khu vực ngoài trung tâm có mức giảm sâu hơn, khoảng 30% trong thời gian diễn ra dịch bệnh, từ 805.000 đồng/m2/tháng còn 563.000 đồng/m2/ tháng, tỷ lệ trống trung bình khoảng 14%.
Tương tự, tại Hà Nội giá thuê trung bình tại các trung tâm thương mại cũng giảm nhẹ trong giai đoạn diễn ra dịch bệnh. Theo đó, trong khu vực trung tâm hành chính, giá thuê được ghi nhận giảm 10%, từ gần 2,5 triệu đồng /m2/tháng còn 2,25 triệu đồng/m2/tháng, tỷ lệ trống trung bình khoảng 11%.
Về phân khúc nhà phố cho thuê, cả TP.HCM và Hà Nội, giá thuê mặt bằng nhà phố giảm từ ít nhất 20-50% so với giá trước khi diễn ra dịch bệnh.