Trẻ nhỏ có thể mang lượng vi rút cao hơn và lây truyền COVID-19 trong gia đình nhiều hơn thiếu niên
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:10, 17/08/2021
Theo nghiên cứu này, trẻ sơ sinh và mới biết đi ít có khả năng đem vi rút SARS-CoV-2 về nhà hơn so với thanh thiếu niên. Thế chung, trẻ nhỏ có thể mang lượng vi rút SARS-CoV-2 cao hơn và tỷ lệ phát tán vi rút cho người nhà nhiều hơn thiếu niên.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics hôm 16.8, không giải quyết được cuộc tranh luận đang diễn ra về việc liệu trẻ em mắc COVID-19 có lây bệnh như người lớn hay không, song chứng tỏ rằng ngay cả trẻ nhỏ vẫn có thể đóng một vai trò nào đó lây truyền bệnh.
Zoe Hyde, nhà dịch tễ học tại Đại học Tây Úc, cho biết: “Nghiên cứu này cho thấy ngay cả những đứa trẻ nhỏ tuổi nhất cũng dễ dàng làm lây lan vi rút. Điều quan trọng với tôi là nó cho thấy rõ ràng có sự lây truyền từ trẻ em sang cho các thành viên trong gia đình. Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải suy nghĩ nghiêm túc về việc mở cửa lại các trường học một cách an toàn”.
Trong những tháng đầu của đại dịch COVID-19, một số nhà khoa học cho rằng trẻ nhỏ hiếm khi nhiễm COVID-19 và làm lây truyền vi rút sang cho người khác. Song, những quan sát này có thể chưa hoàn toàn đúng vì hầu hết trẻ em có giao tiếp xã hội ít hơn trong khoảng thời gian này.
Tiến sĩ Tina V.Hartert, nhà dịch tễ học đường hô hấp tại Đại học Vanderbilt, cho biết: “Tôi nghĩ họ đã chủ quan vì thực tế khoảng thời gian đó hầu hết trẻ em đều phải ở trong nhà. Chúng được khuyến cáo là không nên giao tiếp với hàng xóm, không được đi học, đi nhà trẻ”.
Nghiên cứu mới do các nhà nghiên cứu tại Public Heath Ontario thực hiện dựa trên hồ sơ về các ca mắc COVID-19 ở tỉnh Ontario. Các nhà nghiên cứu đã xác định tất cả xét nghiệm dương tính liên quan đến các hộ gia đình, sau đó xác định “trường hợp chỉ định” – người đầu tiên có triệu chứng mắc COVID-19 hoặc xét nghiệm dương tính trong mỗi hộ gia đình.
Họ tập trung vào 6.280 hộ gia đình, trong đó có người đầu tiên nhiễm vi rút dưới 18 tuổi, sau đó tìm kiếm các trường hợp thứ phát hoặc những người khác trong cùng nhà mắc bệnh trong hai tuần sau khi đứa trẻ đầu tiên bị nhiễm bệnh.
Trong hầu hết các trường hợp, các nhà nghiên cứu nhận thấy chuỗi lây truyền đã dừng lại ở đứa trẻ mắc COVID-19, song trong 23,3% hộ gia đình, trẻ em đã lây truyền vi rút sang ít nhất một người thân trong gia đình.
Thiếu niên có nhiều khả năng mang vi rút SARS-CoV-2 về nhà nhất: Từ 14 đến 17 tuổi chiếm 38% tổng số các trường hợp. Trẻ em từ 3 tuổi trở xuống là đối tượng mắc COVID-19 đầu tiên trong 12% số hộ gia đình nhưng là đối tượng có khả năng lây lan vi rút sang những người khác trong nhà cao nhất. Tỷ lệ lây truyền trong gia đình cao hơn khoảng 40% khi đứa trẻ mắc COVID-19 từ 3 tuổi trở xuống so với lứa 14 – 17 tuổi.
Các chuyên gia y tế cho biết phát hiện này có thể là kết quả của sự khác biệt về hành vi giữa trẻ em mới biết đi và thiếu niên.
Tiến sĩ Susan E. cho biết: “Khi chúng tôi nghiên cứu về hành vi xã hội của thiếu niên và nhận thấy rằng chúng dành nhiều thời gian để chơi đùa với nhau. Chúng cũng hay chạm vào nhau và uống chung đồ uống”.
Tiến sĩ Coffin, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, cho rằng những hành vi đó có thể khiến thanh thiếu niên có nhiều khả năng nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và mang về nhà.
Mặt khác, trong khi có thể ít giao tiếp xã hội bên ngoài gia đình,
trẻ rất nhỏ có xu hướng tiếp xúc thân thể gần gũi với những người khác trong gia đình, ngoài việc thường xuyên đưa tay và các đồ vật khác vào miệng, điều này có thể giúp lây lan vi rút. “Một khi mang về nhà chúng có thể dễ dàng làm lây lan vi rút”, Tiến sĩ Coffin nói.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những đứa trẻ nhỏ tuổi có thể mang lượng vi rút nhiều hơn hoặc có tỷ lệ phát tán vi rút cao hơn so với thiếu niên. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dù trẻ nhỏ hiếm khi bị bệnh nặng nhưng chúng có thể mang lượng vi rút tương tự hoặc thậm chí cao hơn so với người lớn. Dù tải lượng vi rút không phải là yếu tố dự báo hoàn hảo về khả năng lây nhiễm COVID-19 nhưng dữ liệu cho thấy rằng trẻ em có thể có khả năng lây nhiễm như người lớn.
Thế nhưng, động lực của sự lây truyền rất phức tạp và vai trò chính xác của trẻ em trong việc lây lan vi rút vẫn chưa chắc chắn.
“Bất kể cuộc tranh luận như thế nào, tôi nghĩ chúng ta có thể tin rằng việc trẻ em có thể làm lây truyền vi rút có ý nghĩa về mặt lâm sàng”, Tiến sĩ Hyde nói.
Theo các chuyên gia, dù trẻ em dưới 12 tuổi chưa đủ điều kiện để tiêm vắc xin nhưng việc đảm bảo rằng mọi người trong gia đình đều được tiêm chủng có thể giúp hạn chế sự lây lan.
Trường học và nhà trẻ cũng có thể giúp ngăn ngừa các bé nhiễm bệnh ngay từ đầu bằng cách thực hiện chặt chẽ những biện pháp phòng ngừa như tránh tiếp xúc gần, tạo hệ thống thông gió tốt và đeo khẩu trang cho chúng. Hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị đeo khẩu trang cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.
Tiến sĩ Coffin cho biết việc yêu cầu giữ khoảng cách giữa người chăm sóc và trẻ mắc COVID-19 là khó thực hiện nhưng họ có thể đảm bảo tốt về mặt vệ sinh khi chăm sóc trẻ. “Việc sử dụng khăn giấy, vứt bỏ chúng ngay sau khi sử dụng cũng như rửa tay ngay sau khi lau mũi cho con trẻ là tất cả những việc mà cha mẹ của những đứa trẻ bị bệnh hoặc có nguy cơ cao nhiễm bệnh có thể làm để giúp hạn chế sự lây lan vi rút trong gia đình”, cô nói.