Mỹ định tiêm liều 3 cho hầu hết dân, chuyên gia nêu lý do vắc xin Pfizer/Moderna giảm hiệu quả
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:07, 18/08/2021
Động thái này có vẻ trái ngược so với khuyến nghị trước đó của chính phủ liên bang khi cho rằng chỉ những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng mới cần phải tiêm liều vắc xin thứ ba tăng cường.
Một số chuyên gia cho rằng đây là quyết định hợp lý khi một số dữ liệu cho thấy mức độ bảo vệ chống lại COVID-19 của một số vắc xin phổ biến như Pfizer và Moderna đang có dấu hiệu suy giảm. Thế nhưng, một số chuyên gia lại lo lắng rằng không có đủ nghiên cứu thực tế để triển khai một đợt tiêm vắc xin tăng cường trên diện rộng, đặc biệt là khi có rất nhiều người trên toàn cầu vẫn chưa được tiêm mũi nào.
Các cơ quan liên bang cho biết vào ngày 12.8 rằng liều vắc xin tăng cường không cần thiết với hầu hết người dân Mỹ nhưng chính quyền đã báo hiệu một sự thay đổi có thể xảy ra trong tuần này.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, nói với tờ USA TODAY hôm 6.8 rằng hiệu quả của vắc xin đang giảm dần theo thời gian và cuối cùng việc tiêm mũi tăng cường là cần thiết. “Tất cả chúng ta đều biết rằng điều này chỉ là sớm hay muộn, có thể là người già sẽ được tiêm trước người trẻ. Đó chỉ là cách hoạt động của hệ thống miễn dịch”, ông Anthony Fauci nói.
Tuần trước, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt mũi vắc xin tăng cường cho những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng vì cơ thể của họ không có khả năng tạo ra kháng thể bảo vệ chống lại COVID-19, sẽ dùng vắc xin của Pfizer đầu tiên và sau đó là Moderna.
Ngày 16.8, hãng dược Pfizer cũng đã đệ trình lên FDA dữ liệu từ thử nghiệm giai đoạn đầu nhằm nhấn mạnh việc nên tiêm liều vắc xin tăng cường cho hầu hết người dân.
Việc thúc đẩy tiêm mũi vắc xin tăng cường diễn ra trong bối cảnh các báo cáo từ Israel và một số nghiên cứu khác cho thấy mức kháng thể bảo vệ do vắc xin tạo ra giảm mạnh sau 6-8 tháng.
Các báo cáo trên trang web của Bộ Y tế Israel cho thấy hiệu quả chống lại COVID-19 của vắc xin Pfizer giảm mạnh xuống 40 -50% sau 6 tháng. Báo cáo từ Qatar và Mayo Clinic cũng cho kết quả tương tự.
“Hiệu quả đã giảm xuống từ 40% - 50%, trong khi vắc xin từng có hiệu quả đến 95%”, Tiến sĩ Eric Topol, Phó chủ tịch nghiên cứu tại Scripps Research ở La Jololla (California), cho biết.
Điều này cũng có nghĩa là nhiều nhân viên chăm sóc sức khoẻ và người già tại các viện dưỡng lão, những người đầu tiên được tiêm chủng tại Mỹ có thể gần như không được bảo vệ nhiều.
Tiến sĩ Eric Topol nhấn mạnh rằng các loại vắc xin đang được sử dụng tại Mỹ vẫn có hiệu quả mạnh mẽ trong việc ngăn các ca bệnh nặng và tử vong.
Tiến sĩ Gregory Poland, Giám đốc Nhóm nghiên cứu vắc xin của Mayo Clinic (Mỹ), cho biết không chắc chắn rằng mức độ kháng thể suy giảm đồng nghĩa với việc tất cả những người đã tiêm vắc xin Pfizer và Moderna sẽ có nguy cơ nhiễm COVID-19 đột phá.
Để trả lời cho điều này, ông Gregory Poland nói cần phải có thêm dữ liệu. Tiến sĩ Gregory Poland cho biết còn quá sớm để đưa ra thông báo về việc tiêm mũi vắc xin tăng cường cho những người đã được tiêm chủng sớm.
“Chúng ta có đang thấy mọi người mắc bệnh đến mức phải nhập viện không? Nếu có và họ còn đang làm lây truyền bệnh thì đây là một sự biện minh đủ lớn cho một chiến dịch tiêm chủng khổng lồ với 328 triệu vắc xin”, ông Gregory Poland chia sẻ.
Trước khi chiến dịch tiêm chủng này được thực hiện, FDA sẽ cần phải cấp phép đầy đủ cho vắc xin hai liều và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) sẽ phải cân nhắc vì điều đó.
Hiệu quả vắc xin Pfizer, Moderna giảm do khoảng thời gian giữa 2 mũi tiêm ngắn?
Người ta vẫn chưa biết lý do vì sao vắc xin mRNA trở nên kém hiệu quả hơn theo thời gian, nhưng Tiến sĩ Eric Topol tin rằng đó có thể là kết quả của lịch trình dùng thuốc ngắn mà Mỹ đã chọn. Loạt vắc xin hai liều được tiêm cách nhau 3 tuần với mũi tiêm Pfizer và 4 tuần với Moderna.
Mỹ đã áp dụng khoảng thời gian giữa hai liều vắc xin Pfizer - BioNTech và Moderna như trong các thử nghiệm của họ. Khoảng thời gian ngắn có thể không cho phép các tế bào B và T bộ nhớ trong cơ thể phát triển mạnh mẽ như chúng có thể nếu khoảng thời gian đó dài hơn.
Cung cấp liều tăng cường cho người suy giảm miễn dịch có ý nghĩa vì những bệnh nhân đó có thể có ít hoặc không đáp ứng với hai liều vắc xin. Thế nhưng, những người có hệ thống miễn dịch bình thường vẫn được bảo vệ tốt để chống lại bệnh tật nặng và tử vong, theo Tiến sĩ Monica Gandhi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giáo sư y khoa tại Đại học California, San Francisco.
Bà Monica Gandhi nói: “Tế bào T bảo vệ chúng ta khỏi bệnh tật nghiêm trọng và tế bào T được tạo ra bởi vắc xin đang hoạt động tốt một cách đáng kinh ngạc, với hơn 99% trường hợp nhập viện là ở những người trưởng thành không được tiêm chủng ở Mỹ”.
Tiến sĩ Monica Gandhi cho biết liều tăng cường của vắc xin thế hệ đầu không hữu ích chống lại Delta và các biến thể SARS-CoV-2 khác vì chúng được thiết kế cho chủng SARS-CoV-2 ban đầu, loại vi rút gây ra COVID-19.
"Các kháng thể được tạo ra từ protein đột biến của mRNA hoặc DNA ban đầu (từ vắc xin J&J) sẽ không thích nghi với các biến thể", bà Monica Gandhi nói .
Bà Monica Gandhi lưu ý rằng có một giải pháp thay thế đơn giản và rẻ tiền cho tiêm vắc xin tăng cường là đeo khẩu trang.
"Phần lớn các đột phá về triệu chứng trong số những người được chủng ngừa là nhẹ, có thể được ngăn ngừa bằng khẩu trang vừa vặn và có khả năng lọc", bà Monica Gandhi nói.
Tiến sĩ Gandhi cũng gợi ý rằng các nỗ lực của chính quyền Biden tốt hơn có thể tập trung vào việc tiêm vắc xin cho 40% người Mỹ đủ điều kiện nhưng chưa tiêm.
Bà nói: “Họ đang mang gánh nặng của hầu hết bệnh COVID-19 nghiêm trọng ở đất nước này”.
Đó có phải điều đúng đắn để làm?
Những người khác nói rằng với nhiều nơi trên thế giới vẫn chưa được tiêm vắc xin, Mỹ nên dành nguồn lực của mình để chuyển vắc xin cho những người còn thiếu..
Lawrence Gostin, Giáo sư luật tại Georgetown và là Giám đốc Trung tâm hợp tác về Luật y tế quốc gia và toàn cầu của WHO, cho biết: “Nếu vắc xin không khan hiếm, một kế hoạch tăng cường ở Mỹ sẽ hoàn toàn hợp lý, dù nó sẽ yêu cầu thông điệp về sức khỏe cộng đồng rõ ràng để thông báo về vắc xin vẫn hoạt động và những người chưa được tiêm chủng vẫn nên nhận chúng. Nhưng chúng ta không chỉ nói về Mỹ. Chúng ta đang nói về một đại dịch toàn cầu. Hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thậm chí còn chưa tiêm vắc xin cho nhân viên chăm sóc sức khỏe của họ và ở đây chúng ta đang nghĩ đến việc tiêm liều thứ ba cho toàn bộ dân số của mình”.
WHO đã kêu gọi các nước giàu không tiêm liều nhắc lại trước khi ít nhất những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới được tiêm chủng.
“Đó là một cái tát vào mặt. Nó gửi một tín hiệu về sự thiếu quan tâm đến phần còn lại của thế giới", ông Lawrence Gostin nói.
Thay vào đó, ông đề nghị Mỹ chỉ tập trung vào liều tăng cường cho những người dễ bị tổn thương nhất, những người bị suy giảm miễn dịch và nhân viên chăm sóc sức khỏe.
"Nếu chúng ta làm điều đó, đồng thời cam kết một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu lớn, chúng ta sẽ bảo vệ dân số của chính mình nhưng cũng cho thấy chúng ta nhận ra rằng mọi người đều quan tâm đến việc giữ an toàn cho họ", ông nói.
Ông Lawrence Gostin nói thêm, các biến thể SARS-CoV-2 tiếp theo rất có thể đến từ bên ngoài Mỹ, nên việc chủng ngừa toàn cầu rất quan trọng trong lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.