Thêm 9.605 ca mắc mới, quân đội chủ động phương án chống dịch cho Hà Nội và TP.HCM
Sự kiện - Ngày đăng : 19:15, 17/08/2021
Tính từ 18 giờ ngày 16.8 đến 19 giờ ngày 17.8, Bộ Y tế ghi nhận 9.605 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 9.595 ca ghi nhận trong nước
Trong đó, tại TP.HCM (3.559), Bình Dương (3.332), Long An (581), Tiền Giang (411), Đồng Nai (298), Cần Thơ (172), Đồng Tháp (170), Khánh Hòa (139), Đà Nẵng (124), Tây Ninh (88), Trà Vinh (79), Bà Rịa - Vũng Tàu (79), Vĩnh Long (76), Phú Yên (71), Hà Nội (61), Bình Thuận (55), Sóc Trăng (44), An Giang (33), Kiên Giang (31), Gia Lai (26), Đắk Lắk (24), Bắc Ninh (20), Hà Tĩnh (19), Nghệ An (16), Bình Định (12), Thanh Hóa (12), Ninh Thuận (11), Quảng Nam (11), Bến Tre (10), Quảng Ngãi (5), Quảng Trị (5), Lào Cai (4), Bạc Liêu (3), Lạng Sơn (3), Lâm Đồng (3), Bình Phước (3), Cà Mau (2), Thái Bình (1), Thái Nguyên (1), Thừa Thiên Huế (1), trong đó có 4.465 ca trong cộng đồng.
Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 951 ca. Tại TP.HCM tăng 218 ca, Bình Dương tăng 810 ca, Long An giảm 18 ca, Tiền Giang tăng 259 ca, Đồng Nai giảm 290 ca.
Cũng trong chiều 17.8, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận thêm 2 ca dương tính COVID-19, nâng tổng số ca trong ngày lên 60 ca. Đáng chú ý nhất vẫn là 12 ca phát hiện trong cộng đồng bị lây nhiễm COVID-19, đây cũng chính là những người bệnh mà Sở Y tế Hà Nội đang cố gắng truy vết, sàng lọc để mau chóng dập dịch.
Tính đến 17.8, TP.HCM đang có 43.730 F0 điều trị tại nhà và có 1.993 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo). Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 13.939 người. F1 đang cách ly tập trung: 3.278 trường hợp; F1 đang được cách ly tại nhà: 16.103 người.
TP.HCM cũng đang thực hiện cách ly F1, F0 không triệu chứng và đủ điều kiện xuất viện về nơi cư trú. Các bệnh nhân này cần được giám sát, chăm sóc sức khỏe tại nhà với sự hỗ trợ của các tổ phản ứng nhanh tại địa phương.
Tính đến nay, TP.HCM có 154.759 ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 400 người nhập cảnh. Đã có 75.589 bệnh nhân xuất viện tính từ ngày 1.1 đến nay . Trong ngày không phát hiện thêm ổ dịch mới, có 28 ổ dịch đang diễn tiến đã được khoanh vùng, giám sát.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) đã xây dựng phương án bảo đảm quân y trong phòng, chống dịch COVID-19 nhằm chủ động giữ an toàn cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Bên cạnh đó, Cục Quân y cũng tăng cường xe cứu thương cho các tỉnh phía Nam. Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phan Văn Giang cũng yêu cầu Tổng cục Hậu cần phải chỉ đạo ưu tiên tiêm cho những lực lượng tham gia chống dịch để bảo đảm thời gian vắc xin có hiệu lực.
"Quân khu 7 phải tập hợp xe cứu thương của chính Quân khu và một số đơn vị trên địa bàn quân khu do Bộ Tổng tham mưu chủ trì để đảm bảo xe cứu thương cho TPHCM có ngay trong ngày 16-17.8. Các Quân khu 1, 2, 3, kể cả các quân đoàn, quân chủng, binh chủng, Bộ đội biên phòng... cũng nghiên cứu để hỗ trợ cho Quân khu 5, 7, 9 và những quân khu trong vùng dịch. Tôi rất mong các đồng chí làm tốt việc này, đề nghị Tổng cục Chính trị và Bộ Tổng tham mưu phối hợp có đợt phát động để chung tay vì cộng đồng" - Bộ trưởng Phan Văn Giang cho hay.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quân y cho biết quân đội đã huy động tổng quân số hơn 1.500 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có trên 400 người tham gia 22 chốt phòng, chống dịch COVID-19. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103 và Bệnh viện Bỏng quốc gia sẽ sẵn sàng triển khai 300-500 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng, nguy kịch ở mỗi bệnh viện. Bệnh viện Quân y 354, 105 và Viện Y học Cổ truyền Quân đội, sẵn sàng mỗi cơ sở triển khai 300-500 giường bệnh điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ vừa và nặng; đồng thời tăng cường 135 tổ lấy mẫu, 82 tổ tiêm, 27 tổ hồi sức khi Hà Nội có nhu cầu.