TP.HCM bổ sung đối tượng ra đường, không có dân ‘vùng xanh’
Sự kiện - Ngày đăng : 21:34, 22/08/2021
Bỏ quy định “người dân vùng xanh” được ra đường
Chiều 22.8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoà Bình đã ký công văn số 2800 điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Theo đó, công văn 2800 nhằm điều chỉnh bổ sung cho công văn 2798 cũng do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình ký trước đó một ngày về việc tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Để đảm bảo việc triển khai thực hiện phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đảm bảo tính khả thi trong điều kiện thực tế, UBND TP.HCM yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện, các doanh nghiệp nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung tại công văn số 2796 ngày 21.8.2021 của UBND TP.HCM theo thời gian quy định.
Đồng thời, UBND TP.HCM cũng điều chỉnh, bổ sung một số nội dung chi tiết tại phụ lục số 1 của công văn số 2796 về phân công cấp, quản lý diện đối tượng được lưu thông trên đường.
Cụ thể, phụ lục mới quy định 17 nhóm đối tượng được cấp giấy phép lưu thông. Trong đó, TP.HCM bổ sung thêm một số đối tượng được ra đường như người lao động thuộc các đơn vị hoạt động của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái; lực lượng hỗ trợ, cứu trợ thuộc Thành Đoàn.
Lực lượng hỗ trợ, cứu trợ thuộc hội Liên hiệp Phụ nữ TP; lực lượng tiểu thương chợ truyền thống hỗ trợ cung ứng hàng hoá; người dân về quê theo kế hoạch; người đi thu gom gác dân lập; lực lượng kiểm dịch động, thực vật.... cũng thuộc nhóm đối tượng được cấp phép đi đường.
Nhóm đối tượng là cán bộ, công chức viên chức, người lao động thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, MTTQ đã được quy định rõ hơn. Trong đó, trường hợp giấy đi đường do UBND quận, huyện, TP Thủ Đức cấp thì có hiệu lực áp dụng trên địa bàn TP.HCM; trường hợp giấy đi đường do UBND phường, xã, thị trấn cấp thì có hiệu lực liên phường, xã, thị trấn trong nội bộ quận, huyện, TP Thủ Đức.
Ngoài ra, những người là nhân viên giao hàng của đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn, trang thiết bị, vật tư y tế; nhân viên sản xuất thực phẩm (bánh mì, bún, hủ tiếu…), suất ăn công nghiệp (giấy đi đường do Ban quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP cấp); lực lượng cứu trợ chống dịch COVID-19; lực lượng khác của ngành y… được UBND các quận huyện và TP.Thủ Đức cấp giấy và quản lý.
Đáng chú ý, đối tượng “người dân vùng xanh đi chợ trên địa bàn theo quy định” đã không còn được cấp giấy lưu thông mà chỉ còn đối tượng “người đi chợ thay”. Như vậy, trong công văn mới này, có đến 26 đối tượng được cấp phép lưu thông trên địa bàn TP.HCM từ ngày 23.8 - 6.9. Cụ thể như sau:
Siết chặt việc cấp giấy đi đường
Liên quan đến việc cấp giấy đi đường, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng vừa ra thông báo hướng dẫn cấp giấy đi đường cho người lao động tại các đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, Sở Giao thông vận tải đề nghị các cơ quan, đơn vị tổ chức các bộ, công chức, viên chức, người lao động triển khai phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến". Toàn bộ chỉ đi lại khi thực sự cần thiết để làm nhiệm vụ cấp bách, chống dịch, trực cơ quan, xử lý sự cố hạ tầng kỹ thuật.
Sở sẽ cấp giấy đi đường cho người được phép đi lại (có mã đơn vị cấp 1A, 2A). Số lượng xin cấp giấy đi đường không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiện có. Các trường hợp không đảm bảo 10%, đơn vị phải có phương án làm việc cụ thể để Sở xem xét.
Thời gian cấp giấy đi đường không quá 24 giờ kể từ khi nhận đủ hồ sơ, được gửi cho các đơn vị qua hộp thư điện tử, bao gồm danh sách người được cấp. Giấy đi đường có mã QR. Các đơn vị tự in và đem theo khi đi đường.
Mỗi giấy đi đường khi tra cứu mã QR thể hiện thông tin cơ quan làm việc, họ tên người được cấp, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, mục đích và thời gian tham gia giao thông.
Sở Giao thông vận tải cũng cho biết Cảng vụ hàng không miền Nam cấp giấy đi đường cho cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cấp giấy cho người làm việc ở Tân Cảng Cát Lái. Cơ quan cấp giấy đi đường phải kiểm soát số lượng giấy, đảm bảo siết chặt hạn chế việc đi lại, báo cáo số lượng việc áp dụng mẫu giấy đi đường.
Nhân viên lái xe trên phương tiện vận tải đã được sở cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QR không thuộc trường hợp cấp giấy đi đường. Người ra đường, ngoài giấy đi đường, phải có nhận diện khác như đồng phục ngành, đồng phục công nhân thực hiện dịch vụ công ích, áo khoác nhận diện dành cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch.