Sản xuất và tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL đang gặp khó
Sự kiện - Ngày đăng : 20:42, 17/08/2021
Theo Sở Nông nghiệp & PTNT TP.Cần Thơ, đến thời điểm này, lúa hè thu đã thu hoạch xong. Dự kiến tháng 9, đầu tháng 10 sẽ thu hoạch xong lúa thu đông, ước đạt sản lượng 300.000 tấn. Trên địa bàn Cần Thơ có 24 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trực tiếp, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, lượng lúa cần phải tiêu thụ trong thời gian tới của tỉnh khoảng 1,4 triệu tấn. Để tạo điều kiện cho thị trường lúa gạo, đối với phương tiện vận chuyển lúa không có quy định giờ, mà được vận chuyển suốt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thương lái. Vì hiện nhiều tỉnh phân biệt vùng xanh, vùng đỏ; mà vùng xanh và đỏ khó qua lại với nhau. Các địa phương trong vùng cần tạo điều kiện hợp lý cho phương tiện đường thủy, đường bộ thu mua vận chuyển lúa.
Tỉnh Đồng Tháp, diện tích gieo sạ lúa hè thu là gần 130.000 ha, hiện đã thu hoạch được hơn 85% diện tích. Bước sang tháng 9 này, lúa vụ thu đông địa phương cũng bước vào thời điểm thu hoạch rộ, ước sản lượng thu hoạch hơn 390.000 tấn.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, trên địa bàn tỉnh có hơn 180 doanh nghiệp lương thực, hiện đã có 150 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do chưa đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”. Lượng lúa, gạo tồn kho của các doanh nghiệp này còn khá nhiều với hơn 135.000 tấn. Lúa gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, các thương lái thu mua chủ yếu là ở tỉnh Tiền Giang, Long An, An Giang… chiếm khoảng 70%. Do đó, rất cần các tỉnh lân cận hỗ trợ cho thương lái, vận chuyển, xay xát…
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp các tỉnh thành: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ, vụ lúa hè thu này, còn khoảng 3 triệu tấn lúa nhưng đến nay gặp ách tắc trong khâu thu hoạch và vận chuyển, dẫn đến giá lúa thấp. Giá lúa hiện trung bình 5.500- 6.000 đồng/kg.
Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết địa phương đang phấn đấu cố gắng xây dựng "vùng xanh" tại 4 huyện của tỉnh. Đồng thời, thống nhất với 4 tỉnh trong việc hỗ trợ, tạo thuận lợi cho nông dân, thương lái, công nhân phương tiện trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển… không để chuỗi ngành hàng lúa gạo bị đứt gãy.
Trung tuần tháng 8.2021, UBND tỉnh An Giang phối hợp UBND các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, TP.Cần Thơ và Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) tổ chức cuộc họp trực tuyến để tìm giải pháp kết nối tiêu thụ lúa. Cuộc họp đã thống nhất kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành mở rộng vốn tín dụng đối với các doanh nghiệp thu mua lúa gạo.
Tại Đồng Tháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp có văn bản yêu cầu các chi nhánh ngân hàng thương mại đảm bảo vốn tín dụng phục vụ thu mua, tạm trữ lúa gạo trên địa bàn tỉnh.
Bức xúc trước việc thu mua lúa gạo tạm trữ, xuất khẩu, ngày 12.8, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có văn bản “hỏa tốc” gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị tạo thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc gạo, hàng hóa.
Nội dung công văn số 4889/BCT-XNK của Bộ Công thương nêu rõ: Để góp phần hỗ trợ cho các doanh nhân, doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh thóc gạo trong bối cảnh dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 5747/NHNN-TD ngày 10.8.2021 đề nghị các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL bảo đảm vốn tín dụng phục vụ thu mua, tạm trữ thóc, gạo tại khu vực ĐBSCL.
Trước đó, tại cuộc họp của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương với VFA và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp cũng đã nêu rõ những khó khăn, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan có chính sách hỗ trợ. Trong đó, các doanh nghiệp đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét và chỉ đạo khối Ngân hàng Thương mại Nhà nước hỗ trợ các thương nhân xuất khẩu gạo được vay thêm theo hình thức tín chấp, hoặc tăng thêm hạn mức tín dụng với lãi suất được hỗ trợ nhằm mở rộng điều kiện thu mua, tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu 2021.