Tổng thống Mỹ Biden và bài toán Afghanistan

Quốc tế - Ngày đăng : 17:40, 18/08/2021

Tình trạng hỗn loạn ở Afghanistan đang khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden hứng chịu sự chỉ trích từ nhiều phía.

Vài ngày qua hình ảnh sân bay Kabul tràn ngập người tuyệt vọng tìm cách thoát khỏi Afghanistan xuất hiện trên hàng loạt phương tiện truyền thông quốc tế. Người dân quốc gia Trung Á này đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nhân đạo.

Tổng thống Biden ngày 16.8 phát biểu nhận một phần trách nhiệm nhưng chủ yếu vẫn đổ lỗi cho đội ngũ lãnh đạo cùng quân đội Afghanistan, đồng thời bảo vệ định hướng chính sách tổng thể mà mình theo đuổi.

“Quân Mỹ không thể và không nên tham chiến và chết trong một cuộc chiến mà các lực lượng Afghanistan không sẵn sàng chiến đấu cho chính họ”, Tổng thống Biden nhấn mạnh. Ông lưu ý rằng Washington đã dành 2 thập niên với khoảng 1 nghìn tỉ USD giúp đỡ Afghanistan cũng như hỗ trợ quân đội quốc gia Trung Á này nâng cao năng lực tác chiến, chuẩn bị cho chính quyền Kabul về một tương lai không có Mỹ.

tkabul.jpg
Cảnh hỗn loạn ở sân bay Kabul được nhiều phương tiện truyền thông đăng tải thời gian qua - Ảnh: Reuters

Uy tín sụt giảm

Một trong những yếu tố giúp ông Biden chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 chính là đông đảo dân Mỹ có niềm tin rằng chính trị gia 79 tuổi này biết cách điều hành đất nước hơn, trái ngược với hình ảnh của đối thủ Donald Trump.

Nhưng những gì diễn ra ở Afghanistan tuần qua là trái ngược với niềm tin trên, mặc dù người Mỹ ủng hộ chính sách rút quân về nước.

Tổng thống không nên đưa ra đánh giá hay dự đoán màu hồng

Tổng thống Biden cam kết Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan an toàn và trật tự, không vội vã. Ông cũng đảm bảo kịch bản Taliban tái kiểm soát toàn bộ đất nước rất khó xảy ra.

Thực tế cho thấy điều ngược lại và đây không phải lần đầu. Tổng thống Biden đầu tháng 7 cảnh báo về biến thể Delta của vi rút gây COVID-19, tuyên bố Mỹ sắp thoát khỏi dịch bệnh, vậy mà nay số ca nhiễm lại tăng.

Từ đây Tổng thống Biden có thể phải rút ra được bài học quan trọng là không nên đưa ra những dự đoán mà ông không thể kiểm soát. Nếu cẩn trọng hơn trong chuyện rút quân, ông đã chẳng phải hứng chịu sự chỉ trích.

Ông Biden đang “hướng nội”

Sau nhiều năm lún sâu vào các cuộc chiến, bất ổn kinh tế và đại dịch, Mỹ hiện nay dường như hướng sự tập trung vào vấn đề trong nước.

Học thuyết chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden không hoàn toàn là “Nước Mỹ trên hết” của người tiền nhiệm. Ông tái thiết quan hệ với hàng loạt đồng minh, muốn được biết đến và được các nhà lãnh đạo thế giới tôn trọng.

Tuy nhiên so với thời kỳ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, vị chính trị gia 79 tuổi với tư cách tổng thống lại ưu tiên chính sách đối nội nhiều hơn.

Người Mỹ vẫn muốn rút quân khỏi Afghanistan

Cuộc chiến tại Afghanistan từ lâu đã không được lòng người dân Mỹ.

Sau loạt diễn biến cuối tuần qua, tạp chí Politico tiến hành khảo sát nhanh và phát hiện mặc dù tỷ lệ ủng hộ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan giảm đáng kể, vẫn có khoảng 50% người được hỏi vẫn muốn rút quân, chưa tới 1/3 muốn tiếp tục để quân đồn trú. Vài khảo sát trước đây cũng chỉ ra rất ít dân Mỹ cảm thấy có nghĩa vụ duy trì nền dân chủ tại Afghanistan.

Nguy cơ tấn công khủng bố

Tổng thống Biden lập luận rằng Mỹ cần tập trung chống khủng bố chứ không phải xây dựng quốc gia. Tuy nhiên nhà bình luận đài NPR Franco Ordonez nhắc nhở rằng thiết lập hiện diện quân sự ở nhiều quốc gia là cách Wasshington thực hiện để ngăn chặn sự khủng bố bấy lâu nay.

Taliban từng bao che al-Qaeda, tổ chức gây ra vụ tấn công ngày 11.9 chấn động toàn cầu. Hiện tại không còn quân Mỹ đồn trú Afghanistan, việc chống khủng bố sẽ là thách thức thực sự đối với Tổng thống Biden.

Cẩm Bình