Taliban thề tôn trọng quyền phụ nữ nhưng theo luật Hồi giáo, Phó tổng thống Afghanistan không đầu hàng
Quốc tế - Ngày đăng : 22:52, 17/08/2021
Sau cuộc tấn công chớp nhoáng trên khắp Afghanistan khiến nhiều thành phố rơi vào tay quân nổi dậy mà không phản kháng, Taliban đã tìm cách thể hiện mình ôn hòa hơn so với khi áp đặt chế độ cai trị tàn bạo cuối những năm 1990. Thế nhưng, nhiều người Afghanistan vẫn hoài nghi và hàng ngàn người đã chạy đến sân bay ở thủ đô Kabul vào ngày 17.8 trong tuyệt vọng để trốn khỏi đất nước.
Các thế hệ lớn tuổi còn nhớ quan điểm Hồi giáo cực đoan của Taliban, bao gồm những hạn chế nghiêm trọng với phụ nữ cũng như công khai ném đá và cắt cụt chân, trước khi họ bị lật đổ bởi cuộc chiến do Mỹ lãnh đạo sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001.
Như những người khác đã làm trong những ngày gần đây, phát ngôn viên Zabihullah Mujahid đã xoa dịu những lo ngại này ngay trong cuộc họp báo đầu tiên của ông hôm 17.8.
Zabihullah Mujahid, nhân vật mờ ám trong nhiều năm, đã hứa rằng Taliban sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ nhưng trong các quy tắc của luật Hồi giáo. Ông Zabihullah Mujahid cho biết Taliban muốn các phương tiện truyền thông tư nhân "duy trì tính độc lập", nhưng nhấn mạnh các nhà báo "không nên làm việc chống lại các giá trị quốc gia".
Zabihullah Mujahid hứa với quân nổi dậy sẽ đảm bảo an ninh cho Afghanistan nhưng không tìm cách trả thù những người từng làm việc với chính phủ cũ cũng như các chính phủ hoặc lực lượng nước ngoài.
Trước đó, Enamullah Samangani, thành viên ủy ban văn hóa của Taliban, cũng đưa ra lời hứa tương tự, nói rằng Taliban sẽ gia hạn “lệnh ân xá” mà không đưa ra thông tin chi tiết và khuyến khích phụ nữ tham gia chính phủ.
Thủ đô Kabul vẫn yên tĩnh trong một ngày nữa khi Taliban tuần tra trên đường phố và nhiều người dân ở nhà, lo sợ sau khi quân nổi dậy tiếp quản các nhà tù trống rỗng và cướp phá vũ khí.
Nhiều phụ nữ đã bày tỏ sự sợ hãi rằng cuộc thử nghiệm kéo dài hai thập kỷ của phương Tây nhằm mở rộng quyền của họ và tái tạo Afghanistan sẽ không thể tồn tại trước Taliban đang trỗi dậy.
Trong khi đó, Đức đã ngừng viện trợ phát triển cho Afghanistan do Taliban tiếp quản. Những khoản viện trợ như vậy là nguồn tài trợ quan trọng cho đất nước này, trong khi những nỗ lực của Taliban tạo ra một phiên bản nhẹ nhàng hơn của chính họ có thể nhằm đảm bảo rằng tiền tiếp tục chảy về.
Taliban cam kết sẽ không truy lùng kẻ thù. Rộ tin các chiến binh có trong danh sách hợp tác với chính phủ đang bị truy lùng.
Một phát thanh viên ở Afghanistan cho biết cô đang trốn tại nhà một người họ hàng, quá sợ hãi nên không thể trở về nhà để làm việc sau khi có báo cáo rằng quân nổi dậy cũng đang tìm kiếm các nhà báo. Cô nói rằng bản thân mình và những phụ nữ khác không tin rằng Taliban đã thay đổi đường lối của họ. Cô nói với điều kiện giấu tên vì lo lắng cho sự an toàn của mình.
Enamullah Samangani cố giải quyết mối quan tâm của phụ nữ, nói rằng Taliban sẵn sàng “cung cấp cho phụ nữ môi trường làm việc, học tập và sự hiện diện của họ trong các cơ cấu chính phủ khác nhau theo luật Hồi giáo, phù hợp với các giá trị văn hóa của chúng tôi”.
Đó sẽ là sự khởi đầu rõ rệt so với lần cuối cùng Taliban nắm quyền, khi phụ nữ bị giam giữ phần lớn trong nhà của họ.
Trong dấu hiệu khác cho thấy những nỗ lực của Taliban về việc khắc họa một hình ảnh mới, nữ phát thanh viên truyền hình của đài truyền hình tư nhân Tolo đã phỏng vấn một quan chức Taliban trên máy quay vào ngày 17.8 trong studio - tương tác mà trước đây không thể tưởng tượng nổi.
Trong khi đó, những người phụ nữ mặc áo trùm kín mít đã biểu tình nhanh gọn ở Kabul, cầm những tấm biển yêu cầu Taliban không "loại bỏ phụ nữ" khỏi cuộc sống công cộng.
Rupert Colville, phát ngôn viên của Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc, đã ghi nhận cả lời thề của Taliban và nỗi sợ hãi hàng ngày của người Afghanistan.
Ông nói: “Những lời hứa như vậy sẽ cần được tôn vinh và trong thời điểm hiện tại - một lần nữa, có thể hiểu được, với lịch sử quá khứ - những tuyên bố này đã được chào đón với một số hoài nghi. Đã có nhiều tiến bộ khó giành được về nhân quyền trong hai thập kỷ qua. Quyền của tất cả người dân Afghanistan phải được bảo vệ”.
Đức đã đình chỉ viện trợ phát triển cho Afghanistan, ước tính khoảng 250 triệu euro (294 triệu USD) cho năm 2021. Các khoản tài trợ khác được chuyển riêng cho các dịch vụ an ninh và viện trợ nhân đạo. Thụy Điển cho biết sẽ làm chậm viện trợ cho Afghanistan, nhưng Anh cam kết tăng.
Ngoại trưởng Anh - Dominic Raab cho biết viện trợ nhân đạo có thể tăng 10%. Ông cho biết ngân sách viện trợ sẽ được điều chỉnh lại cho các mục đích phát triển, nhân đạo và Taliban sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền nào vốn trước đây dành cho an ninh.
Trong khi đó, sân bay quốc tế ở Kabul, lối thoát duy nhất cho nhiều người, đã mở cửa trở lại cho các chuyến bay sơ tán quân sự dưới sự giám sát của quân đội Mỹ.
Tất cả các chuyến bay đã bị đình chỉ vào 16.8 khi hàng ngàn người đổ xô đến sân bay. Trong những cảnh gây sốc được ghi lại trên video, một số người đã bám vào một chiếc máy bay khi nó cất cánh và sau đó rơi xuống đất tử vong. Các quan chức Mỹ cho biết ít nhất 7 người chết trong hỗn loạn tại sân bay.
Cuối ngày 17.8, Taliban đã tiến sân bay, nã đạn vào không trung để xua đuổi khoảng 500 người ở đó, một quan chức Afghanistan giấu tên cho biết.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc - John Kirby cho biết các chỉ huy Mỹ tại sân bay đang liên lạc với các thủ lĩnh Taliban để giữ cho cuộc không vận tiếp tục, đồng thời nói thêm rằng không có hành động thù địch nào của Taliban.
Tuy nhiên có những dấu hiệu cho thấy tình hình vẫn không ổn định. Đại sứ quán Mỹ tại Kabul, hiện hoạt động từ sân bay, kêu gọi người Mỹ đăng ký sơ tán trực tuyến nhưng không đến sân bay trước khi được liên lạc.
Bộ Ngoại giao Đức cho biết một máy bay vận tải quân sự đầu tiên của nước này đã hạ cánh xuống Kabul, nhưng nó chỉ cất cánh với 7 người trên khoang do tình trạng hỗn loạn tiếp tục diễn ra. Một chiếc máy bay khác rời đi sau đó với 125 người.
Trên khắp Afghanistan, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế cho biết hàng ngàn người đã bị thương trong các cuộc giao tranh khi Taliban tràn qua đất nước những ngày gần đây, trước kế hoạch rút quân cuối cùng của Mỹ vào cuối tháng.
Tương tự Tổng thống Mỹ - Joe Biden, Tổng thư ký NATO - Jens Stoltenberg đã đổ lỗi cho sự sụp đổ nhanh chóng của đất nước là do sự thất bại từ lãnh đạo Afghanistan. Song, ông nói thêm rằng liên minh cũng phải phát hiện ra những sai sót trong nỗ lực đào tạo quân đội Afghanistan.
Phó tổng thống thứ nhất của Afghanistan tự nhận là lãnh đạo lâm thời, thề không đầu hành Taliban
Các cuộc đàm phán tiếp tục diễn ra hôm 17.8 giữa Taliban và một số quan chức chính phủ Afghanistan, bao gồm cả cựu Tổng thống Hamid Karzai và Abdullah Abdullah, người từng đứng đầu hội đồng đàm phán của đất nước.
Các cuộc thảo luận tập trung vào việc một chính phủ do Taliban thống trị sẽ hoạt động như thế nào với những thay đổi ở Afghanistan trong 20 năm qua, thay vì chỉ phân chia ai kiểm soát bộ nào, các quan chức am hiểu về các cuộc đàm phán cho biết.
Một thủ lĩnh hàng đầu của Taliban, Mullah Abdul Ghani Baradar, đã đến thành phố Kandahar (Afghanistan) vào đêm 17.8 từ Qatar. Sự xuất hiện của Mullah Abdul Ghani Baradar có thể báo hiệu một thỏa thuận đã gần kề.
Thế nhưng trong một trường hợp phức tạp có thể xảy ra, Amrullah Saleh, Phó tổng thống thứ nhất của chính phủ Afghanistan bị lật đổ, hôm 17.8 đã tuyên bố trên Twitter rằng ông là lãnh đạo lâm thời hợp pháp.
Amrullah Saleh cho biết, theo hiến pháp, ông phải chịu trách nhiệm vì Tổng thống Ashraf Ghani đã bỏ trốn khỏi đất nước.
"Theo hiến pháp của Afghanistan, khi tổng thống vắng mặt, chạy trốn, từ chức hoặc thiệt mạng, phó tổng thống thứ nhất trở thành tổng thống lâm thời. Tôi đang có mặt tại đất nước của mình và là tổng thống lâm thời hợp pháp. Tôi đang liên hệ với tất cả lãnh đạo để đảm bảo sự ủng hộ và đồng thuận của họ", ông Amrullah Saleh viết trên Twitter.
Tổng thống Ghani hôm 15.8 rời Afghanistan tới Tajikistan cùng Cố vấn An ninh Quốc gia Hamdullah Muhib và Chánh văn phòng Tổng thống Fazel Mahmood Fazli, khi lực lượng Taliban tiến đến cửa ngõ thủ đô Kabul. Một số nghị sĩ Afghanistan, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Mir Rahman Rahmani, được cho là cũng đã di tản đến thủ đô Islamabad của Pakistan.
Trong một chuỗi các thông điệp đăng trên mạng xã hội Twitter, ông Amrullah Saleh cho biết việc tranh luận với Tổng thống Joe Biden, người quyết định rút các lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan, là vô ích.
Ngoài ra, ông Amrullah Saleh cũng cho hay, không giống Mỹ và NATO, "chúng tôi vẫn chưa mất hết tinh thần và thấy nhiều cơ hội lớn phía trước. Những cảnh báo vô ích đã kết thúc, hãy tham gia phong trào kháng chiến".
Chưa rõ đang ở đâu, Phó tổng thống Amrullah Saleh khẳng định ông sẽ không bao giờ "đầu hàng trước Taliban trong mọi trường hợp".