Hiệu quả vắc xin Pfizer, AstraZeneca chống chủng Delta giảm thế nào 3 tháng sau khi tiêm liều thứ 2?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:23, 19/08/2021
Nghiên cứu này cũng phát hiện ra rằng những người nhiễm biến thể Delta sau khi tiêm hai mũi vắc xin Pfizer hoặc AstraZeneca có thể có nguy cơ cao hơn với những người khác so với các chủng SARS-CoV-2 trước đó.
Dựa trên hơn 3 triệu mẫu gạc mũi và họng được lấy trên khắp nước Anh, nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy rằng 90 ngày sau khi tiêm mũi thứ hai của vắc xin Pfizer hoặc Astrazeneca, hiệu quả ngăn ngừa nhiễm bệnh đã giảm xuống lần lượt là 75% và 61%. Tỷ lệ này giảm lần lượt từ 85% và 68%, được thấy 2 tuần sau khi tiêm liều thứ hai. Sự suy giảm hiệu quả rõ rệt hơn ở những người từ 35 tuổi trở lên so với những người dưới độ tuổi đó.
Sarah Walker, Giáo sư thống kê y khoa và trưởng điều tra viên của Đại học Oxford (Anh), cho biết: “Cả hai loại vắc xin này với liều lượng tiêm hai mũi vẫn hoạt động tốt trong việc chống lại biến thể Delta”.
Các nghiên cứu không dự đoán khả năng bảo vệ sẽ giảm bao nhiêu theo thời gian.
Nhấn mạnh nguy cơ lây nhiễm biến thể Delta đang gia tăng, nghiên cứu chỉ ra rằng những người nhiễm bệnh dù đã được tiêm vắc xin đầy đủ có xu hướng có tải lượng vi rút tương tự người chưa được chủng ngừa mắc COVID-19, sự suy giảm rõ ràng so với khi biến thể Alpha còn chiếm ưu thế ở Anh.
Các phát hiện của Đại học Oxford phù hợp với phân tích của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và được đưa ra khi chính phủ Mỹ lên kế hoạch triển khai tiêm mũi vắc xin tăng cường cho toàn bộ người dân vào tháng tới trong bối cảnh các ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng nhanh chóng.
Israel đã bắt đầu tiêm mũi vắc xin Pfizer tăng cường vào tháng trước để ứng phó với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Một số quốc gia châu Âu cũng dự kiến sẽ bắt đầu tiêm mũi vắc xin tăng cường cho người già và những người có hệ miễn dịch kém.
Trước đó, hãng dược Pfizer từng cho biết hiệu quả của vắc xin giảm dần theo thời gian và vẫn đang xem xét khả năng bảo vệ của vắc xin kéo dài bao lâu để quyết định liệu có cần thêm mũi vắc xin tăng cường để duy trì khả năng miễn dịch hay không.
Đồng tác giả nghiên cứu - Koen Pouwels (cũng thuộc Đại học Oxford) cho biết: “Thực tế là chúng tôi thấy nhiều chứng cứ về tải lượng vi rút hơn, điều này cho thấy khả năng miễn dịch cộng đồng có thể trở nên khó khăn hơn để đạt được. Vắc xin có lẽ có hiệu quả tốt nhất trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và có hiệu quả ít hơn một chút trong ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh”.
Miễn dịch cộng đồng là tình trạng trong đó có một tỷ lệ nhất định người miễn dịch với một số bệnh truyền nhiễm (thông qua tiêm chủng hoặc đã mắc bệnh này trước đó) nhằm phòng tránh các bệnh lây từ người sang người. Song theo Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã đẩy ngưỡng miễn dịch cộng đồng lên hơn 80% và có thể tới 90%.
Các tác giả nghiên cứu cảnh báo rằng nồng độ vi rút trong cổ người tham gia chỉ đại diện một phần cho mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và họ không có dữ liệu mới về thời gian nhiễm bệnh.
Cuộc khảo sát cũng nhấn mạnh mỗi lo ngại của các nhà khoa học rằng biến thể Delta có thể lây nhiễm sang những người được tiêm chủng đầy đủ với tỷ lệ cao hơn so với các chủng trước đó và những người được tiêm vắc xin có thể dễ dàng làm lây truyền vi rút.
Để đối chiếu các giai đoạn trước và sau khi Delta trở thành biến chủng trống trị toàn cầu, các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford đã phân tích khoảng 2,58 triệu mẫu phết lấy từ 380.000 người trưởng thành được chọn ngẫu nhiên trong khoảng thời gian từ 1.12.2020 – 16.5.2021 và 810.000 kết quả thử nghiệm từ 360.000 người tham gia từ 17.5.2020 – 8-1.2021.
Nghiên cứu được thực hiện với sự hợp tác của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cùng Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội (DHSC).