Doanh nghiệp nước ngoài lo chuỗi cung ứng bị đứt gãy
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:07, 20/08/2021
Đây là ý kiến của TP.HCM và nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và đại diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn TP.HCM diễn ra ngày 20.8.
Hội nghị được UBND TP.HCM tổ chức trong bối cảnh dịch COVID-19 tại TP đang diễn biến phức tạp. Hội nghị nhằm chia sẻ, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp có vốn nước ngoài, đồng thời để TP.HCM đồng hành cùng doanh nghiệp gỡ khó, tạo điều kiện đưa hoạt động sản xuất - kinh doanh nhanh chóng ổn định trở lại.
Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng
Tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TP đang ở trong giai đoạn rất khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. TP.HCM là đô thị đặc biệt với dân số đông nên dịch bệnh ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội.
Dự báo vào đầu tháng 8 của Tổng cục Thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 của TP.HCM có khả năng âm thay vì dương như năm 2020. Rất nhiều chỉ tiêu khác để cấu thành GRDP cũng khó đạt được kế hoạch đặt ra. Tất cả ngành kinh tế, từ công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ và sản xuất nông nghiệp đều chịu ảnh hưởng mạnh và có chiều hướng giảm sâu so với cùng kỳ. Hoạt động của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, hàng chục ngàn doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, hàng trăm ngàn lao động bị mất việc làm.
“Nếu chúng ta không có những giải pháp ứng phó một cách toàn diện, mạnh mẽ và kịp thời, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông và xuất khẩu hàng hóa là rất lớn”, ông Hoan nói.
Đáng chú ý, tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài lo ngại việc giãn cách kéo dài có thể khiến dòng vốn FDI rời bỏ thị trường TP.HCM, khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bà Hồ Thị Thu Uyên - Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam cho biết từ khi TP.HCM ban hành giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Intel Việt Nam chọn sản xuất theo phương án “1 cung đường, 2 địa điểm” cho 1.870 lao động trực tiếp và 1.500 lao động gián tiếp, các nhà thầu… phải lưu trú tại các khách sạn trong thành phố. Chi phí phát sinh tạm tính cho việc tổ chức sản xuất từ ngày 15.7 - 15.8 lên đến 140 tỉ đồng.
Nếu thêm 1 tháng đến 15.9 cũng theo phương án này, chi phí phát sinh của doanh nghiệp sẽ tăng gấp đôi và có thể sẽ hơn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách và kế hoạch sản xuất của công ty trong dài hạn,
Giám đốc đối ngoại của Intel Việt Nam thông tin nhà máy Intel tại Việt Nam đang đảm nhận sản lượng rất lớn, các sản phẩm bán dẫn cho tập đoàn và công ty đang xuất cho nhiều nước lớn trên thế giới. Nhà máy có vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 6 tháng đầu năm nay, Intel tại Việt Nam chiếm 64% tổng giá trị xuất khẩu của cả Khu Công nghệ cao và đóng góp khoảng 30% giá trị xuất khẩu của cả TP.HCM.
Vì vậy, Intel mong sau ngày 15.9, TP.HCM sẽ dừng giãn cách khi tình hình sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn. Theo bà Uyên, sau 30 năm Việt Nam thành công thu hút nhiều vốn FDI, mùa dịch này khiến lãnh đạo Intel lo lắng rất lớn khi dòng vốn ngoại có thể sẽ rời đi nếu giãn cách kéo dài.
Ngoài Intel Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp nước ngoài khác như Jabil, Aeon, Nidec, những hiệp hội doanh nghiệp các nước tại Việt Nam như Amcham, Eurocham, doanh nghiệp Đức, Singapore tại TP.HCM… đều có kiến nghị liên quan ưu tiên vắc xin cho người lao động để không bị gãy chuỗi sản xuất, giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp.
Lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp
Cũng tại hội nghị, theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, trong 7 tháng đầu năm 2021, việc có hơn 21.000 doanh nghiệp trên địa bàn bị giải thể, ngưng hoạt động đã phản ánh được tác động nặng nề của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất.
Hiện tại, TP.HCM đã bước sang ngày giãn cách thứ 42 ngày theo chỉ thị 16. Việc giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh là quyết định hết sức khó khăn. “Chúng tôi hiểu rằng, thực hiện giãn cách sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, hoạt động sản xuất, môi trường đầu tư. Tuy nhiên, vì sự an toàn của cộng đồng, vì sức khỏe của người dân là trên hết nên chúng tôi phải đưa ra quyết định như vậy”, ông Phong nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nói rằng TP.HCM đã thành lập tổ hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch COVID-19 để đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh, tập hợp các kiến nghị vượt quá thẩm quyền quyết định của UBND TP để báo cáo với Chính phủ.
Ông Phong cũng nhận định tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến mô hình sản xuất “3 tại chỗ” phải kéo dài thời gian. Từ đó, ảnh hưởng tâm sinh lý người lao động, chi phí cho công nhân cũng đội lên. Mô hình 3 tại chỗ chỉ thích hợp cho doanh nghiệp có quy mô vừa phải.
Từ các kiến nghị hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài, ông Phong nói TP.HCM đã đưa ra 4 phương án để đồng hành cùng doanh nghiệp. Về công tác tiêm vắc xin, TP.HCM đã có chủ trương tiêm vắc xin cho toàn bộ người lao động khu công nghiệp, khu chế xuất với 286.000 lao động và 3.000 chuyên gia, riêng khu công nghệ cao là 47.000 lao động. Vừa qua, do một số điều kiện, TP đã tiêm 85% số công nhân tại các doanh nghiệp, khu chế xuất. TP.HCM đang có kế hoạch tiêm đợt 2 cho 85% lao động đã tiêm đợt 1 và 15% trường hợp chưa tiêm đợt 1.
Liên quan đến các vấn đề về thủ tục, hỗ trợ tài chính, giảm thuế, Chủ tịch UBND TP cho biết, việc giảm thuế vượt quá thẩm quyền của UBND TP. Do đó, TP sẽ tổng hợp ý kiến doanh nghiệp và lại gửi đến Chính phủ.