TP.HCM: Bác thông tin 'vùng đỏ', 'vùng xanh' trên mạng, chi tiết 30 đối tượng được cấp giấy đi đường

Sự kiện - Ngày đăng : 06:16, 23/08/2021

Từ 0 giờ ngày hôm nay (23.8) sẽ có 30 đối tượng được cấp giấy đi đường tại TP.HCM.

30 đối tượng được cấp giấy đi đường

UBND TP.HCM yêu cầu từ 0 giờ ngày 23.8 đến ngày 6.9, tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Thành phố, Trung ương đóng trên địa bàn thành phố phải triển khai thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến" với tối đã 1/4 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị.

Theo đó, ngoài 2 đối tượng là thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, lực lượng trực tiếp chống dịch và cán bộ, công chức được phép ra đường thì còn có 28 trường hợp khác do Thủ trưởng các cơ quan tự chịu trách nhiệm cấp giấy đi đường.

Như vậy, 2 đối tượng trên bắt buộc phải có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định. Cụ thể, các đối tượng được cấp giấy đi đường bao gồm:

- Thành viên của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp; lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch; xử lý hạ tầng kỹ thuật.

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị: không quá 10% trên tổng số.

Ngoài ra, các trường hợp khác phải do thủ trưởng cơ quan tự chịu trách nhiệm cấp giấy và có báo cáo cho Công an TP.HCM bao gồm:

- Cán bộ, công chức viên chức, người lao động thuộc các cơ quan Đảng, Chính quyền, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc.

- Người làm việc tại các lĩnh vực thiết yếu về tài chính: ngân hàng, chứng khoán.

- Người lao động tại các đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải trên địa bàn thành phố.

- Nhân viên giao hàng của hệ thống phân phối hoạt động trong địa bàn một quận/huyện từ 6-18 giờ; trừ thành phố Thủ Đức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn tạm dừng hoạt động.

- Nhân viên giao hàng của đơn vị cung ứng lương thực thực phẩm, suất ăn, trang thiết bị, vật tư y tế phòng dịch: không giới hạn phạm vi và thời gian hoạt động.

- Nhân viên phục vụ tại hệ thống phân phối, điện lực: không giới hạn phạm vi và thời gian hoạt động; riêng thành phố Thủ Đức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn thì thực hiện "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến".

- Nhân viên làm việc tại các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hoá, cửa hàng xăng dầu, gas: hoạt động từ 6-18 giờ, do Sở Công Thương quyết định số lượng và phạm vi hoạt động.

- Người lao động tại các đơn vị thuộc ngành xây dựng trên địa bàn (cấp thoát nước, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật…).

- Các công ty bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư.

- Nhân viên y tế và lực lượng hỗ trợ y tế tham gia chống dịch bệnh COVID-19, người đi cách ly và đi cách ly về.

- Công an, quân sự di chuyển thay ca làm việc tại các chốt, trạm kiểm soát dịch, tổ tuần tra và lực lượng phối hợp.

- Quân sự di chuyển thay ca làm việc tại các chốt, trạm kiểm soát dịch, tổ tuần tra và lực lượng phối hợp.

- Nhân viên làm nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động ngoại giao.

- Nhân viên các cơ quan lãnh sự, ngoại giao đi thi hành nhiệm vụ đột xuất (có thời gian và đề xuất cụ thể).

- Lực lượng hỗ trợ, cứu trực thuộc điều phối của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM (bếp ăn, từ thiện, lực lượng thiện nguyện…).

- Lực lượng cung ứng dịch vụ viễn thông, lực lượng báo chí.

- Lực lượng cung ứng dịch vụ bưu chính nhà nước.

- Dịch vụ công chứng.

- Nhân viên vệ sinh môi trường, hoạt động tang lễ…

- Các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ.

- Nhân viên khách sạn, nhà nghỉ phục vụ cách ly y tế và các lực lượng phòng chống dịch do cấp huyện, xã trưng dụng.

- Người dân đi tiêm ngừa vắc xin COVID-19 (cần có phiếu tiêm ngừa vắc xin).

- Tổ COVID-19 cộng đồng.

- Cấp cứu, khám chữa bệnh định kỳ: không cấp giấy

- Người đi chợ thay: xét nghiệm 1 lần/tuần và trang phục đồ bảo hộ.

- Các cơ sở sản xuất thực phẩm (bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu…), cơ sở xuất ăn công nghiệp.

- Các công ty bảo hiểm (chỉ thực hiện các hoạt động liên quan công tác giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết các quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng): Làm việc "3 tại chỗ"; chỉ cấp phát khi ra ngoài trụ sở để giải quyết sự vụ kèm theo hồ sơ và thu hồi ngay sau khi về cơ quan.

- Nhân viên cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ) phục vụ cách ly người nước ngoài, nhân viên y tế… do Sở Du lịch quản lý: làm việc "3 tại chỗ" và thu hồi ngay sau khi về cơ quan.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng yêu cầu người dân toàn thành phố không đi ra đường, không đi mua hàng trực tiếp. Chính quyền địa phương phải đảm bảo phân phối hàng tận nhà cho người dân và đảm bảo toàn bộ người dân sẽ được "đi chợ hộ" từ ngày 23.8.

TP.HCM dự kiến phải cung cấp hàng thiết yếu cho 9,4 triệu dân. Nhu cầu tiêu dùng bình quân 1 ngày dự kiến là 10.964 tấn gồm gạo, lương thực chế biến khô, thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả, muối, nước chấm, dầu ăn... Nhu cầu tiêu dùng bình quân 1 tuần là 76.747 tấn.

Nhu cầu tiêu dùng bình quân 15 ngày là 164.460 tấn. Ngoài ra, nhu cầu nước uống là 19 triệu lít/ngày; khẩu trang là 628.969 cái/ngày; nước sát khuẩn loại 0,5 lít là 239.596 chai/ngày.

Bác bỏ bảng thông tin 'vùng đỏ', 'vùng xanh' lan truyền trên mạng


Từ tối 21.8 đến sáng 22.8, người dùng mạng xã hội đã chia sẻ một file exel về bảng phân "vùng xanh", "vùng vàng", "vùng cam" và "vùng đỏ". Bảng phân vùng này chi tiết xuống tận các phường, xã, thị trấn ở các địa bàn có dịch như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Theo đó, thông tin này được lan truyền với mức độ rầm rộ, nhất là trong bối cảnh TP.HCM đang tăng cường các biện pháp để thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 23.8, trong đó người dân ở từng vùng sẽ được di chuyển theo quy định khác nhau.

Trước thông tin này, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM khẳng định đây không phải là bảng phân vùng do cơ quan chức năng công bố.

Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, file exel này không phải do đơn vị lập ra, có nhiều điểm đáng ngờ. Chẳng hạn như việc phân chia các phường ở quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, dù trên thực tế Quốc hội đã có nghị quyết sáp nhập 3 quận nêu trên để thành lập thành phố Thủ Đức từ đầu năm 2021.

Theo cơ quan này, hiện nay người dân thành phố có thể thông qua Bản đồ COVID-19 để nhìn thấy các thông tin như: vùng cách ly, điểm phong tỏa, ca dương tính, điểm dịch tễ (là những điểm đang được cách ly, người dân đi đến cần phải tự theo dõi sức khỏe và khai báo y tế hằng ngày)...

Mặt khác, người dân còn có thể tra cứu các thông tin địa điểm khẩu trang, cơ sở y tế, các địa điểm nhu yếu phẩm (chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi, cây xăng)... để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Các địa điểm được hiển thị trực quan trên giao diện bản đồ giúp người xem dễ nắm bắt vị trí, thông tin.

Người dân còn có thể xem bản đồ số này trên máy tính lẫn điện thoại, bằng cách truy cập vào một trong các địa chỉ: https://hatangdothi.tphcm.gov.vn/covid19/ hoặc từ Cổng 1022 tại địa chỉ web: https://1022.tphcm.gov.vn, chọn banner Bản đồ thông tin COVID-19 hoặc truy cập trực tiếp vào địa chỉ: https://bando.tphcm.gov.vn/covid19.

Khi sử dụng, người dân nên bật tính năng định vị (nếu truy cập từ smartphone) để bản đồ nhanh chóng cung cấp các thông tin liên quan đến vị trí của mình. Người dùng cũng có thể xem thông tin ở các nơi quan tâm bằng cách gõ địa chỉ trên công cụ tìm kiếm.

Dữ liệu của bản đồ được cung cấp bởi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM và được cập nhật ngay sau khi có thông cáo chính thức của Trung tâm này.

Tuyết Nhung (tổng hợp)