Thời đại Đông A, con người Đông A

Giáo dục - Ngày đăng : 21:40, 12/03/2017

Cả ba lần xua quân sang xâm lược, cả ba lần quân Nguyên Mông – đạo quân xâm lược khét tiếng hung hãn từng tung hoành từ Á sang Âu thời đó – phải chịu thất bại một cách nhục nhã.

Thời Trần (1225 – 1400) được xem là một thời đại huy hoàng trong lịch sử dân tộc. Sử gia đời sau đánh giá: “Triều Lý nhân ái, triều Trần anh hùng”. Trong gần hai trăm năm trị vì với mười hai đời vua, triều Trần đã tạo nên những chiến công hiển hách trong kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ đất nước cũng như trong xây dựng và phát triển quốc gia phong kiến độc lập tự chủ. Lịch sử mãi mãi ghi nhận vương triều Trần như một triều đại hào hùng bậc nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Văn chương mãi mãi ngợi ca thời Trần như một thời đại mang vẻ đẹp khó gặp lại ở đời sau - thời đại “nhất khứ bất phục phản”.

Năm 938, Ngô Vương đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt thảm cảnh nghìn năm nô lệ giặc Tàu. Các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê tuy ngắn ngủi nhưng đã đặt được những nền móng đầu tiên cho việc xây dựng nhà nước phong kiến Đại Việt độc lập so với Trung Hoa. Đặc biệt, trải qua 215 năm xây dựng và phát triển dưới triều Lý, đến triều Trần, nước Đại Việt đã trở thành một quốc gia cường thịnh. Một mặt phát huy những truyền thống vốn có từ hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, mặt khác kiến tạo thêm những giá trị mới mang hơi thở thời đại, triều Trần đã đưa dân tộc bước vào giai đoạn trùng hưng với khí thế hồ hởi chưa từng có. Những tiềm năng của dân tộc được hồi sinh mạnh mẽ, nội lực dân tộc được phát huy hết chiều kích tạo nên những thành tựu nổi bật về nhiều phương diện.

Thời Trần, với sự lãnh đạo của những vị vua anh minh thần võ như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông; với tài năng của các tướng lĩnh như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật… và đặc biệt là với sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, muôn người như một hừng hực chung một hào khí Đông A, chúng ta đã tạo nên những kì tích trong công cuộc bảo vệ tổ quốc. Cả ba lần xua quân sang xâm lược, cả ba lần quân Nguyên Mông – đạo quân xâm lược khét tiếng hung hãn từng tung hoành từ Á sang Âu thời đó – phải chịu thất bại một cách nhục nhã.

Giai cấp phong kiến thời Trần là một lực lượng tiến bộ, trở thành đại biểu của nhân dân. Với chủ trương thân dân, trọng dân, nó quy tụ được sức mạnh toàn dân tộc trong kháng chiến chống ngoại xâm cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước. Lúc này, khoảng cách giữa triều đình phong kiến và quần chúng gần gũi, hòa nhã đến mức các vua Trần đích thân xuống ruộng cày những luống cày tịch điền để khuyến khích nông nghiệp, vua quan cùng nhân dân cầm tay nhau nhảy múa trong những hội hè, đình đám cổ truyền. Chính không khí cởi mở, đầm ấm ấy đã tạo nên một đời sống thanh bình, an vui “Muôn dân ca hát vui thời thịnh trị” (Triệu tính âu ca lạc thịnh thì – Trần Nguyên Đán). Giáo sư Đặng Thai Mai nhận xét: “Từ cung điện nhà vua qua dinh thự các quan đến làng mạc người dân chưa có những đường hào ngăn cách một cách quá nghiêm khắc như sau này. Chưa có một bệ rồng xa thẳm và lộng lẫy, chưa có những thành quách cao dày, những hào lũy sâu thẳm, chưa có những kiến trúc nguy nga, những luật lệ gang sắt… con người biết sống một đời sống tích cực, vui vẻ”. [1]

Với mặt tích cực ấy, triều Trần đã lãnh đạo đất nước phát triển một cách toàn diện về mọi mặt: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa… đưa nước Đại Việt thời Trần trở thành một quốc gia phồn thịnh. Về quân sự, ba lần đánh tan quân Nguyên - Mông để “ non sông nghìn thuở vững âu vàng”. Về chính trị, tạo ra vị thế bình đẳng với Trung Hoa , khiến các nước lân bang phải vị nể. Về văn hóa, tạo dựng được một nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc với một tầm vóc văn hóa khiến cả người Trung Hoa cũng phải ngợi ca. Nguyên sứ Trương Hiển Khanh một lần sang sứ Đại Việt đã phải trầm trồ thán phục: “ An Nam tuy tiểu văn chương tại/ Vị khả khinh đàm tỉnh đế oa” ( Nước An Nam tuy nhỏ nhưng có văn chương/ Không thể nói một cách nông cạn họ là ếch ngồi đáy giếng). Văn học thời Trần cũng có những bước phát triển mới so với văn học thời Lý, đưa thơ từ chỗ trừu tượng, cao siêu đến chỗ gần gũi, bình dị và giàu ý vị trữ tình.

Từ thực tế trên, có thể nói thời Trần là một thời đại anh hùng. Chỉ có thời ấy mới tạo ra được con người ấy – những con người mang trong mình vẻ đẹp nhân văn sâu sắc. Lê Quý Đôn, học giả uyên bác thế kỉ XVIII đã nhận xét về con người thời Trần trong phần Tài Phẩm, sách Kiến văn tiểu lục như sau: “Đấy là những người trong trẻo, cứng rắn, cao thượng , thanh liêm có phong độ như sĩ quân tử thời Tây Hán, thật không phải người tầm thường có thể theo kịp được. Bởi vì nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ, cho nên nhân vật trong thời ấy có chí khí tự lập, hào hiệp, cao siêu, vững vàng vượt ra ngoài thói thường, làm rạng rỡ sử sách , trên không hổ với trời, dưới không thẹn với đất”.

Nhận xét trên của Lê Quý Đôn đã thâu tóm được một cách sâu sắc bản lĩnh và khí tiết của con người thời Trần. Hào khí Đông A cùng với khí thế hồ hởi của thời đại đã góp phần tạo nên hình ảnh những con người mang vẻ đẹp đặc biệt. Đó là những con người đã sống một cuộc đời oanh liệt và hoành tráng. Các bô lão muôn người như một hô vang “ quyết đánh” rung chuyển cả điện Diên Hồng. Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản vì nhỏ tuổi không được dự hội nghị tướng lĩnh ở Bình Than, phẫn uất đến mức bóp nát quả cam lúc nào không biết. Trần Bình Trọng khi rơi vào tay kẻ thù vẫn giữ tròn khí tiết của bậc làm tướng “Ta thà làm quỷ nước Nam cũng không thèm làm vương đất Bắc”. Đó còn là những con người có hành động rất lạ, chỉ xuất hiện trong thời này mà hầu như không thấy xuất hiện trong bất cứ một thời đại nào khác. Trần Thái Tông sẵn sàng bao dung, tha tội cho Hoàng Cự Đà khi ông này ức vì không được ăn xoài mà không cứu giá, bởi lẽ vua hiểu sâu sắc tâm lý con người và biết cái lỗi trước hết là do mình. Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông dám dùng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn vào chức Quốc Công Tiết Chế thống lĩnh toàn quân đội mặc dù biết ông là con dòng trưởng và cha ông – An Sinh Vương Trần Liễu từng có hiềm khích rất lớn với Thái Tông. Trần Nhân Tông xem ngôi vua nhẹ như chẳng có, có thể lìa bỏ dễ dàng như “ trút bỏ một chiếc giày rách”. Trần Minh Tông là vua mà thức suốt đêm trường, dằn vặt, trăn trở vì một lỗi lầm mắc phải ba mươi năm về trước. Trần Quốc Tuấn khi nắm quyền uy tột đỉnh vẫn một mực trung thành, cúc cung tận tụy, không vì thù riêng của gia đình mà truất phế ngôi vua theo lời trăng trối của cha. Trần Quang Khải và Trần Quốc Tuấn khi vận nước lâm nguy đã sẵn sàng gác sang một bên hiềm khích riêng để cùng lo việc nước…Và còn biết bao con người như thế nữa trong ức vạn con người thời Trần đã mạnh mẽ, tự tin góp sức mình tạo nên tinh thần thời đại. Hình ảnh những con người ấy đã in đậm dấu ấn trong văn học làm cho văn học thời Trần lấp lánh tinh thần nhân văn, độc đáo và vô cùng hấp dẫn.

Hồ Tấn Nguyên Minh

---------------------------------------

* Chú thích:

[1] Đặng Thai Mai (1977), “Mấy điều tâm đắc về một thời đại văn học”. Thơ văn Lý - Trần. 1, NXB KHXH, Hà Nội